'Cụ ông' 84 tuổi người Nhật Bản cứu Nvidia khỏi bờ vực phá sản, được Jensen Huang mang ơn suốt cuộc đời

Nvidia có thể đã phá sản từ lâu nếu không có lòng nhân từ của một người chưa từng làm việc ở đó.

Có một sự thật ít người biết đó là: Trước khi trở thành một trong những công ty có giá trị nhất thế giới, Nvidia là một công ty sắp phá sản.

Vào những năm 1990, khi Jensen Huang mới thành lập Nvidia được vài năm, công ty có vẻ sẽ không tồn tại được lâu. Họ thất bại với con chip đầu tiên. Con chip tiếp theo của công ty cũng có số phận tương tự. Bản thân Huang cho biết thời khắc đó không gì khác hơn là một khoảnh khắc sống còn đối với công ty non trẻ của ông.

Nhưng may mắn đã mỉm cười, và Nvidia đã tồn tại được chỉ nhờ một người đàn ông.

Cụ thể, vào thời khắc Nvidia sắp hết sạch tiền, Huang đã gặp gỡ giám đốc điều hành của gã khổng lồ trò chơi điện tử Sega và kêu gọi khoản cứu trợ trị giá 5 triệu USD để duy trì hoạt động của công ty. Rõ ràng, trong một hoàn cảnh như vậy, Irimajiri-san hoàn toàn không có lý do gì để làm điều đó nhưng Irimajiri-san đã làm vậy.

"Tôi đã rất ngạc nhiên", Huang nhớ lại.

Cách Irimajiri-san cứu công ty đã dạy cho Huang một trong những bài học quan trọng nhất và ít được đánh giá cao nhất trong kinh doanh.

Huang nói trên podcast của Sequoia Capital năm ngoái: "Bạn không thể coi thường lòng tốt của mọi người khi thành lập công ty của mình".

Mọi công ty đều cần một chút may mắn và rất nhiều thiện chí trên con đường đi đến thành công, ngay cả một công ty trị giá 2 nghìn tỷ USD!

Và Nvidia có thể đã phá sản từ lâu nếu không có lòng nhân từ của một người chưa từng làm việc ở đó. Người đó chính là Shoichiro Irimajiri, hay còn gọi là Irimajiri-san.

Bản thân Huang là giám đốc điều hành của hãng sản xuất chip này kể từ ngày công ty ra đời. Hiển nhiên Nvidia sẽ không tồn tại nếu không có ông ấy. Nhưng ngay cả bản thân Huang cũng nói rằng Nvidia sẽ không tồn tại ngày nay nếu không có sự giúp đỡ của Irimajiri-san.

VỊ CỨU TINH

Khi thành lập từ hơn 30 năm trước, việc Nvidia trở thành công ty có giá trị thứ ba thế giới, sau Microsoft và Apple, có vẻ hoàn toàn phi lý. Thậm chí chỉ một năm trước, điều đó cũng rất khó xảy ra. Nhưng kể từ khi cơn sốt Nvidia bắt đầu, vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gấp ba lần. Năm ngoái, họ đã cán mốc 1 nghìn tỷ USD. Năm nay, tiếp tục phá mốc 2 nghìn tỷ USD và thậm chí có thể chạm mốc 3 nghìn tỷ USD nếu nhu cầu về chip trí tuệ nhân tạo giúp công ty tiếp tục công bố 1 kết quả kinh doanh đột phá khác vào tuần tới.

Về phần Irimajiri- san, ông vốn là một kỹ sư xuất sắc và một giám đốc điều hành có sức lôi cuốn, ông là một trong những nhà lãnh đạo doanh nghiệp được ngưỡng mộ nhất Nhật Bản, đầu tiên là tại Honda và sau đó là Sega, nơi ông đóng một vai trò thiết yếu trong lịch sử của Nvidia.

Hiện nay ông đã 84 tuổi nhưng nhìn vẻ bề ngoài thì không thể biết được điều đó. Ông vẫn đang làm công việc tư vấn và có mặt ở văn phòng lúc 5 giờ chiều khi gặp gỡ phóng viên WSJ.

Irimajiri đã làm việc với Huang trong một thời gian ngắn. Giống như Huang, ông cũng không bao giờ quên khoảng thời gian đó.

"Sự hiện diện của Nvidia trong tâm trí tôi khá lớn", ông nói. Vậy làm thế nào mà Shoichiro Irimajiri lại cứu được công ty của Jensen Huang từ cách xa hàng ngàn dặm?

