CTG update VCSC

Khuyến nghị khả quan cho CTG với giá mục tiêu 43.000 đồng/CP

CTCK Bản Việt (VCSC)

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG) công bố đã chính thức tuân thủ tiêu chuẩn Basel II theo Thông tư 41 kể từ ngày 01/01/2021.

Bên cạnh đó, CTG đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2021 là 6-12%, tương ứng với giả định hiện tại của chúng tôi là 9,1%. Kế hoạch tăng trưởng huy động 2021 là 8 - 12%, phù hợp với giả định hiện tại của chúng tôi là 11,0%.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2021 hiện chưa được công bố khi ngân hàng đang chờ phê duyệt của cơ quan quản lý cho kế hoạch này. CTG sẽ đề xuất kế hoạch này để cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới sau khi được cơ quan quản lý phê duyệt.

CTG hiện đang đợi cơ quan quản lý phê duyệt để thanh toán cổ tức 2020 là 15, trong đó 5% là cổ tức tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu, và sẽ đề xuất để cổ đông thông qua tại ĐHCĐ thường niên sắp tới. Cổ tức 2021 dự kiến là trên 12% - một phần sẽ bằng cổ tức tiền mặt và phần còn lại là cổ tức cổ phiếu (hiện chưa công bố tỷ lệ chi tiết).

CTG kỳ vọng sẽ bán các sản phẩm bảo hiểm Manulife từ tháng 4/2021 khi hoàn thành thương vụ bancasurrance độc quyền.

CTG kỳ vọng tổng tài sản sẽ tăng 3% YTD và lợi nhuận trước thuế 7-8 nghìn tỷ đồng (tăng 135 - 169% so với năm trước) trong quý 1/2021. Khi trả lời câu hỏi liên quan đến yếu tố dẫn dắt cho con số lợi nhuận trước thuế này, chủ tịch HĐQT cho biết chưa bao gồm các đóng góp từ thương vụ bancasurrance mà chủ yếu đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

CTG đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ tuân thủ ngưỡng tỷ lệ LDR (cho vay/huy động) đạt 85% vào cuối 2021.

CTG chưa có ý định phát hành cổ phiếu mới hoặc tìm kiếm thêm cổ đông chiến lược trong tương lai gần. Chúng tôi hiện có khuyến nghị khả quan dành cho CTG với giá mục tiêu 43.000 đồng/CP.

Khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP CTCK KB Việt Nam (KBSV) Quý II/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 10.879 tỷ đồng (tăng 2,2% so với quý trước, tăng 39,5% so với cùng kỳ); tổng thu nhập hoạt động đạt 14.083 tỷ đồng (tăng 9% so với quý trước, tăng 41,2% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng mạnh, đạt 7.106 tỷ đồng (tăng 221% so với cùng kỳ, tăng 426% so với quý trước) khiến cho lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 2.239 tỷ đồng (giảm 65,.4% so với quý trước, giảm 38% so với cùng kỳ). Tỷ lệ nợ xấu quý II/2021 đạt 1,34%, tăng 46bps so với quý trước, chủ yếu do nợ nhóm 5 tăng đột biến 59bps so với quý trước. Theo thông tin từ phía CTG, đây là phần nợ xấu tương ứng của một doanh nghiệp lớn, chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 tuy nhiên không thuộc đối tượng được áp dụng cơ cấu nợ theo thông tư 01/2020 và 03/2021. Trong nửa cuối năm 2021, CTG đặt mục tiêu NPL < 1,5%, tăng trưởng tín dụng hiện tại đã đạt gần biên độ NHNN đặt ra là 7,5% và kỳ vọng nới được tăng trưởng trong thời gian tới. Ngoài ra, CTG dự định trích lập hết phần dự phòng cho nợ tái cơ cấu theo thông tư 03 trong năm 2021. Trong trường hợp thuận lợi, CTG có thể bắt đầu ghi nhận Upfront fee từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife vào quý IV/2021 hoặc muộn hơn vào quý I/2022 sau khi Manulife hoàn tất mua lại Aviva. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu là 40.600 đồng/CP, cao hơn 17,3% so với giá tại ngày 17/08/2021.

