Công ty cổ phần Cơ điện lạnh (REE) và Công ty cổ phần Cáp và Vật liệu viễn thông (SAM) đi vào lịch sử là hai doanh nghiệp đầu tiên niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam ngày 28/7/2000.
Tạo ‘hàng’ cho thị trường chứng khoán
Để có phiên giao dịch đầu tiên ấy, các thành viên của Ủy ban chứng khoán đã phải chia thành nhiều “mũi” công tác. “Mũi” quan trọng nhất do ông Lê Văn Châu và bà Vũ Thị Kim Liên dẫn đầu, đi khắp các tỉnh thành vận động 14 doanh nghiệp đã cổ phần hoá lên sàn bởi khi ấy, bối cảnh kinh tế còn nhiều yếu tố bao cấp và thiếu công khai, không dễ để họ chịu minh bạch.
Bà Vũ Thị Kim Liên kể lại, năm 1999, bà đến một công ty may. Sau khi nghe bà thuyết trình một hồi, vị giám đốc phát biểu: “Nghe chị nói thì thị trường chứng khoán thật hấp dẫn nhưng khi cả nền kinh tế đang tù mù mà chị bảo tôi ra niêm yết, phải công khai minh bạch khác nào bảo tôi nhảy ra ánh sáng để thiên hạ soi mói. Các doanh nghiệp khác trong bóng tối thì làm gì cũng không ai biết. Ưu đãi thuế cũng không hấp dẫn bằng sự tù mù”.
“Ra về, chúng tôi tưởng mình đang đội đá, vá trời”, bà Liên kể.
Phần lớn doanh nghiệp khi đó thẳng thừng từ chối vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích khi công khai nhiều số liệu kinh doanh bí mật, thậm chí không tiếp đoàn. Một số doanh nghiệp tế nhị hơn thì hứa hẹn sẽ cân nhắc, nhưng sau đó cũng bặt vô âm tín.
REE và SAM là hai doanh nghiệp cuối cùng trong danh sách vận động của ông Châu và bà Liên. Nhưng trùng hợp là lãnh đạo cả hai cùng gật đầu đồng ý dù đoàn công tác giới thiệu chưa hết 5 phút.
Ông Đỗ Văn Trắc và bà Nguyễn Thị Mai Thanh, hai lãnh đạo của SAM và REE ủng hộ việc đưa doanh nghiệp lên sàn năm 2000.
Bản thân SAM cũng phải vượt qua thử thách khi muốn lên sàn. Ông Đỗ Văn Trắc, Tổng giám đốc SAM nhớ lại, ban đầu, Tổng công ty Bưu chính viễn thông - đại diện nhà nước nắm 49% vốn - không đồng ý, thậm chí phản đối kịch liệt. Vì quyết tâm lên sàn chứng khoán để huy động vốn nên ông mất thời gian thuyết phục từng người.
Sau đó, ông cùng hai nhân viên viết cáo bạch và đóng tập mang ra Hà Nội nộp. Mỗi lần nhận thư góp ý của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, ông lại lụi cụi chỉnh sửa rồi in thành quyển dày cộp.
Ông Đỗ Văn Trắc (thứ 6 từ trái sang) trong lễ trao giấy niêm yết cổ phiếu cách đây 20 năm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Một buổi chiều đầu năm 2000, hơn 6 tháng từ lần đầu gặp mặt lãnh đạo Uỷ ban, ông Trắc nhận được thông báo chấp thuận niêm yết. Trước đó không lâu, bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch REE cũng cầm trên tay tờ giấy tương tự.
Học cách khớp lệnh
Thông tin hai cổ phiếu sắp lên sàn chứng khoán được loan ra tạo nên bầu không khí nóng chưa từng có. Trước ngày giao dịch hơn một tháng, giới đầu cơ đổ xô mua cổ phiếu khiến giá chợ đen tăng từng ngày. Cổ phiếu REE và SAM đều khan hiếm khiến nhiều lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước đứng ngồi không yên vì lo thiếu hàng cho ngày mở cửa.
. Ảnh tư liệu.
Ngoài “mũi” đi tạo hàng cho thị trường, Ủy ban chứng khoán còn có một nhóm ngồi tại Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM để học cách khớp lệnh cùng chuyên gia Hàn Quốc. Nhóm khác được cử sang phối hợp với ngân hàng, tổ chức bảo hiểm để thành lập các công ty chứng khoán. Phần còn lại hoàn thiện hồ sơ cấp phép hoạt động và bố trí sàn giao dịch.
Căng thẳng bao trùm trụ sở Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM suốt nhiều tuần liên tiếp khi thời điểm ra mắt thị trường đã ấn định nhưng một trong những thứ quan trọng nhất là bảng điện tử vẫn chưa sẵn sàng.
Vì không có kinh phí nên ông Châu liên hệ với Tập đoàn Chinfon, đề nghị tặng một bảng điện tử mới nhưng lắp đặt hoàn tất thì lại không hiển thị vì hệ thống giao dịch không tương thích. Liên lạc với Chinfon, họ nói chỉ biết tặng bảng điện tử còn hoạt động thế nào, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước tự xử lý. Trong khi đó, nhóm chuyên gia đến từ Thái Lan có nhiệm vụ hỗ trợ phát triển hệ thống lại khẳng định chỉ cung cấp hệ thống giao dịch chung chứ không xây dựng phần mềm riêng nên cũng không thể xử trí.
