Cổ phiếu POW: Nhà đầu tư "tạm ứng tương lai"

Giá cổ phiếu POW tính đến phiên 20/6/2024 vượt ngưỡng 15.000 đồng/cổ phiếu, cao nhất trong hơn 2 năm qua và vượt dự báo của nhiều công ty chứng khoán. Cụ thể, mức giá mục tiêu đối với cổ phiếu POW của VNDIRECT và MBS là 14.800 đồng/cổ phiếu, SSI đưa ra mức 13.900 đồng/cổ phiếu, còn ABS là 13.750 đồng/cổ phiếu, BSC là 14.000 đồng/cổ phiếu, ASEANSC là 12.249 đồng/cổ phiếu.

Động lực tăng giá của cổ phiếu POW đến từ các thông tin tích cực được Ban lãnh đạo PV Power hé lộ tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 tổ chức cuối tháng 5. Trong đó, thông tin “nặng ký” nhất là khoản bồi thường bảo hiểm tổn thất 1.000 tỷ đồng cho sự cố tại Nhà máy Vũng Áng, gồm bồi thường chi phí thực hiện sửa chữa sự cố hơn 600 tỷ đồng và bồi thường gián đoạn kinh doanh hơn 300 tỷ đồng. Trước đó, thị trường có những dự báo về khoản bồi thường cho PV Power từ 300 - 500 tỷ đồng. Vì vậy, kế hoạch lợi nhuận năm 2024 mà PV Power đề ra ở mức thấp nhất kể từ khi lên sàn năm 2019 không khiến nhiều nhà đầu tư bận tâm.

Năm nay, PV Power đặt mục tiêu sản lượng và doanh thu lần lượt tăng 16% và 9% so với năm ngoái, lên 16,7 tỷ kWh và 31.700 tỷ đồng, nhưng dự kiến lãi ròng giảm gần 36%, về 824 tỷ đồng. Thực tế, trong giai đoạn 2019 - 2023, Tổng công ty đều thực hiện vượt kế hoạch lợi nhuận.

Đối với khoản bồi thường, hiện chưa rõ thời điểm PV Power sẽ ghi nhận vào báo cáo kết quả kinh doanh, nhưng giả sử ghi nhận trọn vẹn 1.000 tỷ đồng trong năm 2024 thì riêng khoản này đã gần bằng lợi nhuận năm 2023 (1.038 tỷ đồng). SSI cho rằng, PV Power sẽ ghi nhận khoản thu nhập đột biến này vào năm 2025 - 2026, với giá trị 500 tỷ đồng mỗi năm.

Về hoạt động kinh doanh, trong 5 tháng đầu năm 2024, PV Power đạt sản lượng điện 6,94 tỷ kWh, doanh thu 13.052 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế xấp xỉ 670 tỷ đồng.

Bên cạnh nhiệt điện, PV Power đang sở hữu 2 nhà máy thuỷ điện công suất lớn là Đakđrinh (125 MW) và Hủa Na (180 MW). Hiện tượng La Nina có khả năng sắp quay lại, mưa nhiều sẽ giúp nhà máy thủy điện được huy động nhiều hơn với giá tốt hơn.

Về dự án Nhơn Trạch 3 và 4, PV Power đã giải quyết xong nút thắt lớn nhất là ký hợp đồng thuê đất với Tổng công ty Tín Nghĩa vào ngày 27/5/2024 đối với phần diện tích 30,8 ha. Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã được PV Power trình Bộ Công thương phê duyệt, dự kiến các thủ tục có liên quan sẽ hoàn tất trong nửa cuối năm nay.

Theo kế hoạch, Nhơn Trạch 3 bắt đầu vận hành thương mại từ giữa tháng 11/2024 và Nhơn Trạch 4 là từ giữa tháng 5/2025. Với quy mô công suất 2 nhà máy lên đến 1.500 MW, PV Power sẽ có động lực tăng trưởng mới.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề mang tính lo ngại của PV Power là khoản phải thu từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN theo báo cáo mới nhất lên đến hơn 14.057 tỷ đồng, tăng 1.411 tỷ đồng so với đầu năm 2024.

Ngoài ra, khối công ty chứng khoán tuy đánh giá cao triển vọng kinh doanh của PV Power nhưng cũng lưu ý về một số rủi ro tiềm ẩn. Chẳng hạn, ASEANSC quan ngại về nguy cơ thiếu nguyên vật liệu đầu vào khi nguồn khí giá rẻ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ ngày càng suy giảm, ước tính mỗi năm giảm 10%, khiến các nhà máy điện khí có thể phải chạy thay thế bằng dầu DO có chi phí cao hơn.

VNDIRECT đề cập đến việc thiếu hụt đầu vào (đối với khí và than) trong ngắn hạn, cản trở hoạt động sản xuất; giá LNG tăng đột biến, cản trở quá trình đàm phán hợp đồng mua bán điện, dẫn đến các điều khoản kém thuận lợi cho Nhơn Trạch 3 và 4.

SSI lo ngại vấn đề tài chính của EVN kéo dài, dự án Nhơn Trạch 3 và 4 vận hành thương mại chậm hơn dự kiến (dự báo 2 nhà máy sẽ đi vào hoạt động trong năm 2025 - 2026).

BSC thì nhận định, Nhơn Trạch 3 và 4 có thể lỗ 100 - 375 tỷ đồng trong năm đầu hoạt động (2025).

Nguồn

6 Likes