Cổ phiếu SRF sẽ bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 14/05 tới do doanh nghiệp chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 30 ngày so với quy định...
Thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE), cổ phiếu SRF của Công ty CP Searefico sẽ bị chuyển từ diện cảnh báo sang diện kiểm soát từ ngày 14/05/2024. Lý do là bởi Searefico chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 quá 30 ngày so với thời hạn quy định.
Về vấn đề này, Searefico cho biết đã có giải trình với về nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trên cùng biện pháp và tình hình khắc phục. Theo đó, Searefico đã chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản thay đổi đơn vị kiểm toán độc lập đủ tiêu chuẩn để kiểm toán BCTC năm 2023, dự kiến ngày 09/05 tiến hành gửi thư lấy ý kiến đến cổ đông.
Cùng với đó, Searefico đã lựa chọn được đơn vị kiểm toán phù hợp, đủ tiêu chuẩn để kiểm toán BCTC năm 2023 và đang trong quá trình làm việc, cung cấp bằng chứng kiểm toán. Công ty cam kết BCTC kiểm toán năm 2023 sẽ được công bố trong thời gian sớm nhất có thể.
Cũng với lý do chưa thống nhất ý kiến với kiểm toán về BCTC và cần thêm thời gian để hoàn thiện tài liệu họp, HĐQT SRF thông báo ĐHĐCĐ thường niên 2024 đã không tổ chức ngày 11/04 như kế hoạch. Phiên họp sẽ được gia hạn tổ chức trong tháng 6, theo danh sách chốt ngày 12/03/2024.
Theo tìm hiểu, năm 1977, Công ty Xí nghiệp Cơ khí 3/2 được thành lập từ Xưởng cơ khí Phú Lâm với nhiệm vụ sản xuất nước đá, thiết bị, dụng cụ chế biến thủy sản xuất khẩu. Đến năm 1993, Xí nghiệp được đổi tên thành Công ty Kỹ nghệ lạnh (Searefico) - doanh nghiệp Nhà nước loại 1. Bộ Thủy sản ra quyết định sáp nhập Xí nghiệp Cơ Điện Lạnh Đà Nẵng (Searee) thuộc Công ty Thủy sản Miền trung (Seaprodex Danang) vào Công ty Kỹ nghệ Lạnh trực thuộc Tổng công ty Thủy sản Việt Nam vào năm 1996.
Khi cổ phần hóa vào năm 1999, Công ty CP Kỹ nghệ Lạnh ra đời với vốn điều lệ 12 tỷ đồng, tên giao dịch vẫn được giữ nguyên là Searefico. Sau nhiều lần phát hành cổ phiếu thưởng và tăng vốn, Searefico đã nâng vốn điều lệ lên gấp 30 lần ở mức 356 tỷ đồng. Năm 2009, hơn 8 triệu cổ phiếu SRF chào sàn HOSE với giá 30.000 đồng/cp và có lúc được giao dịch lên đến giá 130.000 đồng/cp. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại (kết phiên 10/5), cổ phiếu SRF vẫn đang "ngụp lặn" dưới mệnh giá với chỉ 9.660 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch cũng tương đối hạn chế với chỉ vài nghìn đơn vị/phiên.
Cổ phiếu SRF vẫn đang "ngụp lặn" dưới mệnh giá |
Tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2024, Searefico ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 271 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 64,6% so với cùng kỳ chỉ đạt hơn 636 triệu đồng (cùng kỳ quý I/2023 lãi gần 1,8 tỷ đồng).
Lý giải về lợi nhuận sụt giảm, Công ty cho biết, tình hình kinh doanh của Công ty tiếp tục chịu sự ảnh hưởng của nền kinh tế vĩ mô, ảnh hưởng đến lợi nhuận gộp các dự án. Trong kỳ phát sinh khoản điều chỉnh thuế thu nhập doanh nghiệp và giá trị gia tăng do quyết toán thuế các năm trước làm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 64,6% trong khi lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp tương đương với cùng kỳ.
Về định hướng kinh doanh năm 2024, Searefico cho biế sẽ tập trung vào các dự án có doanh thu tốt, chủ đầu tư uy tín, các dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp, dự án thuộc phân khúc hẹp hoặc có hàm lượng công nghệ cao và có thời gian thực hiện nhanh để tối ưu dòng tiền, bảo vệ lợi nhuận.
Bên cạnh đó, HĐQT SRF đề xuất không trích lập quỹ khen thưởng và không chia cổ tức năm 2023 do kết quả kinh doanh năm vừa qua chưa đạt kế hoạch. Nếu được thông qua, giai đoạn 2021-2023, Searefico đều không chia cổ tức cho cổ đông.
Năm 2024, Searefico dự kiến chia cổ tức trở lại với tỷ lệ 5%/mệnh giá. Đồng thời trích lập quỹ khen thưởng CBNV và HĐQT lần lượt 15% và 10% lợi nhuận sau thuế của Công ty mẹ.
Công ty đề xuất trong trường hợp lợi nhuận sau thuế vượt kế hoạch, quỹ khen thưởng CBNV và HĐQT được cộng thêm lần lượt 20% và 10% của phần lợi nhuận tăng thêm so với kế hoạch. Trong trường hợp không hoàn thành kế hoạch, HĐQT Searefico sẽ xin ý kiến ĐHĐCĐ để điều chỉnh các tỷ lệ trích lập này.