Alibaba, Baidu và ByteDance đang áp dụng những công nghệ tối tân nhất hoặc tung ra các dịch vụ giá rẻ nhất nhằm chiếm lĩnh thị phần.
Thị trường đám mây ngày càng khốc liệt
Trong vài năm qua, những công ty như Alibaba Cloud đã phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng trì trệ ngay cả khi thị trường này đang bùng nổ. Quý đầu năm nay của Alibaba Cloud chỉ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu 3% so với cùng kỳ năm trước. Tencent không tiết lộ doanh thu từ mảng đám mây của mình và chỉ cho biết con số này “cao hơn” trong quý.
Thị trường đám mây ở Trung Quốc ngày càng khó kiếm tiền trong khi cạnh tranh tăng lên
Trong khi đó, các đối thủ ở Mỹ chứng kiến những cú bứt phá nhờ nhu cầu AI mạnh mẽ. Trong quý đầu tiên, doanh thu của Microsoft từ Azure và các dịch vụ đám mây khác đã tăng 31%. Phân khúc đám mây của Google tăng 28% và của Amazon tăng 17%.
Cũng như ở các thị trường khác trên thế giới, kỳ vọng về các mô hình AI được áp dụng sẽ thúc đẩy đáng kể nhu cầu về điện toán AI, dữ liệu lớn, lưu trữ, cơ sở dữ liệu và các dịch vụ liên quan cũng nở rộ ở Trung Quốc.
Quốc gia tỷ dân này hiện có hơn 100 mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) tự phát triển - các thuật toán làm nền tảng cho AI tạo sinh - mà mỗi mô hình có hơn 1 tỷ tham số. Nhiều tham số hơn thường có nghĩa là hiệu suất tốt hơn nhưng cũng đòi hỏi nhiều sức mạnh tính toán hơn.
Nhưng thu nhập hàng quý gần đây nhất đã không vẽ nên bức tranh màu hồng như mong đợi. Baidu cũng bị cho là đang tụt lại phía sau cả về doanh thu và thị phần trên thị trường đám mây. Công ty này đã cố gắng thể hiện mình là người dẫn đầu về AI trong nước với Ernie LLM, mô hình ngôn ngữ lớn được nhắm tới cả doanh nghiệp và cá nhân.
Trong khi tổng doanh thu của công ty chỉ tăng 1% thì doanh thu dịch vụ đám mây AI của công ty đã tăng 12% trong ba tháng đầu năm, chủ yếu từ việc tính phí cho các mô hình đào tạo trên đám mây công cộng.
Cuộc chiến giá cả bùng nổ
Các chuyên gia trong ngành công nghiệp đám mây tại Trung Quốc vẫn lạc quan về triển vọng lợi nhuận từ AI, tuy nhiên sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong giai đoạn đầu này đang tạo sức ép khiến giá dịch vụ trở nên rẻ hơn.
Kai Wang, nhà phân tích vốn cổ phần cấp cao của nhóm nghiên cứu đầu tư Morningstar nói: “Việc kiếm tiền vẫn còn khá sớm và sẽ chủ yếu đến từ phía doanh nghiệp. Hiện tại, trường hợp sử dụng nó ở cấp độ người tiêu dùng vẫn còn khá hạn chế."
Trong điều kiện kinh tế vĩ mô không ổn định hiện nay, chi phí cao của việc tích hợp AI vào hoạt động đã cản trở việc áp dụng rộng rãi tại nhiều công ty Trung Quốc.
Theo Nikkei Asia, Alibaba vẫn dẫn đầu thị trường đám mây công cộng của Trung Quốc cả về doanh thu và thị phần, mặc dù thị phần đang giảm dần trước sự tham gia của các đối thủ khác. Bởi vậy, công ty đang tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ đám mây công cộng và đưa ra các đợt giảm giá mạnh mẽ lên tới 55% cho hơn 100 sản phẩm trong tháng 2 vừa qua. Động thái này được cho học tập cách làm của đối thủ JD.com - công ty đã tung ra mức giảm tương đương vào tháng 4 năm ngoái.
Để chiến thắng, nhiều ông lớn đang đua nhau cạnh tranh về giá hoặc tích cực áp dụng AI
Trong khi đó, Baidu đã đầu tư mạnh mẽ vào AI sáng tạo, đặt cược vào cơ hội thu hẹp khoảng cách với các đối thủ trên nền tảng đám mây. Công ty đang khám phá việc sử dụng các ứng dụng AI tổng hợp với một nhóm các nhà cung cấp phần mềm và cũng đã thành lập một cửa hàng ứng dụng AI.
Trái ngược, Tencent đã giảm mạnh quy mô kinh doanh trên nền tảng đám mây vào năm ngoái khi bắt đầu chuyển chiến lược từ giành thị phần bằng mọi giá sang giảm lỗ.
Trong khi đó, là người chơi đi sau trong thị trường LLM của Trung Quốc, ByteDance mới đây đã tung ra một loạt mô hình ngôn ngữ lớn dành cho các doanh nghiệp có tên Doubao, cùng tên với chatbot đã ra mắt trước đó dựa trên dịch vụ đám mây của riêng mình, Volcano Engine.
Sự tham gia của ByteDance được cho tiếp tục đổ thêm dầu vào cuộc chiến giá cả trên nền tảng đám mây tại Trung Quốc. ByteDance cho biết mô hình Doubao Pro có giá thấp chỉ 0,0008 nhân dân tệ (0,011 cent) trên 1.000 “mã thông báo”, so với 0,12 nhân dân tệ trên 1.000 mã thông báo của Ernie (của Baidu) và Tongyi (của Alibaba). Mã thông báo là các từ hoặc đoạn từ được sử dụng trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên. Một mã thông báo có khoảng bốn ký tự hoặc 0,75 từ bằng tiếng Anh, theo Nikkei Asia.
Thị trường dịch vụ đám mây của Trung Quốc đã tăng trưởng 16% vào năm 2023, tăng từ mức tăng trưởng 10% vào năm 2022, theo Canalys. Công ty tư vấn này kỳ vọng doanh thu từ các dịch vụ nền tảng và cơ sở hạ tầng đám mây công cộng và tư nhân của Trung Quốc sẽ tăng 18% trong năm nay, do mức tiêu thụ trên đám mây dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi AI tổng hợp.
Yi Zhang, nhà phân tích tại Canalys nhận xét: “Các nhà cung cấp dịch vụ đám mây hiện đang phải đối mặt với thách thức kép là duy trì tăng trưởng doanh thu và duy trì lợi nhuận trong bối cảnh áp lực cạnh tranh khiến giá giảm”.
TRƯỜNG ĐẶNG
https://diendandoanhnghiep.vn/cuoc-chien-gia-trong-nganh-dien-toan-dam-may-trung-quoc-263545.html