Trong phiên giao dịch 9/5, các cổ phiếu HPG, NLG, TPB được các công ty chứng khoán duy trì khuyến nghị nắm giữ dựa trên tiềm năng sẵn có của doanh nghiệp.
Trong phiên 8/5, thị trường chứng khoán gặp phải áp lực bán đầu phiên và VN-Index có lúc giảm tới gần 14 điểm. Tuy nhiên, lực cầu gia tăng nhanh chóng ngay sau đó đã giúp VN-Index dần hồi phục và đóng cửa tại mức 1.250 điểm, tăng nhẹ 2 điểm so với mốc tham chiếu.
Thanh khoản giao dịch trên 3 sàn đạt xấp xỉ 26.700 tỷ đồng, tăng gần 30% so với phiên liền trước. Khối ngoại trở lại bán ròng với giá trị gần 1.300 tỷ đồng trên sàn HOSE, chủ yếu tập trung vào các mã VHM, TCB, PVD. Điểm sáng thu hút dòng tiền thị trường trong phiên có thể kể đến như nhóm cổ phiếu dầu khí, hóa chất và nhóm tài nguyên cơ bản. Với diễn biến hiện tại, một số cổ phiếu như HPG, NLG, TPB được các công ty chứng khoán nhận định đang ở vùng giá tiềm năng để nắm giữ.
Các chỉ số chính trên thị trường kết phiên 8/5 |
Cổ phiếu HPG
Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát (HOSE: HPG) là doanh nghiệp sản xuất thép có quy mô và chuỗi giá trị lớn và hoàn thiện nhất Việt Nam, hàng đầu Đông Nam Á. Sản phẩm chính của HPG là thép xây dựng với mức thị phần trên 30% tại thị trường nội địa. Ngoài ra, HPG còn tham gia một số mảng kinh doanh khác như bất động sản, nông nghiệp, điện máy,...
Hiện nay, giá than và quặng sắt đều đã điều chính đáng kể khoảng 10-20% so với đầu năm, đồng thời đều được các tổ chức lớn trên thế giới (WorldBank, Fitch Ratings) dự báo ở mức thấp hơn so với năm 2023. Trong khi đó, giá đầu ra mặc dù không có sự bùng nổ do thị trường Trung Quốc vẫn ảm đạm, nhưng sẽ không giảm sâu vì nhu cầu hồi phục ở thị trường nội địa. Đồng thời, theo ban lãnh đạo, HPG đã giải phóng lượng hàng tồn kho giá cao trong quý 1 để tập trung tích trữ hàng giá rẻ, từ đó giúp biên lợi nhuận gộp năm 2024 có thể cải thiện lên mức 14-15%.
Sản lượng tiêu thụ thép xây dựng có thể dần hồi phục theo sự trở lại của các dự án BĐS, đặc biệt là lượng hàng còn vướng mắc pháp lý trong năm trước, khi khả năng phê duyệt pháp lý của các cơ quan chức năng được hỗ trợ nhờ cập nhật của các luật mới điều chỉnh thị trường BĐS có thể đồng loạt có hiệu lực bắt đầu từ năm 2025. Theo đó, sản lượng tiêu thụ thép xây dựng HPG năm 2024 có thể đạt gần ngang mức lịch sử của năm 2022, khoảng trên 4,1 triệu tấn (~10% YoY).
Dự án trọng điểm Dung Quất 2 giai đoạn 1, công suất 2,8 triệu tấn HRC/năm đang dần hình thành, dự kiến đóng góp sản lượng từ năm 2025. Với công nghệ hiện đại hơn, HPG có thể sản xuất HRC chất lượng cao, đa dạng chỉ tiêu kĩ thuật, phù hợp với công nghiệp ô tô, tàu thủy,... với tiêu hao nhiên liệu giảm khoảng 10%. Theo đánh giá từ Công ty Chứng khoán DSC, nhu cầu HRC ở thị trường xuất khẩu và nội địa đều còn nhiều dư địa, từ đó giai đoạn 1 sẽ có thể đầy công suất từ năm 2028.
Việc tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ, trong đó thép xây dựng tiêu thụ 956.000 tấn (+10% YoY), HRC tiêu thụ 805.000 tấn (+67% YoY), trong đó sản lượng xuất khẩu tăng 156% YoY giúp kết quả kinh doanh quý 1 tiếp tục tăng trưởng so với cùng kì dù giá bán có hạ nhiệt so với cuối năm trước. Cụ thể, doanh thu đạt 30.852 tỷ (+16% YoY), lợi nhuận trước thuế đạt 3.261 tỷ (+513% YoY), lần lượt hoàn thành 22% và 29% kế hoạch năm
Biên lợi nhuận gộp đạt 13% quý thứ 3 liên tiếp thể hiện tính biến động không cao giữa giá đầu vào và giá đầu ra khi doanh nghiệp vẫn chủ động quay vòng tồn kho nhanh trong thời điểm đáy chu kì. Tuy nhiên, với động thái tận dụng thời điểm giá nguyên liệu than và quặng giảm, HPG đã tích cực nhập hàng vào quý 1, đẩy giá trị tồn kho lên 42.800 tỷ (+24% YoY). DSC kì vọng, động thái này có thể nới biên lợi nhuận gộp của HPG lên mức 15-16% trong các quý tiếp theo.
