CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) MUA +24,1%: Nâng dự báo backlog điện gió ngoài khơi, Lô B cận giai đoạn nhận FID

CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) MUA +24,1%: Nâng dự báo backlog điện gió ngoài khơi, Lô B cận giai đoạn nhận FID

• Nâng giá mục tiêu thêm 12% lên 47.800 đồng/cổ phiếu và nâng khuyến nghị từ KHẢ QUAN lên MUA cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS). Giá mục tiêu cao hơn là do nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-2028 thêm 12% (tương ứng +3%/+6%/+14%/+9%/+28% cho các năm 2024/25/26/27/28).

• Nâng dự báo chủ yếu do giả định biên lợi nhuận gộp tăng một chút đối với mảng Cơ khí & Xây dựng (M&C) dựa theo kết quả kiểm toán năm 2023, giả định backlog điện gió ngoài khơi ở nước ngoài tăng 67% trong giai đoạn 2024-2030 và giá thuê ngày tăng gấp đôi đối với FPSO Ruby 2 trong giai đoạn 2025-2026.

• Dự báo LNST sau lợi ích CĐTS năm 2024 sẽ tăng 10% YoY do dự báo doanh thu mảng M&C tăng khoảng 70% YoY, nhờsự phục hồi của hoạt động thăm dò và khai thác trong nước, dự án điện gió ngoài khơi mới và giả định biên lợi nhuận gộp của M&C sẽ tăng lên 3,5% so với 1,4% vào năm 2023. Ước tính LNST quý 1 là 187 tỷ đồng (-13% YoY) do mảng M&C thường ghi nhận doanh thu chủ yếu trong quý 4.

• Dự phóng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) EPS giai đoạn 2024-2027 là 25%, được hỗ trợ bởi dự báo giá trị backlog mảng M&C giai đoạn 2024-2028 là 6,4 tỷ USD và lợi nhuận từ các liên doanh FSO/FPSO trung bình vào khoảng 507 tỷ đồng trong giai đoạn 2024-2028.

• PVS có định giá hấp dẫn với P/E dự phóng năm 2024 là 18,8 lần, tương ứng PEG 3 năm là 0,8, và số dư tiền mặt là 416 triệu USD tính đến cuối năm 2023 (chiếm 55% giá trị vốn hóa của công ty).

• Yếu tố hỗ trợ: Dự án điện gió ngoài khơi xuất khẩu điện sang Singapore trị giá 5 tỷ USD. Rủi ro: Trì hoãn tại dự án Lô B.

[IMG]

Tăng giả định biên lợi nhuận gộp mảng M&C từ 4,7% lên 4,8% cho giai đoạn 2026- 2028 sau khi LNST đã kiểm toán năm 2023 của PVS cao hơn 19% so với LNST chưa kiểm toán. Cụ thể, nâng giả định biên lợi nhuận gộp của EPCI#2 và #3&4 của dự án Lô B từ 5,0% lên 6,0% để phù hợp với biên lợi nhuận gộp ước tính của EPCI#1 là 6,0% (dựa trên kế hoạch của ban lãnh đạo về biên lợi nhuận ròng là 4 %). Theo kết quả kiểm toán năm 2023, ban lãnh đạo thường thận trọng trong việc ước tính chi phí.

Nâng dự báo backlog của các dự án trang trại điện gió ngoài khơi khác tại nước ngoài trong giai đoạn 2024-2030 từ 1,2 tỷ USD lên 2,0 tỷ USD do tiềm năng tăng trưởng lớn đáng kể cũng như sự sẵn sàng của PVS trong việc thực hiện các dự án này. Trong cuộc họp nhà đầu tư gần đây, PVS đã tham khảo cơ sở dữ liệu Windlogix, ước tính công suất lắp đặt gió ngoài khơi toàn cầu sẽ tăng trưởng với CAGR là 28% trong giai đoạn 2023-2030. Ngoài ra, Windlogix ước tính chi tiêu cho điện gió ngoài khơi toàn cầu vào năm 2023 là 70 tỷ USD. Tổ chức này cũng dự báo tổng chi tiêu cho EPCI điện gió ngoài khơi toàn cầu trong giai đoạn 2024-2027 sẽ là 372 tỷ USD, tương đương 93 tỷ USD mỗi năm, cao hơn 33% so với chi tiêu EPCI điện gió ngoài khơi vào năm 2023.

Nâng dự báo giá thuê ngày của FPSO Ruby II từ 40.000 USD lên 92.500 USD cho giai đoạn 2025-2026. Mức tăng này dựa trên việc tăng giá dầu gần đây của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và cuộc thảo luận của với PVS cho thấy hợp đồng có khả năng cao sẽ gia hạn thêm một năm với giá thuê ngày ở mức 92.500 USD. Dự án Lô B ghi nhận nhiều tiến triển hơn trong mục tiêu nhận được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) trong nửa đầu năm 2024. Vào ngày 13/3, Bộ Công Thương đã yêu cầu các bên liên quan của Lô B đẩy nhanh các công việc còn lại để đạt được FID vào tháng 3, trước thời hạn tháng 4. Ngày 18/3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) đã ký Hợp đồng khung thu xếp tín dụng cho dự án Lô B.