Nha Trang Tourism, tổ chức từng là cổ đông gắn với quá trình cổ phần hóa của CTCP Nước Giải khát Yến sào Khánh Hòa (UPCoM: SKV), đăng ký bán ra gần 91 ngàn cp SKV nhằm giảm sở hữu còn 0.37%.
Cổ phiếu vùng đỉnh lịch sử, Nha Trang Tourism liên tục thoái vốn SKV
Nha Trang Tourism, tổ chức từng là cổ đông gắn với quá trình cổ phần hóa của CTCP Nước Giải khát Yến sào Khánh Hòa (UPCoM: SKV), đăng ký bán ra gần 91 ngàn cp SKV nhằm giảm sở hữu còn 0.37%.
Giao dịch thực hiện từ ngày 6-31/05/2024, CTCP Du lịch Thương mại Nha Trang (Nha Trang Tourism) sẽ thực hiện thoái vốn SKV thông qua phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Nếu thành công, Nha Trang Tourism sẽ giảm sở hữu SKV từ hơn 176 ngàn cp (tỷ lệ 0.77%) xuống còn hơn 85 ngàn cp (tỷ lệ 0.37%).
Hành trình miệt mài thoái vốn
Vai trò cổ đông của Nha Trang Tourism tại SKV bắt nguồn từ thời điểm tháng 05/2016, với việc UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt Nha Trang Tourism là nhà đầu tư chiến lược trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng của SKV. Theo đó, Nha Trang Tourism được chào bán hơn 4.7 triệu cp (tỷ lệ 20.48%).
Thời điểm đó, bên cạnh chào bán riêng lẻ cho Nha Trang Tourism, SKV còn chào bán công khai qua đấu giá 5 triệu cp; chào bán người lao động trong Công ty có thâm niên làm việc 329.5 ngàn cp và người lao động cam kết làm việc lâu dài hơn 1.2 triệu cp; chào bán cho công đoàn 7.5 ngàn cp.
Đến tháng 08/2016, SKV cổ tức ĐHĐCĐ thành lập CTCP Nước giải khát Yến sào Khánh Hòa và chính thức hoạt đông dưới hình thức CTCP theo giấy chứng nhận do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa cấp thay đổi lần thứ 1 vào tháng 09/2016, vốn điều lệ 230 tỷ đồng.
Quay lại với Nha Trang Tourism, tiếp tục nắm giữ hơn 4.7 triệu cp SKV cho đến tháng giữa năm 2021, sau đó bán ra 3.1 triệu cp để giảm sở hữu còn hơn 1.6 triệu cp (tỷ lệ 7%). Sau đó, Nha Trang Tourism liên tiếp bán ra khoảng 259 ngàn và gần 281 ngàn cp SKV trong tháng 12/2021 và tháng 1/2022 để giảm sở hữu còn gần 1.1 triệu cp (tỷ lệ 4.66%), chính thức không còn là cổ đông lớn.
Kể từ đó đến nay, Nha Trang Tourism tiếp tục nhiều lần thoái vốn SKV. Tính đến thời điểm trước khi đăng ký bán gần 91 ngàn cp mới nhất, SKV đang sở hữu hơn 176 ngàn cp, tương đương tỷ lệ chỉ còn 0.77%.
Hành trình thoái vốn của Nha Trang Tourism tại SKV Nguồn: VietstockFinance |
Xét về mối quan hệ, Nha Trang Tourism và SKV là đối tác làm ăn nhiều năm. Hiện tại, Nha Trang Tourism còn là tổ chức có liên quan của ông Lê Hồng Thuận - Thành viên HĐQT SKV.
Trên thị trường chứng khoán, xuyên suốt quá trình thoái vốn của Nha Trang Tourism, cổ phiếu SKV liên tục tăng giá và tạo ra những vùng đỉnh mới. Kết phiên 14/05/2024, SKV đóng cửa tại giá 40,000 đồng/cp, tăng gần 50% trong một năm qua, thanh khoản trung bình hơn 16.4 ngàn cp/ngày.
Diễn biến cổ phiếu SKV kể từ thời điểm chào sàn UPCoM tháng 11/2017 |
|
Từng bị phạt gần 1 tỷ đồng do "bán chui" cổ phiếu
Nha Trang Tourism từng bị phạt gần 1 tỷ đồng và đình chỉ giao dịch 3 tháng vì “bán chui” cổ phiếu SKV.
Đầu tiên, Công ty bị xử phạt 7.5 triệu đồng do có hành vi giao dịch ngoài khoảng thời gian Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam hoặc công ty con công bố thông tin. Cụ thể, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo Công ty được phép bán 500 ngàn cp SKV từ ngày 01-30/12/2021, nhưng thực tế Nha Trang Tourism lại bán 23,813 cổ phiếu SKV trong phiên 23/11/2021, tức trước thời gian HNX cho phép.
Chưa dừng lại, Nha Trang Tourism tiếp tục bị phạt 930 triệu đồng do vi phạm hành chính khi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 3.1 triệu cp SKV như đã nêu ở trên.
Như vậy, tổng số tiền phạt đối với Nha Trang Tourism là gần 938 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động giao dịch chứng khoán có thời hạn 3 tháng đối với hành vi không báo cáo về việc dự kiến giao dịch theo quy định.
* Kế hoạch lãi đi lùi, Yến sào Khánh Hòa dự tính xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 250 tỷ đồng