Cổ phiếu tiềm năng phiên 8/5: SAB, PLX, TCB

, ,

Trong phiên giao dịch 8/5, các cổ phiếu SAB, PLX, TCB được các công ty chứng khoán duy trì khuyến nghị nắm giữ dựa trên tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp.

Thị trường phiên 7/5 tiếp tục duy trì sắc xanh tích cực, lực cầu tăng nhanh trong phiên chiều giúp VN-Index đóng cửa tại mốc 1.249, tăng 7 điểm so với mốc tham chiếu. Thanh khoản giao dịch trên 3 sàn đạt xấp xỉ 20.600 tỷ đồng, giảm gần 13% so với phiên liền trước. Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị gần 120 tỷ đồng trên sàn HSX, tập trung chủ yếu vào các mã HPG, MWG, VNM. Tâm điểm thu hút dòng tiền của thị trường là nhóm BĐS công nghiệp, vật liệu xây dựng và nhóm bán lẻ. Với diễn biến hiện tại, loạt cổ phiếu như SAB, PLX, TCB được các công ty chứng khoán nhận định đang ở vùng giá tiềm năng để nắm giữ.

Các chỉ số chính trên thị trường kết phiên 7/5

Cổ phiếu SAB

Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước Giải Khát Sài Gòn ( Sabeco ; HOSE: SAB) là tập đoàn nước giải khát hàng đầu Việt Nam với thị phần lớn thứ 2 ở thị trường nội địa. Với lịch sử gần 150 năm, SAB sở hữu nhiều thương hiệu mạnh như Sài Gòn Special, 333, Sài Gòn Lager. Công ty có hệ thống phân phối rộng khắp thông qua các công ty con trên cả nước.

Trong quý 1/2024, doanh thu của SAB tăng trưởng trở lại sau 4 quý thu hẹp liên tiếp, đạt 7.243,1 tỷ đồng (+16,1% CK). Tuy nhiên, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty giảm xuống 29% (Q1/2023: 30,7%), khiến lợi nhuận gộp chỉ tăng 9,7% CK lên 2.100,2 tỷ đồng. Do lãi suất giảm, thu nhập từ hoạt động tài chính giảm 22,2% CK xuống 278,6 tỷ đồng. Do chi phí SG&A hầu như không thay đổi, lợi nhuận hoạt động trong Q1/2024 của SAB tăng 4,4% so với cùng kỳ lên 1.308,4 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế và LNST Q1 của SAB lần lượt đạt 1.302,9 tỷ đồng (+4% CK) và 1.023,7 tỷ đồng (+1,9% CK).

Trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, SAB cho biết giá nguyên liệu đầu vào đã được cố định cho năm 2024. Bất chấp những tác động tiêu cực từ việc tỷ giá tăng cao, công ty tự tin sẽ duy trì mức biên lợi nhuận gộp hiện tại.

Mặc dù SAB nhận thấy tín hiệu tích cực về doanh thu sau quý 1 nhưng theo nhận định của Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) là còn quá sớm để khẳng định hoạt động kinh doanh của Công ty đã qua đáy. Trên thực tế, doanh thu trung bình trong giai đoạn 4Q23–1Q24 vẫn thấp hơn con số 4Q22–1Q23 (-3,3% CK). Việc tăng cường kiểm tra nồng độ cồn giờ đây đã trở thành thông lệ, làm tăng chi phí liên quan đến việc tiêu thụ rượu. Điều này có thể tạo ra hành vi tiêu dùng mới và cản trở sự phục hồi của thị trường bia trong nước. Hơn nữa, việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt mới vẫn đang được xem xét, có khả năng làm tăng giá bán sản phẩm khi áp dụng, hoặc ít nhất có thể gây khó khăn cho các hãng bia trong việc duy trì tỷ suất lợi nhuận (nếu muốn giữ giá bán ổn định).

Trong kịch bản cơ sở, nhờ kết quả Q1 tốt hơn kỳ vọng, Mirae Asset nâng giả định tăng trưởng khối lượng bán hàng năm 2024 lên -5% CK (trước đây: -10% CK) và dự báo doanh thu đạt 29.463,1 tỷ đồng (-4,1% CK); trước đó: 29.114,8 tỷ đồng). Đồng thời, Mirae Asset hạ thấp giả định về tăng trưởng doanh số bán hàng trong những năm tiếp theo, phản ánh những thay đổi dài hạn trong hành vi của khách hàng. Công ty chứng khoán này dự báo lợi nhuận hoạt động và LNST năm 2024 của SAB lần lượt là 5.679 tỷ đồng (+5,1% CK) và 4.543,2 tỷ đồng (+6,8% CK; trước đó: 4.365,3 tỷ đồng).

SAB là công ty sản xuất bia nội địa có thị phần lớn nên Mirae Asset đã sử dụng phương pháp định giá so sánh cho cổ phiếu SAB, sử dụng tỷ lệ P/E trung bình hiện tại của các công ty tương đương cùng ngành và EPS dự phóng năm 2024. Theo đó, Mirae Asset hạ giá mục tiêu xuống còn 62.000 đồng từ 63.100 đồng, tương ứng với tỷ lệ P/E là 19.0 và duy trì khuyến nghị Nắm giữ.

