Công ty riêng của lãnh đạo VLW lãi 70 tỷ sau nhiều năm "tích nước"

CTCP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung đăng ký bán toàn bộ 33,65% vốn đang ở hữu tại CTCP Cấp nước Vĩnh Long (Mã VLW - UPCOM). Tổ chức có liên quan đến Thành viên HĐQT Cấp nước Vĩnh Long - Đặng Thanh Bình (ông Bình hiện là Chủ tịch HĐQT Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung) đăng ký bán ra 9.725.962 cổ phiếu VLW (tỷ lệ 33,65%) nhằm giảm tỷ lệ sở hữu về 0. Mục đích giao dịch là cơ cấu lại các khoản đầu tư; thời gian giao dịch từ 3 - 28/4/2023 theo phương thức thỏa thuận.

Trên thị trường, do cơ cấu cổ đông cô đặc trong đó 3 cổ đông lớn nhất nắm gần 90% vốn góp tại Cấp nước Vĩnh Long (riêng UBND tỉnh Vĩnh Long nắm 51% vốn), cổ phiếu VLW gần như không xuất hiện giao dịch trước khi bị bán cận sàn về mức 17.500 đồng (phiên 29/3/2023).

Tạm tính theo mức giá này, Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung có thể thu về số tiền khoảng 170 tỷ đồng.

Được biết cổ đông tổ chức này bắt đầu hiện diện tại VLW từ giữa tháng 9/2018 khi mua vào 4,44 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 15,38% vốn). Tháng 3/2019 và tháng 7/2020, Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung lần lượt mua thêm 4,53 triệu cổ phiếu và 750.000 cổ phiếu qua đó tăng lượng nắm giưa xleen mức hiện tại.

Diễn biến giá cổ phiếu VLW tại các thời điểm Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung mua vào

Chiếu theo giá cổ phiếu VLW tại các thời điểm mua vào lần lượt là 9.340 đồng, 10.310 đồng và 15.500 đồng, ước tính tổng số tiền công ty riêng của ông Đặng Thanh Bình đã chi ra khoảng 100 tỷ đồng để sở hữu 33,65% vốn Cấp nước Vĩnh Long.

Như vậy nếu bán ra thành công toàn bộ số cổ phiếu trên tại mức giá hiện tại, ước tính Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung sẽ “đút túi” khoảng 70 tỷ đồng - tương ứng lãi 70% sau thương vụ.

Về phần mình, lên sàn từ năm tháng 7/2017 đến nay, Cấp nước Vĩnh Long chưa một lần tăng vốn. Dù vậy, kết quả kinh doanh của công ty tăng theo từng năm trong đó năm 2022, công ty báo doanh thu sau kiểm toán đạt kỷ lục 185 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng cao nhất lịch sử với 79 tỷ; biên lãi ròng tương ứng đạt 40,5% - mức rất cao của nhóm doanh nghiệp cấp nước.