Khuyến nghị khả quan dành cho cổ phiếu CTG CTCK Tân Việt (TVSI) Tín dụng và huy động của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) tăng trưởng khả quan sau 9 tháng. Tăng trưởng tín dụng và huy động lần lượt ở mức 6,8% và 10,6% so với đầu năm, gần gấp đôi cùng kỳ nhờ kinh tế hồi phục trong nửa đầu năm. Hoạt động cho vay trong quý III bị chững lại do giãn cách xã hội. Nợ xấu tăng mạnh lên mức 1,76%. Nợ nhóm 3 và nhóm 4 là nguyên nhân chính khi lần lượt gấp 2 và 8 lần quý trước đó. Nợ nhóm 5 giảm xuống còn hơn 3 nghìn tỷ khi ngân hàng chủ động trích lập dự phòng. NIM cuối quý III vẫn tăng 22 điểm cơ bản so với đầu năm, đạt 3,14% nhờ chi phí vốn giảm mạnh hơn. Ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần quý III đạt 9.872 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,7% so với cùng kỳ. Thu từ phí vẫn chưa ghi nhận cải thiện đáng kể so với cùng. CIR tiếp tục giảm xuống chỉ còn 29,8%. Chi phí dự phòng tăng mạnh trong quý II đạt 7.100 tỷ đồng và quý III là 5.548 tỷ đồng khiến lợi nhuận trước thuế của 2 quý này sụt giảm mạnh. CTG ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt 3 nghìn tỷ đồng (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế đạt 13.900 tỷ đồng, tăng 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Sử dụng phương pháp so sánh P/B, chúng tôi xác định mức giá hợp lý của cổ phiếu CTG là 38.700 đồng/CP, cao hơn 20,6% so với giá đóng cửa tại ngày 06/12/2021. Do đó, chúng tôi khuyến nghị mua dành cho cổ phiếu CTG.

Khuyến nghị mua cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 43.100 đồng/CP CTCK KB Việt Nam (KBSV) Quý IV/2021, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 10.396 tỷ đồng (tăng 5,3% so với quý trước, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước; tổng thu nhập hoạt động đạt 13.887 tỷ đồng (tăng 13,3% so với quý trước, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước). Chi phí dự phòng giảm mạnh so với 2 quý trước, đạt 4.377 tỷ đồng (giảm 21,1% so với quý trước) khiến lợi nhuận trước thuế quý IV/2021, đạt 3.678 tỷ đồng (tăng 20,2% so với quý trước, giảm 45,2% so với cùng kỳ năm trước). Chất lượng tài sản được cải thiện trong quý IV/2021 với tỷ lệ nợ xấu đạt 1,26%, giảm 40bps so với quý trước với nợ nhóm 4 giảm mạnh mẽ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 180.4%, cao thứ 5 hệ thống ngân hàng. Tính đến hết tháng 12/2021, phần nợ được tái cơ cấu khoảng 10,3 nghìn tỷ đồng, so với 7,8 nghìn tỷ đồng vào quý III/2021. Ngày 24/1/2022, CTG và Manulife công bố thỏa thuận hợp tác độc quyền kéo dài 16 năm với upfront fee khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm. Dự kiến CTG có thể bắt đầu ghi nhận khoảng 5 triệu USD upfront fee trong quý I/2022. Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, khách hàng sử dụng dịch vụ Ngân hàng số VietinBank iPay được miễn phí hoàn toàn phí chuyển tiền trong và ngoài hệ thống và một số phí liên quan. Chính sách mới sẽ giảm lãi phí dịch vụ tuy nhiên sẽ thúc đẩy tăng trưởng CASA, tăng khả năng cạnh tranh của CTG trong thời gian tới. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2022 là 43.100 đồng/CP, cao hơn 34,9% so với giá tại ngày 15/03/2022.

Quý I/2022, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 10.146 tỷ đồng (giảm 2,4% so với quý trước, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái); lợi nhuận trước thuế cải thiện tốt so với quý trước, đạt 5.822 tỷ đồng (tăng 58,3% so với quý trước, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm ngoái). Tăng trưởng tín dụng được đẩy mạnh, đạt 9,1% YTD. Tỷ lệ nợ xấu không có nhiều thay đổi, đạt 1,25%, giảm 1bps so với quý trước, tuy nhiên nợ nhóm 5 tăng mạnh từ 0,46% lên 0,58%. Trong kỳ, CTG tiếp tục đẩy mạnh trích lập dự phòng 4.426,7 tỷ đồng (tăng 1,1% so với quý trước, tăng 227,9% so với cùng kỳ năm ngoái); tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt 197.3%, cao thứ 4 hệ thống ngân hàng. Tại đại hội cổ đông thường niên 2022, CTG đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái; Tổng tài sản tăng 5-10% so với cùng kỳ năm ngoái; Tăng trưởng tín dụng đạt 10-12% tùy vào hạn mức từ NHNN cấp; Tăng trưởng huy động 8-10%; Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1.8%; Trích lập dự phòng dự kiến 12-15 nghìn tỷ đồng. Đại hội cổ đông thường niên 2022 đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế. Số lượng cổ phiếu dự kiến phát hành tối đa là 569.423.778 cổ phiếu tương đương 11,8488% số lượng cổ phiếu hiện đang lưu hành. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2022 là 38.400 đồng/CP, cao hơn 60,7% so với giá tại ngày 13/05/2022.

