Cổ phiếu từng hot nhất mùa dịch Cô vi bị hạn chế giao dịch

## Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa ra quyết định đưa cổ phiếu DNM của Tổng công ty CP Y tế Danameco từ diện bị kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch.

Quyết định số 453/QĐ-SGDHN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội nêu, lý do đưa DNM vào diện bị hạn chế giao dịch vì công ty này chậm nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2022. Do vậy cổ phiếu DNM của Danameco bị hạn chế giao dịch, chỉ được giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần.

Việc nộp các báo cáo như trên đã được quy định tại Điểm a, khoản 1, Điều 39 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành kèm theo Quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng Thành viên, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.


Giải trình của Danameco

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội yêu cầu trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định, Danameco phải gửi về Sở này cũng như công bố thông tin kèm biện pháp, lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị hạn chế giao dịch.

Giải trình về nguyên nhân, DNM cho biết do thay đổi nhân sự kế toán, đặc biệt là kế toán trưởng thay đổi nhiều lần trong năm 2022 nên quá trình làm việc với đơn vị kiểm toán bị gián đoạn và chậm trễ. Hiện tại HĐQT công ty vẫn đang làm việc với kiểm toán để hoàn thiện báo cáo này.

Ngoài ra, Danameco cho hay hiện vẫn đang làm việc chặt chẽ với kiểm toán để lập báo cáo tài chính quý II và bán niên soát xét 2023 để công bố thông tin theo quy định.

“Phú quý giật lùi”

Về kết quả kinh doanh, doanh thu quý I/2023 của Danameco ghi nhận ở mức 50,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/3 so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tụt xuống mức âm 23,7 tỷ đồng, trong khi chỉ số này trong cùng kỳ là 15,2 tỷ đồng. Như vậy, lợi nhuận sau thuế quý I/2023 của DNM giảm đến 256% so với cùng kỳ 2022.

Thực tế, kết quả kinh doanh tuột dốc của DNM đã diễn ra trong cả năm 2022. Theo tài liệu họp ĐHCĐ mới công bố, doanh thu toàn năm 2022 của DNM đạt 321,2 tỷ đồng, chỉ đạt 64% kế hoạch và giảm đến 42% so với kết quả năm 2021. Năm 2022, DNM đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế ở mức 32 tỷ đồng, tuy nhiên trên thực tế doanh nghiệp này lỗ đến 100,4 tỷ đồng, giảm đến 504% so với năm 2021.

Năm 2023, DNM tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu đạt mức 500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ở mức 20 tỷ đồng. Tuy vậy nhìn vào kết quả kinh doanh quý I/2023, có thể thấy mục tiêu này dường như sẽ là “nhiệm vụ bất khả thi” đối với doanh nghiệp vật tư y tế này.

Kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch dự kiến năm 2023 của Danameco
Kết quả kinh doanh 2022 và kế hoạch dự kiến năm 2023 của Danameco

Với tình hình kinh doanh ‘phú quý giật lùi’ với tốc độ chóng mặt như đã nêu, trong năm 2023 DNM sẽ không đầu tư các dự án xây dựng lớn.

Trong khi đó, một số hạng mục xây dựng và mở rộng mặt bằng sản xuất vẫn chưa được thực hiện trong năm 2022, thuộc dự án xây dựng mở rộng nhà máy Quảng Nam. Có thể kể đến các hạng mục gồm thi công nhà kho (13,6 tỷ đồng); Nhà văn phòng hai tầng (9 tỷ đồng); Nhà ăn cho CBCNV (2,5 tỷ đồng).

Quy mô tài sản DNM hiện ở mức 421,8 tỷ đồng, chiếm phần lớn là tài sản ngắn hạn. Các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho chiếm hơn 233 tỷ đồng, phản ánh chất lượng tài sản của DNM hiện khá xấu. Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả hiện ở mức 347 tỷ đồng, gấp hơn 4,6 lần vốn chủ sở hữu. Các khoản nợ chủ yếu tập trung trong ngắn hạn, trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn chiếm hơn 103 tỷ đồng

Tổng CTCP Y tế Danameco được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (Công ty Thiết bị y tế TƯ 3 Đà Nẵng). Doanh nghiệp này hiện có vốn điều lệ hơn 52,5 tỷ đồng. Cổ phiếu DNM có lần giao dịch đầu tiên trên sàn HNX vào ngày 16/2/2011.

Danameco hiện là nhà thầu có vị thế trong lĩnh vực vật tư y tế. Doanh nghiệp này từng được công bố trúng ít nhất 293 gói thầu ở các chủ đầu tư hầu khắp cả nước, với tổng giá trị trúng thầu hơn 1.199 tỷ đồng.