Cổ phiếu PLX

Kết thúc năm 2023, lợi nhuận ròng của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (HOSE: PLX) đạt mức 2.812 tỷ đồng, tăng 94% so với mức nền thấp năm 2022, chủ yếu nhờ thương vụ thoái vốn khỏi PGBank. Bước sang Q1/2024, doanh thu của PLX tăng 11,4% svck nhờ sản lượng xuất bán tăng tốt trong bối cảnh một số đơn vị kinh doanh xăng dầu đầu mối bị thu hồi giấy phép hoạt động; biên lợi nhuận gộp tăng 0,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ nhờ nhà máy lọc dầu Nghi Sơn đã quay lại hoạt động và sản lượng nhập khẩu xăng dầu giảm, tiết kiệm chi phí hơn trong khi việc nhà máy lọc dầu Dung Quất đi vào bảo dưỡng đã được dự tính trước. Lợi nhuận ròng Q1/2024 tăng 73,2% svck và tăng 67,4% so với quý trước, đạt mức 1.073 tỷ đồng với đóng góp chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh chính.

Theo quan điểm của Công ty CP Chứng khoán MB (MBS), thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa Việt Nam kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng, trong khi PLX có khả năng gia tăng thị phần khoảng 0,3% - 0,5% khi một số nhà cung cấp nhỏ đã bị thu hồi giấy phép hoạt động kinh doanh xăng dầu do các vi phạm pháp lý. MBS cũng kỳ vọng tổng sản lượng xăng dầu của PLX sẽ tăng trưởng lần lượt 4,1% - 2,6% trong giai đoạn 2024-2025; biên lợi nhuận gộp năm 2024 tăng 0,1 điểm cơ bản so với năm 2023 nhờ chủ động nguồn cung hơn khi việc nhà máy lọc dầu Bình Sơn đi vào bảo dưỡng đã được lên kế hoạch trước.

Bên cạnh đó, việc sửa đổi một số quy định liên quan đến kinh doanh xăng dầu cũng có thể tạo hành lang pháp lý minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh của PLX. Theo đó, kỳ vọng PLX sẽ ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận ròng trong giai đoạn 2024-2025 lần lượt là tăng 16,4% và giảm 0,9%.

Sử dụng 2 phương pháp FCFF và P/E, MBS đưa ra giá trị hợp lý của cổ phiếu PLX là 43.800 đồng/cp và khuyến nghị khả quan cho mã này. MBS tin rằng PLX là một sự lựa chọn phù hợp cho các nhà đầu tư ưa thích các cổ phiếu an toàn với chính sách trả cổ tức bằng tiền mặt hấp dẫn. Rủi ro giảm giá gồm: (1) Thị phần xe chạy xăng suy giảm nhanh hơn dự kiến do bị lấn át từ xe điện, (2) Biên lợi nhuận gộp bị ảnh hưởng khi phải nhập khẩu xăng dầu từ nước ngoài trong giai đoạn các nhà máy lọc dầu trong nước gặp sự cố bất ngờ.

Cổ phiếu TCB

Trong Q1/2024, Ngân hàng TMCP Kỹ thương ( Techcombank ; HOSE: TCB) ghi nhận tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 12.261 tỷ đồng (+31,8% svck), trong đó thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi tăng lần lượt 30,2% và 35,7% svck. NIM tăng mạnh 23 điểm cơ bản svck cùng với TTTD đạt 7,1% so với cuối 2023 giúp thu nhập lãi thuần tăng khả quan. Thu nhập từ phí tăng 11,7% svck, thu nhập từ hoạt động kinh doanh vàng & ngoại hối ghi nhận lãi 544 tỷ đồng trong Q1/2024 trong khi cùng kỳ lỗ 229 tỷ đồng. Các khoản thu từ hoạt động đầu tư chứng khoán đạt 1.073 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ hơn 1 tỷ đồng. Chi phí trích lập dự phòng đạt 3.249 tỷ đồng (+126,5% svck) nhưng với tỷ lệ CIR giảm xuống mức thấp kỷ lục 26,5%, LNST Q1/2024 tăng khả quan lên mức 6.277 tỷ đồng (+38,3% svck).

Tỷ lệ NPL và nợ nhóm 2 tại cuối Q1/2024 đạt lần lượt 1,13% và 1,09%, đi ngang so với cuối năm 2023, trong bối cảnh tín dụng của TCB tăng mạnh cho thấy rủi ro suy giảm chất lượng tài sản trong những quý tiếp theo vẫn còn lớn. Dư nợ nhóm 2 và nợ xấu tăng lần lượt 37,5% và 5,3% so với cuối năm 2023. Dư nợ tái cơ cấu theo Thông tư 02 tại 31/03/2024 đạt 7,6 nghìn tỷ đồng nhưng đến thời điểm hiện tại đã xóa 5,8 nghìn tỷ đồng, do đó TCB cũng kỳ vọng số liệu tại cuối Q2/2024 dư nợ tái cơ cấu này sẽ đạt 1,6 nghìn tỷ đồng (chiếm 0,2% dư nợ hiện tại của TCB).

Với những luận điểm trên, MBS nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu TCB lên 50.300 đồng/cp do (i) P/B mục tiêu 12 tháng đạt 1.2x (cao hơn 12% so với P/B mục tiêu 1.1x trong dự báo gần nhất) do KQKD rất khả quan của TCB trong Q1/2024; (ii) MBS cũng nâng dự báo LNST 2024-2025 lên lần lượt 3,0% và 7,3%. Tuy nhiên, những diễn biến tích cực của cổ phiếu trong 4 tháng đầu năm 2024 đã phản ánh triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024, do đó chúng tôi thay đổi khuyến nghị sang TRUNG LẬP.

Nguyễn Thanh

https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-tiem-nang-phien-85-sab-plx-tcb-233922.html