1. Kết quả kinh doanh quý 2.
Trong Q2/2024, DCM đạt doanh thu thuần và LNTT lần lượt là 3,9 nghìn tỷ đồng (+17% svck) và 598 tỷ đồng (+85% svck) nhờ thu nhập bất thường liên quan đến hoạt động M&A (DCM bắt đầu hợp nhất báo cáo tài chính của công ty Phân bón Hàn Việt từ Q2/2024 và ghi nhận thu nhập bất thường là 176 tỷ đồng). Trong nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần và LNTT lần lượt đạt 6,6 nghìn tỷ đồng (+10% svck) và 981 tỷ đồng (+68% svck), hoàn thành 56% và 117% kế hoạch của công ty cho năm 2024.
Ure: Trong Q2/2024, giá bán bình quân ure ổn định, trong khi sản lượng tiêu thụ giảm còn 227 nghìn tấn (-8% svck) sau khi tăng mạnh trong Q1/2024 (+21% svck). Sản lượng tiêu thụ nội địa giảm 6% svck trong Q2/2024, trong khi sản lượng tiêu thụ xuất khẩu giảm 15% svck do hành vi đầu cơ trong bối cảnh Trung Quốc thắt chặt xuất khẩu hạ nhiệt. Sản lượng tiêu thụ nửa đầu năm 2024 đạt 504 nghìn tấn (+6% svck).
NPK: Doanh thu Q2/2024 tăng mạnh lên 1,1 nghìn tỷ đồng (+76% svck) nhờ dòng doanh thu từ công ty Phân bón Hàn Việt. Với việc mua lại công ty Phân bón Hàn Việt, NPK đã đóng góp lần lượt 18% và 13% vào tổng doanh thu và lợi nhuận gộp trong nửa đầu năm 2024. Nếu không tính đến khoản này, doanh thu NPK của công ty mẹ sẽ chỉ đạt 813 tỷ đồng trong Q2/2024, tăng 28% svck nhờ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ đạt 42% và giá bán bình quân giảm 10%. Trong quý 2, DCM tiếp tục đưa ra giá bán cạnh tranh để thúc đẩy sản lượng tiêu thụ do công suất hoạt động của nhà máy sản xuất NPK thấp (chỉ 51% trong nửa đầu năm 2024).
Phân bón thương mại: Sau khi giảm mạnh 66% svck trong Q1/2024, doanh thu mảng phân bón thương mại phục hồi 24% svck trong Q2/2024. Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh thu đạt 836 tỷ đồng (-14% svck do giá bán bình quân thấp hơn mức nền cao trong năm trước, trong khi sản lượng tiêu thụ đi ngang).
Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 11,3% trong Q2/2023 lên 15,8% trong Q2/2024 nhờ chi phí khấu hao giảm (nhà máy ure đã hoàn thành khấu hao từ Q4/2023), trong khi chi phí đầu vào khí đốt tăng 8% svck do công ty phải mua khí đốt từ các nguồn đắt hơn.
DCM ghi nhận thu nhập bất thường 176 tỷ đồng do công ty mua lại công ty Phân bón Hàn Việt với giá thấp hơn giá trị hợp lý, DCM đã trả 600 tỷ đồng cho tài sản ròng trị giá 776 tỷ đồng. Nếu không tính khoản thu nhập bất thường này, LNTT trong Q2/2024 sẽ đạt 422 tỷ đồng (+30% svck). Nếu không tính đến khoản thu nhập bất thường và chi phí khấu hao giảm, lợi nhuận Q2/2024 của DCM sẽ giảm 59% svck chủ yếu do giá khí đầu vào tăng và thu nhập tài chính giảm trong bối cảnh lãi suất giảm.
2. Triển vọng
Lợi nhuận ròng của DCM trong năm 2023 giảm còn 1,09 nghìn tỷ đồng (-75% svck) do giá bán bình quân ure giảm mạnh (-37% svck), vì nhu cầu phân bón chịu thiệt hại từ El Nino nghiêm trọng và giá nguyên liệu đầu vào (dầu/khí/than) giảm.
Về triển vọng năm 2024-2025, nhu cầu phân bón toàn cầu sẽ dần phục hồi sau khi bị ảnh hưởng nặng nề bởi hiện tượng thời tiết El Nino trong năm 2023, khiến giá phân bón tăng so với giá năm 2023. Trong khi doanh thu năm 2024 dự kiến tăng 11% svck nhờ tăng trưởng sản lượng và giá bán bình quân, chi phí khấu hao giảm và thu nhập bất thường liên quan đến hoạt động mua lại công ty Phân bón Hàn Việt sẽ giúp lợi nhuận của DCM phục hồi đáng kể trong năm 2024 (lợi nhuận ròng ước đạt 1,98 nghìn tỷ đồng, +82% svck). Doanh thu năm 2025 dự kiến đi ngang ở mức 14,3 nghìn tỷ đồng (+2% svck), do sản lượng tiêu thụ ure có khả năng giảm do nhà máy ure tiến hành bảo dưỡng, trong khi dòng doanh thu từ phân bón NPK vẫn khá nhỏ (12% và 10% của doanh thu và lợi nhuận gộp năm 2025). Trong khi đó, lợi nhuận ròng năm 2025 có thể giảm xuống còn 1,85 nghìn tỷ đồng (-6% svck) do không còn ghi nhận khoản thu nhập bất thường.