Với việc dồn toàn lực cho Dung Quất 2, HPG đã gia tăng nợ vay đáng kể trong những quý gần đây. Mặc dù vậy, cơ cấu vốn và khả năng thanh khoản được duy trì tương đối an toàn và vượt trội so với ngành. DSC kì vọng kế hoạch phát hành tăng vốn 10% (gần 6.000 tỷ) vào năm nay thành công sẽ bổ sung nguồn lực để phát triển dự án, đồng thời cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp.
Về cổ tức, từ 2018-2022, HPG chi trả cổ tức tiền mặt không thường xuyên, nhiều nhất ở mức 5%. Vì lí do tập trung toàn nguồn lực cho Dự án Dung Quất 2, HPG tiếp tục không trả cổ tức tiền trong các năm tới, thay vào đó doanh nghiệp có kế hoạch phát hành tăng vốn với tỷ lệ 10%.
Về định giá, P/B của HPG đang ở mức trung vị 5 năm là 1,6 lần, trong khi đó P/E nhờ lợi nhuận ổn định trở lại đã hạ xuống mức 17,7 lần, mức hợp lý đối với kì vọng.
Theo DSC, doanh thu 2024 của Hòa Phát ước đạt 136.600 tỷ (+15% YoY), LNST 2024 đạt 10.750 tỷ đồng (+58% YoY), tương đương P/E forward là 15,5 lần, EPS 2024 là 1.849 VND. Với kì vọng từ Dung Quất 2 vào 2025, DSC đánh giá mức P/E hợp lý cho HPG là 18 lần, tương đương mức giá 33.300 VND/ cổ phiếu.
Cổ phiếu NLG
Trong các doanh nghiệp cùng quy mô, Công ty CP Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG) có quỹ đất đầy đủ pháp lý và sẳn sàng để phát triển và bán. Tiêu biểu có thể kể đến Akari giai đoạn 2 đã mở bán từ năm 2022, dự kiến sẽ bàn giao và ghi nhận doanh thu vào năm 2024 sau khi cất nóc vào cuối T11/2023. Các dự án vừa túi tiền như EhomeS Cần Thơ, Ehome SouthGate dự kiến cũng sẽ mở bán và mang lại dòng tiền tốt cho doanh nghiệp trong năm 2024 (tòa A2 thuộc giai đoạn 2 dự án đã được ký hợp đồng bán sỉ cho đối tác vào cuối năm 2023).
Hiện nay, NLG đang trong quá trình hoàn thành các thủ tục pháp lý để (1) chuyển nhượng 25% dự án Paragon Đại Phước và (2) điều chỉnh quy hoạch dự án Izumi City, thu nhỏ đơn vị sản phẩm để dễ tiêu thụ hơn. DSC kì vọng, việc Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, và Luật Đất đai sửa đổi được phê duyệt vào thời gian vừa qua sẽ là động lực về mặt tâm lý cho các bên cơ quan chính quyền có thể đẩy nhanh hơn việc phê duyệt các vấn đề trên.
NLG thoái vốn tổng cộng 50% dự án Paragon Đại Phước, trong đó 25% đã hoàn tất chuyển nhượng trong 2022 với giá trị hơn 244 tỷ. 25% chưa được chuyển giao do đối tác nước ngoài vướng mắc khi xin giấy đăng kí kinh doanh, vấn đề này khả năng sẽ sớm kết thúc khi quá trình rà soát dự án này của Chính phủ thực hiện xong, từ đó giúp khoản này được tiếp tục ghi nhận trong năm nay, giá trị dự tính khoảng 400 tỷ.
Theo nhận định của Chứng khoán DSC, do thuộc tính ưa thích và tập trung bàn giao nhà vào quý 4 (trước Tết), nên quý 1 thường là mùa thấp điểm bàn giao, kéo theo việc ghi nhận kết quả hoạt động kinh doanh thấp. Cụ thể, doanh thu đat 205 tỷ (-13% YoY), lợi nhuận trước thuế đạt - 47 tỷ. Việc ghi nhận lỗ nhẹ không phải hiện tượng quá bất thường và không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh cả năm khi trụ cột lợi nhuận năm nay là Akari gia đoạn 2 sẽ được bàn giao vào quý 4 (doanh thu dự kiến khoảng trên 2.500 tỷ).
Giá trị người mua trả tiền trước của NLG đã quay lại xu hướng tăng kể từ Q3/2023 và chạm đỉnh so với nhiều năm vào Q1/2024. Trong đó, đóng góp chủ yếu là các sản phẩm căn hộ chung cư flora (Akari, Mizuki) và biệt thự valora (Waterpoint, Izumi). Với giá trị trả trước từ khách hàng lớn nhất so với nhóm doanh nghiệp vốn hóa tương đương, NLG có dư địa lớn duy trì và bứt phá kết quả kinh doanh trong năm 2024.