Quý III/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (HoSE: CTG) có thu nhập lãi thuần đạt 12.924 tỷ đồng (tăng 7.6% so với quý trước, tăng 30,9% so với cùng kỳ); thu nhập ngoài lãi đạt 4.401 tỷ đồng (tăng 12% so với quý trước, tăng 84.6% so với cùng kỳ) giúp TOI đạt 17.324 tỷ đồng (tăng 8,7% so với quý trước, tăng 41,4% so với cùng kỳ). Chi phí trích lập dự phòng tăng mạnh, đạt 8.321 tỷ đồng (tăng 41,4% so với quý trước, tăng 50% so với cùng kỳ) khiến lợi nhuận trước thuế quý III đạt 4.157 tỷ đồng (giảm 28,2% so với quý trước, tăng 35,8% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 15.764 tỷ đồng, tăng 13,3% so với cùng kỳ với tăng trưởng tín dụng đạt 10,2%. Lãi suất đầu ra bình quân quý III đạt 6,25%, tăng 19 điểm cơ bản chủ yếu nhờ CTG tăng tỷ trọng cho vay bán lẻ - SME, vốn là nhóm có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Trong khi đó, mặc dù lãi suất thị trường 2 tăng nhưng chi phí đầu vào chỉ tăng nhẹ 9 điểm cơ bản so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA được cải thiện (tăng 55 điểm cơ bản so với quý trước) khiến NIM quý III/2022 đạt 2.95%, tăng 11 điểm cơ bản so với quý trước. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối quý III/2022 đạt 1,42%, tăng 7 điểm cơ bản so với quý trước. Trong khi đó, nợ nhóm 2 đạt 1,8%, tăng mạnh 55 điểm cơ bản so với quý trước trong đó phần lớn đến từ nhóm khách hàng được cơ cấu nợ đã trả nợ đủ theo lịch cơ cấu và được chuyển vào nợ nhóm 2 để theo dõi. Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) kì vọng tăng trưởng huy động của CTG sẽ được cải thiện trong 3 tháng cuối năm khi ngân hàng đã có động thái đẩy mạnh lãi suất huy động trong tháng 10-11 qua đó đảm bảo an toàn thanh khoản và có nguồn lực phục vụ tăng trưởng tín dụng. KBSV dự phóng tăng trưởng tín dụng năm 2022 của CTG đạt 10,7%, là mức trần dư nợ tín dụng mà CTG được Ngân hàng Nhà nước cấp cho. Công ty chứng khoán này ước tính NIM năm 2022 của CTG giảm 3 điểm cơ bản so với cùng kỳ, đạt 2,98%, cao hơn dự phóng cũ 9 điểm cơ bản phản ánh lãi suất đầu ra tốt hơn dự kiến nhờ chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu tín dụng sang cho vay bán lẻ và SME cùng với việc tăng lãi suất đầu vào chưa phản ánh vào NIM. KBSV dự phóng NPL đạt 1,5%, tăng 24 điểm cơ bản so với cùng kỳ sau khi CTG ghi nhận đối với nợ tái cơ cấu theo thông tư 14/2021/TT-NHNN. Chi phí trích lập dự phòng đạt 22.971 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và cao hơn so với dự phóng cũ 27% phản ánh chiến lược đẩy mạnh trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu của CTG trong năm 2022. KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế năm 2022 của ngân hàng mẹ đạt 16.060 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, giảm 10,5% so với dự phóng trước. Cho năm 2023, KBSV dự phóng lợi nhuận sau thuế ngân hàng mẹ đạt 18.216 tỷ đồng, tăng 13,1% so với cùng kỳ dựa trên tăng trưởng tín dụng dự phóng đạt 10% trong bối cảnh nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng đề cao quản trị rủi ro. NIM năm 2023 dự phóng giảm 25 điểm cơ bản so với cùng kỳ do áp lực tăng lãi suất huy động để kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá. Chi phí trích lập dự phòng dự kiến duy trì ở mức cao tương tự năm 2022 , đạt 22.890 tỷ đồng phản ánh quan điểm thận trọng về chất lượng tài sản liên quan đến ngành bất động sản và trái phiếu.

