Bên trong cửa hàng FPT Shop của FPT Retail.
Không còn dành nhiều tâm sức tranh giành tệp khách hàng từ ngành hàng điện máy, hai doanh nghiệp bán lẻ đang tập trung cho “át chủ bài” của riêng mình.
Trong ngành bán lẻ điện máy, CTCP Thế giới Di động (mã MWG ) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số ( FPT Retail, mã FRT ) từ lâu đã trở thành “kỳ phùng địch thủ” trên thị trường.
Trước đây, MWG vốn là “bá chủ” trong phân phối các thiết bị máy tính, điện thoại. Thế nhưng từ khi FPT Retail xuất hiện, vị trí này liên tục bị đe dọa. Dù là “đàn em” nhưng với sự hậu thuẫn từ Tập đoàn công nghệ FPT , FPT Retail với chuỗi FPT Shop nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh số 1 của MWG .
Thực tế, MWG và FPT Retail những năm qua luôn so kè nhau để tranh giành thị phần. Nếu FPT Retail có F.Studio by FPT chuyên phân phối các sản phẩm Apple thì MWG cũng nhanh chóng thành lập chuỗi TopZone chuyên bán đồ của hãng “Táo khuyết”. Khi Thế giới Di động lấn sân sang lĩnh vực dược phẩm với chuỗi An Khang, FPT Retail cũng không kém cạnh khi chi tiền thâu tóm thương hiệu Long Châu.
Sự cạnh tranh của MWG và FPT Retail đi tới đỉnh điểm trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, khi những khó khăn của nền kinh tế làm suy yếu nghiêm trọng nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm không thiết yếu. Để sống sót qua “cơn bĩ cực”, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để bán hàng, để có doanh thu và tồn tại. Và MWG đã châm ngòi nổ khi phát động “cuộc chiến” giá rẻ quá. Trước đó, giá các mặt hàng điện thoại, máy tính của MWG vẫn nhỉnh hơn thị trường chung do công ty nhắm đến thu hút khách hàng chủ yếu bằng chất lượng dịch vụ.
Thế giới Di động không chỉ hạ giá thành sản phẩm mà còn liên tục triển khai các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút khách hàng. Áp lực cạnh tranh tăng lên, FPT Retail và các hãng bán lẻ điện máy khác cũng không thể đứng ngoài cuộc. “Cuộc chiến” này giúp mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, nhưng các doanh nghiệp đều “te tua”.
Biên lợi nhuận thấp khiến FPT Retail lỗ trước thuế gần 300 tỷ đồng trong năm 2023, dù doanh thu đạt mức cao kỷ lục. MWG cũng “bay màu” gần hết lợi nhuận khi chỉ đạt 168 tỷ đồng, giảm 96% so với năm 2022 (trong khi tổng cộng 118.279 tỷ đồng doanh thu, giảm 11% so với cùng kỳ). Nếu không có sự hỗ trợ của phần lãi thuần hơn 600 tỷ đồng từ nghiệp vụ tài chính thì MWG cũng không thoát khỏi cảnh thua lỗ nặng.
Lợi nhuận của MWG xuống đáy trong năm 2023.
Bên chọn dược phẩm, bên chọn thực phẩm
Nếu “khô máu” vì sự cạnh tranh, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ đều không được lợi lộc gì. Vì vậy “cuộc chiến giá rẻ” cũng nhanh chóng hạ nhiệt từ nửa cuối năm 2023. MWG và FPT Retail không còn tập trung vào tranh giành tệp khách hàng chung nữa mà xác định định hướng tăng trưởng riêng. Nếu Long Châu là “át chủ bài” của FRT thì Bách hóa Xanh được MWG xác định là tương lai của mình.
Thực tế trong quý 1 vừa qua, cả hai doanh nghiệp đều đã nhận được thành quả nhất định cho sự chuyển trọng tâm kinh doanh. FRT lãi trước thuế 89 tỷ đồng, gấp 45 lần cùng kỳ năm 2023 và cao nhất trong 5 quý gần đây; lãi sau thuế 61 tỷ đồng, gấp 30 lần so với con số vỏn vẹn 2 tỷ đồng của cùng kỳ. Sau 3 tháng, doanh nghiệp bán lẻ đã hoàn thành 71% mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm (125 tỷ đồng).