Ông Châu cùng vài người quyết định bay sang Thái Lan mua gấp bảng điện tử. Thời điểm đó, thị trường Thái Lan đang khủng hoảng, công ty chứng khoán đóng cửa hàng loạt nên không mất nhiều thời gian để mua được với giá rẻ.
“Đến khi về Việt Nam thì các chuyên gia đã kết nối được với bảng điện tử của Chinfon nên cái mới mua được Uỷ ban cho Công ty Chứng khoán ACB mượn lại”, ông Vũ Bằng - Giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM thời điểm đó nhớ lại trong cuốn hồi ức sau đó 10 năm.
Sáng 28/7/2000, bảng điện tử của Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM chính thức sáng đèn. Hai giờ giao dịch đầu tiên lướt qua trong sự háo hức lẫn hồi hộp của những người chứng kiến thời khắc lịch sử đối với ngành chứng khoán Việt Nam. Đúng như dự đoán, tình trạng lệch pha xảy ra khi hai cổ phiếu đều xuất hiện lệnh mua mà không ai muốn bán. Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán ngay lập tức gọi điện cho bà Nguyễn Thị Mai Thanh – Chủ tịch REE đề nghị bán cổ phiếu để tạo cung cầu, hình thành mức giá thị trường.
Cơ quan điều hành thị trường quyết định áp dụng biên độ dao động giá hẹp hơn dự kiến và chỉ khớp lệnh một lần trước sức nóng ngoài mong đợi. Phiên giao dịch khép lại với 1.000 cổ phiếu REE và 3.200 cổ phiếu SAM được sang tay, giá trị xấp xỉ 71 triệu đồng. Chỉ số VN-Index từ tham chiếu 100 điểm cũng nhích dần lên, rồi đóng cửa tại mốc 101,55 điểm trong tiếng vỗ tay không ngớt.
“Tôi lãnh giấy chứng nhận niêm yết gần hai tháng trước đó, nhưng lúc nhìn thấy giá cổ phiếu nhảy múa thì trong lòng vẫn chộn rộn không khác gì đứa trẻ”, bà Mai Thanh kể với VnExpress.
Ngày đầu tiên thành công, nhưng lãnh đạo ngành chứng khoán vẫn thấp thỏm nhiều nỗi lo. Ông Vũ Bằng nói rằng lo lắng lớn nhất là cung cầu chênh lệch quá lớn, giá cổ phiếu tăng nóng thì đến lúc giảm sâu khiến nhà đầu tư mất tiền, thị trường đổ vỡ. Tuy nhiên, chuyên gia Thái Lan cho rằng thứ đáng sợ hơn là trục trặc hệ thống công nghệ.
Sau đó vài tháng, cũng có lúc hệ thống trục trặc thật.
Lúc đó, Phó giám đốc Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP HCM gọi điện cho ông Vũ Bằng báo cáo hệ thống trục trặc trong phiên thứ sáu nên không có giá khớp lệnh. Ông tức tốc chạy về trụ sở Uỷ ban, dùng điện thoại của Vụ Quan hệ quốc tế gọi sang Thái Lan để tham vấn nhưng không liên lạc được vì đã chập tối.
Nhóm lãnh đạo họp bàn, tính đến việc sử dụng hệ thống giao dịch thử nghiệm để dạy học của Hàn Quốc thay thế và cử một số cán bộ tới các công ty chứng khoán để khôi phục dữ liệu. May mắn là khối lượng giao dịch lúc đó không lớn nên số liệu được khôi phục gần nhất, nhưng ý định dùng hệ thống thử nghiệm phá sản vì lại không tương thích với phía Thái Lan.
Sáng chủ nhật, chuyên gia Thái Lan mới bay sang Việt Nam, còn ông Bằng ngược vào TP HCM để trực tiếp giải quyết sự cố. Đến tối muộn thì hệ thống được sửa lỗi hoàn toàn và hôm sau giao dịch bình thường trở lại.
“Thật may lúc đó bên ngoài không biết trục trặc này, chứ không thị trường mới hoạt động mà thông tin này lọt ra thì rất phức tạp”, ông Bằng nói.
Sau 20 năm, từ chỉ có 2 cổ phiếu, nay thị trường đã có hàng trăm cổ phiếu, trái phiếu và gần đây là chứng quyền được giao dịch. Giá trị vốn hoá thị trường đạt gần 4 triệu tỷ đồng (tương đương 65% GDP) và theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, “thị trường chứng khoán đã là bệ phóng cho nhiều doanh nghiệp”.
Giờ nhìn lại, người đứng đầu của REE và SAM đều cho rằng đó là quyết định quá mạo hiểm nhưng chỉ có được chứ không mất. REE huy động nguồn tiền dồi dào cho hoạt động kinh doanh, thể hiện qua 21 lần tăng vốn điều lệ và hình ảnh chỉn chu hơn trong mắt nhà đầu tư lẫn khách hàng. Còn SAM, từ công ty nhà nước vốn 1,6 tỷ đồng với khu sản xuất chỉ như “trái bếp” so với doanh nghiệp đầu ngành - theo cách ông Trắc ví von, nay đã lột xác hoàn toàn. Công ty đổi tên, lấn sân sang đầu tư và kinh doanh bất động sản với nguồn vốn chủ sở hữu xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.
Nguồn: MBS