Chúng tôi nâng giá mục tiêu thêm 13,1% lên 36.300 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị mua cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (CTG) Giá mục tiêu cao hơn là do chúng tôi nâng dự phóng tổng lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số giai đoạn 2023-2027 thêm 8,9% và giảm dự báo chi phí vốn chủ sở hữu cho CTG từ 15,8% xuống 14,8% do chúng tôi cập nhật hệ số beta. Chúng tôi nâng dự báo lợi nhuận sau thuế sau lợi ích cổ đông thiểu số năm 2023 thêm 1,5% lên 18,5 nghìn tỷ đồng (tăng 9,3% so với năm trước) chủ yếu do chúng tôi (1) nâng dự báo thu nhập lãi ròng (NII) thêm 3,1% do điều chỉnh tăng dự phóng NIM thêm 2 điểm cơ bản, (2) nâng dự báo tăng trưởng tín dụng từ khoảng 10,0% lên khoảng 12,0% và (3) nâng dự báo thu nhập phí ròng (NFI) (bao gồm kinh doanh ngoại hối) thêm 15,4%, bị ảnh hưởng một phần bởi điều chỉnh tăng dự báo 19,2% chi phí dự phòng.

Tại cuối quý I/2023, tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HoSE: CTG) tăng 4,6% so với đầu kỳ, cao hơn hẳn mức tăng của hệ thống là 2,1%. Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, hầu hết các ngân hàng thương mại có tỷ trọng cho vay doanh nghiệp cao ghi nhận mức tăng trưởng cho vay cao hơn so với các ngân hàng thương mại tập trung vào cho vay bán lẻ. Thêm vào đó, lợi suất tài sản của CTG tăng mạnh 1,8% so với cùng kỳ khi ngân hàng chuyển dịch sang cho vay nhóm khách hàng hiệu quả cao (bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ), vượt trội so với mức tăng 1,6% của chi phí vốn. Tóm lại, NIM của ngân hàng ghi nhận mức cải thiện 28 điểm cơ bản so với cùng kỳ, khiến CTG là một trong số ít ngân hàng ghi nhận mức cải thiện NIM. Về mặt chi phí, mặc dù CTG đã thành công trong việc giảm CIR từ 27% xuống 25% trong quý I/2023 – mức thấp thứ 2 trong số các ngân hàng niêm yết, LNR của ngân hàng chỉ tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ do việc tăng mạnh hình thành nợ xấu. Trong quý I/2023, chi phí tín dụng (cả năm) của CTG tăng 56 điểm cơ bản so với cùng kỳ lên 2,1%. Với cương vị là một trong số bên cho vay lớn nhất cho doanh nghiệp, CTG cũng bị ảnh hưởng từ những khó khăn trong nền kinh tế hiện tại. Tại cuối quý I/2023, nợ nhóm 2 của ngân hàng duy trì xu hướng tăng trong 10 quý liên tiếp gần đây, nhảy 163% so với cùng kỳ lên 35.620 tỷ đồng, gây áp lực lên dự phòng trong thời gian tới. Mặc dù ngân hàng giải thích thêm cho xu hướng này là do CTG đã xây dựng các kịch bản chất lượng nợ, và chủ động phân loại nợ, VNDirect vẫn lưu ý về khả năng xu hướng này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí dự phòng và chất lượng tài sản trong thời gian tới. Tại thời điểm hiện tại, VNDirect dự phóng chi phí tín dụng 2023 sẽ duy trì so với cùng kỳ ở mức 1,8%, một phần do Thông tư 02/2023 cho phép tái cơ cấu và giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn. VNDirect dự đoán NIM của ngân hàng sẽ giảm nhẹ trong giai đoạn 2023-2024 nhờ sự chủ động của ngân hàng để tiết giảm chi phí vốn, phù hợp với các chiến lược giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng. Về mặt chi phí, VNDirect cho rằng chi phí tín dụng của CTG đạt 1,8% và 1,5% – giảm nhẹ so với mức 1,85% năm ngoái nhờ Thông tư 02/2023. Tóm lại, VNDirect dự đoán EPS của CTG sẽ tăng bền vững ở mức 11% và 21% trong giai đoạn 2023-2024. CTG là một trong số các cổ phiếu ưa thích của VNDirect nhờ danh mục cho vay đa dạng và tỷ trọng cho vay thấp với nhóm bất động sản. VNDirect duy trì khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 35.900 đồng/cổ phiếu dựa trên phương pháp thu nhập thặng dư và mức P/B mục tiêu 1,3 lần cho giá trị sổ sách 2023 với tỷ trọng tương đương.