Khi còn là một cậu bé ở Nhật Bản, Irimajiri mơ ước trở thành kỹ sư hàng không kể từ ngày ông đọc về việc Chuck Yeager phá vỡ rào cản âm thanh. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông nhận công việc thiết kế động cơ cho xe mô tô Grand Prix và xe Công thức 1 tại Honda Motor nhằm thách thức giới hạn tốc độ trên mặt đất. Công việc chế tạo những cỗ máy đua nhanh nhất thế giới đã khiến ông trở thành một nhân vật huyền thoại theo đúng nghĩa của mình. Nhà báo chuyên về xe máy Mat Oxley nói: "Anh ấy có những ý tưởng mà các kỹ sư khác cho là không thể thực hiện được".

Điều đó đã đưa sự nghiệp của ông đi lên nhanh chóng. Là Giám đốc điều hành trẻ nhất trong lịch sử công ty, Irimajiri được cử đến Mỹ để điều hành hoạt động sản xuất của Honda tại Mỹ vào năm 1984. Khi ông chuyển đến Ohio, tên trên huy hiệu của ông là biệt danh "Iri". Theo hồ sơ của Wall Street Journal, ông nổi tiếng với "nụ cười dễ gần" và "khả năng lãnh đạo mạnh mẽ".

Sau bốn năm thúc đẩy sự phát triển của Honda tại Mỹ, ông trở lại Nhật Bản vào năm 1988 với tư cách là ứng cử viên cho vị trí điều hành công ty nhưng đột ngột từ chức vào năm 1992 với lý do căng thẳng và sức khỏe. Ông được Sega thuê vào năm 1993, công ty đã vượt Nintendo để trở thành thế lực thống trị trong lĩnh vực trò chơi điện tử. Ông được thăng chức làm chủ tịch và giám đốc điều hành của doanh nghiệp Mỹ vào năm 1996 và được thăng chức thành chủ tịch của toàn bộ công ty vào năm 1998.

Cùng lúc đó, 3 chàng trai đang ngồi trong gian hàng của cửa hàng tiện lợi Denny đang thành lập một công ty ở Thung lũng Silicon. Nvidia được Huang và hai người bạn thành lập vào năm 1993 khi trò chơi đang chuyển từ đồ họa 2D sang 3D. Vào thời điểm đó, Sega đang chịu áp lực phải tạo ra một sản phẩm ăn khách và hãng đã phát triển bảng điều khiển Dreamcast để đáp trả sự phổ biến đáng kinh ngạc của PlayStation của Sony. Nvidia được giao nhiệm vụ xây dựng bộ xử lý đồ họa hay GPU cho Dreamcast sau khi Irimajiri gặp Huang và để lại ấn tượng với niềm đam mê cũng như tầm nhìn của Huang.

Irimajiri nhớ lại: "Anh ấy (Huang) có một sự tự tin rất rất mạnh mẽ".

Hợp đồng với Sega đã tài trợ cho công ty của Huang. Nhưng những quyết định mạo hiểm và những sai lầm nghiêm trọng trong những ngày đầu của Nvidia gần như đã phá hủy mọi thứ.

Hậu quả lớn nhất là chiến lược hiển thị hình ảnh thiếu sót của công ty khởi nghiệp này. Nvidia đã áp dụng một cách tiếp cận độc đáo với đồ họa 3-D sử dụng hình tứ giác, trong khi các công ty khác theo đuổi kỹ thuật dựa trên hình tam giác. Rõ ràng là Nvidia đang đặt cược sai hướng.

'Cụ ông' 84 tuổi người Nhật Bản cứu Nvidia khỏi bờ vực phá sản, được Jensen Huang mang ơn suốt cuộc đời- Ảnh 2.

Nvidia đã làm việc cho dự án Sega được một năm thì Huang nhận ra rằng ông sẽ phải từ bỏ chiến lược này. Con chip kém hơn khiến công ty rơi vào tình thế khó khăn: Kết thúc và chết từ từ, hoặc bỏ cuộc và chết ngay lập tức.

Huang đã suy nghĩ về tình huống dường như không thể xảy ra này vào năm ngoái trong một bài phát biểu - nơi ông tiết lộ những thất bại "nhục nhã và đáng xấu hổ" đã đặt nền móng cho thành công của Nvidia.

Ông nói, nếu công ty tiếp tục cắm đầu vào bảng điều khiển để hoàn thành hợp đồng của mình, thì sẽ còn quá xa so với đối thủ để bắt kịp. Nhưng nếu ngừng hoạt động trên chip Sega thì sẽ hết tiền.