Theo giải trình của FPT Retail, kết quả tích cực trong quý 1 là nhờ FPT Long Châu tiếp tục mở rộng hệ thống nhà thuốc, duy trì tốt tốc độ tăng trưởng mạnh; đóng góp 5.534 tỷ đồng, tăng 68% và chiếm 61% tổng doanh thu toàn công ty.
Tại thời điểm cuối quý 1, FPT Long Châu có 1.587 nhà thuốc, tăng 90 nhà thuốc so với đầu năm 2024. Công ty cũng phát triển mạng lưới trung tâm vaccine với 3 mô hình như shop in shop, side by side và cửa hàng độc lập, mở mới 41 trung tâm trong quý đầu năm 2024. Công ty đặt mục tiêu sẽ mở mới thêm 400 cửa hàng Long Châu trong năm nay để đưa tổng số lên khoảng 1.900 điểm bán; đồng thời dự kiến phát triển 100 trung tâm vắc xin mới để hình thành hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.
Thể hiện quyết tâm dồn lực cho mảng dược phẩm, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 17/4 vừa qua, FPT Retail đã công bố chiến lược mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khoẻ toàn diện “Long Châu Healthcare Platform”. Để đầu tư cho chiến lược này, công ty dự kiến sẽ huy động vốn, thông qua chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư với giá trị chào bán tối đa là 10%.
MWG báo lãi ròng quý 1/2024 hơn 902 tỷ đồng, gấp 42 lần quý 1/2023 và gấp 5 lần lợi nhuận của cả năm 2023. Ngoài việc biên lợi nhuận gộp mảng điện máy cải thiện thì kết quả tích cực của MWG còn nhờ “đứa con cưng” Bách hóa Xanh đã không còn là gánh nặng. Trong quý vừa qua, chuỗi thực phẩm chỉ ghi nhận lỗ thêm 105 tỷ đồng, cải thiện nhiều so với mức lỗ 354 tỷ đồng trong quý 1/2023.
MWG kỳ vọng kết quả kinh doanh của Bách hóa Xanh trong quý 2/2024 sẽ cải thiện tích cực hơn khi doanh thu bình quân có xu hướng tiếp tục tăng trong tháng 4 và chuỗi đang bám sát các mục tiêu giảm tỷ lệ chi phí vận hành trên doanh thu, đặc biệt là chi phí kho vận (logistics).
Sau 8 năm đi vào hoạt động, “ngốn” mất gần 9.000 tỷ đồng nhưng Bách hoá Xanh vẫn là “đứa con” mà MWG kỳ vọng nhất tại thời điểm hiện tại. Tại buổi họp nhà đầu tư hồi đầu năm 2024, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG cho biết, sự tăng trưởng trong 5 năm tới của tập đoàn sẽ nằm chủ lực trên vai chuỗi bán lẻ thực phẩm này.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tổ chức ngày 13/4 vừa qua, ông Phạm Văn Trọng - CEO Bách hoá Xanh cho biết, Bách hoá Xanh sẽ mở mới khoảng 100 cửa hàng trong năm nay, chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng vào năm sau. Vào cuối năm nay, công ty cũng sẽ nghiên cứu về việc mở rộng ra miền Trung và miền Bắc. Ông Trọng tự tin rằng con số nghìn tỷ đồng lợi nhuận từ Bách hóa Xanh sau 1-2 năm nữa là có thể đạt được.
Đầu tháng 4 vừa qua, MWG đã hoàn tất chào bán 5% cổ phần Bách hoá Xanh cho cổ đông ngoại CDH Investments. Trong báo cáo tài chính quý 1/2024 của MWG , mục lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính ghi nhận thêm khoản 1.773 tỷ đồng tiền thu từ phát hành cổ phiếu và vốn góp của cổ đông không kiểm soát. Khả năng cao đây là số tiền nhận về từ việc chào bán 5% vốn Bách hóa Xanh.
Nếu đúng như vậy, định giá Bách Hóa Xanh theo giá chào bán cho CDH Investments vào khoảng 35.500 tỷ đồng, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD .
Phạm Ngọc