Mặc dù là doanh nghiệp hiếm hoi không cắt giảm, thậm chí tăng cường nợ vay trong giai đoạn khó khăn, NLG vẫn duy trì được khả năng thanh toán khá tốt, với tỷ lệ tiền gửi/nợ vay lớn hơn trung bình ngành dù giá trị nợ vay cao. Tuy nhiên năm 2024, NLG cần tất toán 2.400 tỷ nợ vay trái phiếu và tín dụng đáo hạn, việc huy động thêm nợ và sử dụng tiền hiện có để trả nợ có thể sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực tới chỉ số về khả năng thanh toán của NLG.
Theo tìm hiểu, NLG là doanh nghiệp BĐS hiếm hoi trả cổ tức khá đều bằng tiền và cổ phiếu. Năm 2023, công ty có kế hoạch trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 5%, không hấp dẫn nếu chỉ nắm giữ để nhận cổ tức.
Theo Chứng khoán DSC , do bị lỗ trong quý 1 nên các chỉ số định giá NLG chưa có nhiều khả quan. Ở thời điểm hiện tại P/B 1,7 lần cao hơn trung bình 5 năm (1,6 lần), ngang vùng tích lũy của năm 2021, tuy nhiên, bối cảnh thị trường BĐS năm 2024 không được bùng nổ như năm 2021, nên mức P/B này là tương đối hợp lý.
DSC ước tính kết quả kinh doanh 2024 sẽ có sự hồi phục khá mạnh nhờ bàn giao các sản phẩm chung cư trung cấp đến bình dân là Akari 2, SouthGate 2, Ehome Cần Thơ (Central Lake). Cụ thể, doanh thu đạt 5.620 tỷ (+77% YoY), lợi nhuận sau thuế đạt 1.002 tỷ (+25% YoY). Sử dụng phương pháp P/B và RNAV, chúng tôi xác định mức giá hợp lý cho cổ phiếu NLG cho 1 năm tới là 46.400 VND/ cổ phiếu.
Cổ phiếu TPB
Trong quý 1/2024, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (HOSE: TPB) tăng mạnh 28,0% svck, đạt 4.685 tỷ đồng, nhờ thu nhập lãi (NII) tăng trưởng 25,2% svck. Dư nợ tín dụng quý 1/2024 giảm 3% do dư nợ cho vay giảm 2% so với đầu năm. NIM cải thiện 59 điểm cơ bản svck, đạt 4,1% (giảm 79 điểm cơ bản sv quý trước). Mặc dù lãi suất cho vay giảm, TPB vẫn có thể cải thiện NIM nhờ lãi suất tiền gửi đã giảm trong quý 1/2024. Chi phí vốn giảm 144 điểm cơ bản svck (giảm 91 điểm cơ bản so với quý trước), trong khi lợi suất tài sản chỉ giảm 81 điểm cơ bản svck (giảm 167 điểm cơ bản sv quý trước). Thu nhập ngoài lãi cũng tăng 36,4% svck, nhờ thu nhập từ hoạt động đầu tư tăng mạnh.
Mặc dù TOI tăng mạnh, lợi nhuận ròng chỉ tăng nhẹ 3,5% svck. Điều này là do chi phí dự phòng tăng gấp 3,8 lần svck trong Q1/24. Chi phí tín dụng tăng 39 điểm cơ bản svck (giảm 44 điểm cơ bản sv quý trước), đạt 0,6% do tỷ lệ nợ xấu tăng. Chi phí hoạt động thấp hơn dự kiến giúp làm giảm áp lực lên lợi nhuận ròng, khi tỷ lệ chi phí/thu nhập (CIR) giảm 7,4 điểm % svck.
Vào cuối quý 1/2024, tỷ lệ nợ xấu tăng 0,8 điểm % svck (tăng 0,2 điểm % so với quý trước), đạt 2,23%. Tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến, đặt biệt khi xét đến việc dư nợ cho vay đã giảm 2% trong quý 1/2024. Tuy nhiên, điều tích cực là tỷ lệ nợ nhóm 2 trên tổng dư nợ giảm 0,1 điểm % so với quý trước (giảm 1,3 điểm % svck). Tỷ lệ này đã giảm trong hai quý liên tiếp kể từ quý 3/2023. Mặc dù chất lượng tài sản không phục hồi nhanh như dự phóng, nhưng theo quan điểm của VNDIRECT là giai đoạn khó khăn nhất đối với TPB đã qua.
Từ những luận điểm trên, VNDIRECT duy trì khuyến nghị khả quan cho cổ phiếu TPB với giá mục tiêu hiện tại là 26.800 đồng/cp.
https://kinhtechungkhoan.vn/co-phieu-tiem-nang-phien-95-hpg-nlg-tpb-234084.html