Quý I/2023, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (CTG – sàn HOSE) có thu nhập lãi thuần đạt 12.666 tỷ đồng (giảm 1,4% so với quý trước, tăng 24,8% so với cùng kỳ); Chi phí trích lập dự phòng ở mức tương đối cao do chất lượng tài sản có chiều hướng đi xuống khiến lợi nhuận trước thuế đạt 5.980 tỷ đồng (tăng 11,8% so với quý trước, tăng 2,7% so với cùng kỳ). KBSV kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ có những sự cải thiện trong nửa cuối năm 2023 dựa trên: (1) Các động thái giảm lãi suất điều hành để kéo nền lãi suất cho vay xuống thấp, qua đó cải thiện nhu cầu tín dụng. (2) Thanh khoản được đảm bảo dù tăng trưởng huy động khách hàng vẫn ở mức thấp nhờ các động thái bơm ròng của NHNN qua kênh OMO. KBSV kỳ vọng NIM của CTG sẽ có sự cải thiện nhẹ trong 2H2023 dựa trên động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN giúp giảm chi phí đầu vào bình quân trong khi biến động lãi suất đầu ra sẽ có độ trễ hơn cũng như lãi suất cho vay cần được điều chỉnh phù hợp với mức độ rủi ro của từng khoản vay. Áp lực trích lập dự kiến tiếp tục duy trì ở mức cao trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động khó lường. Tuy nhiên, mức độ trích lập của CTG sẽ thấp hơn tương đối so với các ngân hàng khác nhờ bộ đệm dự phòng vẫn đang ở mức tốt. Dựa trên kết quả định giá, triển vọng kinh doanh cũng như xem xét các yếu tố rủi ro có thể phát sinh, chúng tôi khuyến nghị mua đối với cổ phiếu CTG. Giá mục tiêu cho năm 2023 là 32.500 đồng/CP, cao hơn 10.1% so với giá tại ngày 25/05/2023.

Tính đến hết 30/09/22023, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank, mã CTG – sàn HOSE) đạt mức 9% - cao hơn trung bình ngành 7% nhờ sự tăng trưởng tích cực cho vay của hai mảng Retail và SME, chúng tôi dự kiến CTG sẽ đẩy mạnh tín dụng trong quý IV nhằm hoàn thành hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 13%. Dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của CTG đạt khoảng 23.500 tỷ đồng (tăng 12,4% so với năm trước) nhờ: (1) Nền kinh tế vĩ mô 11 tháng đầu năm có nhiều tín hiệu khởi sắc và mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm sẽ thúc đẩy nhu cầu tín dụng tăng những tháng cuối năm, đặc biệt là cho vay các nhà thầu và doanh nghiệp tham gia thực hiện các dự án hạ tầng công cộng; (2) Tỷ lệ chi phí vốn giảm theo xu hướng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn giảm và tận dụng nguồn vốn giá rẻ giúp tỷ lệ NIM cả năm của ngân hàng duy trì ổn định trên mức 3%. Tỷ lệ nợ xấu của CTG đến ngày 30/09/2023 tăng nhẹ lên 1,3% từ mức 1,2% cuối quý II/2023 trong khi tỷ lệ hình thành nợ xấu tính đến ngày 30/09/2023 đã giảm trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng đến 2,2% – đây là tín hiệu tích cực cho giai đoạn chất lượng tài sản chịu áp lực nhất có lẽ đã qua. Điều này sẽ giảm áp lực trích lập dự phòng cho CTG cuối năm. Nhờ việc đẩy mạnh trích lập dự phòng từ cuối năm 2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của CTG tính đến ngày 30/09/2023 đạt mức 172% - đứng thứ hai trong hệ thống. Bên cạnh đó, danh mục đầu tư của CTG tương đối an toàn với lượng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu từ các tổ chức tín dụng chiếm tới 97,5% danh mục trái phiếu. Do đó, chúng tôi khuyến nghị tích cực dành cho cổ phiếu CTG với giá mục tiêu 30.000 đồng/CP.