"Dù thế nào đi nữa", Huang nói, "chúng tôi sẽ phá sản". Ông lo sợ điều tồi tệ nhất xảy ra khi Irimajiri đến văn phòng của ông và nói rằng Sega sẽ tung ra Dreamcast với GPU do một công ty khác sản xuất. Nvidia đã thất bại. Nhưng lúc đó, Irimajiri đã biết Huang. Ông ấy vẫn tin tưởng vào Huang. Ông cũng vẫn thích Hưang. "Tôi muốn giúp Nvidia thành công", Irimajiri nói. "Bằng cách nào đó".

Ông quay lại Nhật Bản với một ý tưởng đáng ngạc nhiên: Sega nên đầu tư vào Nvidia. Thật không dễ dàng để thuyết phục ông chủ của mình bơm tiền vào một công ty khởi nghiệp bấp bênh chưa thực hiện được hợp đồng hiện tại. Nhưng sau một số cuộc đàm phán, Irimajiri đã đảm bảo được thêm 5 triệu USD mà Nvidia rất cần, bằng cách nào đó.

"Đó là tất cả số tiền chúng tôi có", Huang nói. "Sự hiểu biết và sự rộng lượng của ông ấy đã giúp chúng tôi có thể sống được sáu tháng".

Trong sáu tháng đó, Nvidia đã tập trung và nỗ lực phát triển con chip đột phá được phát hành vào năm 1997 và giải cứu công ty khỏi bờ vực phá sản, hướng tới IPO vào năm 1999. Năm sau, Irimajiri từ chức chủ tịch của Sega. Ông nói chỉ sau khi rời công ty thì quyết định đúng đắn nhất của ông mới được đền đáp: Sega đã bán cổ phiếu Nvidia của mình với giá khoảng 15 triệu USD.

Hiện nay, ông điều hành công ty tư vấn riêng của mình tại một văn phòng ở Tokyo. Phía sau bàn làm việc của ông là bức chân dung đóng khung của người bạn Ayrton Senna, nhà vô địch Công thức 1 quá cố được yêu mến, người có sự thống trị nhờ động cơ của Honda.

Ông mất liên lạc với CEO của Nvidia cho đến khi được yêu cầu tổ chức một hội thảo về AI vào năm 2017. Đó là lúc ông lần ra địa chỉ email của Huang và gửi một bức thư bằng tiếng Anh cho tỷ phú mà ông đã không gặp trong 20 năm.

Từ: Shoichiro Irimajiri

Tới: Jensen Huang

Chủ đề: Từ người bạn cũ

"Chào Jensen-san", ông viết. "Đây là Shoichiro Irimajiri, một trong những đối tác kinh doanh của anh vào những năm 1990. Anh có thể nhớ rằng vào thời đó chúng tôi đã cùng nhau nỗ lực phát triển chip đồ họa tiên tiến cho Sega Dreamcast. Ngoài ra, đây còn là một trong những kỷ niệm vui trong cuộc đời tôi".

Sau đó, ông đưa ra yêu cầu. Ông muốn biết liệu Huang "hoặc một người nào đó của Nvidia" có thể đến thăm Nhật Bản và thuyết trình cho một nhóm lãnh đạo doanh nghiệp thân thiết hay không.

"Nếu có thể, tôi sẽ đánh giá rất cao", Irimajiri viết. "Rất xin lỗi đã làm phiền thời gian bận rộn của anh, nhưng cũng rất cảm ơn anh đã đọc thư của tôi. Trân trọng và chúc tương lai của anh sẽ thành công hơn nữa.

Trân trọng, Iri".

Đây giống như một email hết sức bình thường mà mọi người đã viết đi viết lại vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời mình.

Ông không mong đợi một phản hồi nhưng thật bất ngờ, ông đã nhận được hồi đáp vào ngay ngày hôm sau.

"Irimajiri-san thân mến", Huang, hiện 61 tuổi, có mái tóc bạc trả lời. "Thật là một bất ngờ tuyệt vời và thú vị khi nghe tin từ ông. Làm việc với Sega trong thời kỳ đầu của Nvidia cũng là một trong những kỷ niệm vui trong cuộc đời tôi".

Sau đó, Huang sớm có mặt tại Tokyo để tham dự một hội nghị hào nhoáng của Nvidia, nơi ông lên sân khấu và có bài phát biểu quan trọng. Nhưng tất nhiên ông sẽ nói chuyện với một lượng khán giả nhỏ hơn nhiều và trả lại món nợ từ quá khứ của mình, ông sẽ làm bất cứ điều gì cho "ân nhân" Irimajiri-san.

Theo: WSJ


Theo Phương Linh

An ninh Tiền tệ

https://cafef.vn/cu-ong-84-tuoi-nguoi-nhat-ban-cuu-nvidia-khoi-bo-vuc-pha-san-duoc-jensen-huang-mang-on-suot-cuoc-doi-18824051909344621.chn