Tính đến hết năm 2022, doanh nghiệp này đang vay khoảng 800 tỷ nợ vay ngắn hạn và 500 tỷ trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 9,5%.
Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) được thành lập năm 2004 trên cơ sở cổ phần hóa một công ty thành viên của Tổng công ty Fico. Hoạt động chính trong năm hiện tại của Công ty là cung cấp dịch vụ thiết kế và xây dựng, lắp đặt thiết bị, trang trí nội thất và cho thuê văn phòng.
Năm 2009, công ty được chấp thuận niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh với mã giao dịch CTD. Hiện nay, cổ phiếu CTD của Coteccons được xếp vào nhóm cổ phiếu tốt nhất của ngành xây dựng Việt Nam.
Ngày 25/4 vừa qua, Coteccons CTD đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023.
Theo thông tin từ ban lãnh đạo công ty, trong năm 2022, Coteccons đạt doanh thu 14.537 tỷ đồng, tăng 60% so với năm trước, lợi nhuận vượt 20 tỷ đồng - hoàn thành kế hoạch đề ra. Với kết quả này, CTD đã lấy lại vị thế nhà thầu xây dựng số 1 Việt Nam về doanh thu từ tay Hòa Bình sau một năm mất ngôi.
Tính đến hết năm 2022, CTD đang vay khoảng 800 tỷ nợ vay ngắn hạn và 500 tỷ trái phiếu có kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 9,5%.
Một côn trình đang thi công của Coteccons
Năm 2023, công ty đặt kế hoạch doanh thu chạm ngưỡng 16.249 tỷ đồng. Ban lãnh đạo Coteccons cũng tự tin đặt kế hoạch lợi nhuận 233 tỷ đồng cho cả năm 2023, tương đương mức tăng trưởng 1.010% so với năm 2022. Trong đó, CTD dự kiến doanh thu 6 tháng đầu năm là 7.644 tỷ - tăng 144% so với cùng kỳ (6 tháng đầu năm 2022), lợi nhuận sau thuế 44 tỷ - tăng 880% so với cùng kỳ.
Báo cáo quý 1/2023 của Coteccons ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 3.130 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ. Khấu trừ chi phí, CTD báo lãi sau thuế đạt 22 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tại thời điểm 31/03/2023, lượng tiền mặt đang nắm giữ của CTD tăng 52%, lên hơn 4.000 tỷ đồng. Tổng tài sản của Công ty tăng 6% so với đầu năm, vượt mức 20.000 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm 56% với 11.317 tỷ đồng, chủ yếu là khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng và đã được công ty trích lập dự phòng 1.062 tỷ đồng. Khoản dự phòng nợ xấu này chủ yếu đến từ Công ty TNHH Bất động sản Ngôi sao Việt - đơn vị thành viên của Tân Hoàng Minh và CTCP Đầu tư Minh Việt.
Trong 3 tháng đầu năm, Coteccons chi 254 tỷ đồng đầu tư cổ phiếu và chứng chỉ quỹ. Một số khoản đầu tư lớn trong danh mục đầu tư của công ty bao gồm CCQ KIM GROWTH VN30 ETF (49,5 tỷ), FPT (hơn 31 tỷ), MWG (gần 24 tỷ). Công ty cũng trích lập dự phòng gần 61 tỷ, tương đương tạm lỗ 24% tại ngày 31/3/2022 cho khoản đầu tư trên.
Nhà máy Lego
Liên quan đến tình hình thực hiện các dự án, ông Võ Hoàng Lâm, Tổng giám đốc Coteccons cho biết, doanh nghiệp đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và đang tiến hành thi công nhà máy Lego. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 1,3 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2024, nhà máy Lego sẽ bắt đầu hoạt động.
Trong khi đó, dự án sân bay Long Thành là một dự án rất lớn, nếu Coteccons được tham gia thì đây sẽ là một chặng đường dài của doanh nghiệp. CTD chưa thể chia sẻ thông tin này vì những quy định ràng buộc với đối tác.
Trong năm 2023, CTD cũng dự tính phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 3:1, có nghĩa là cổ đông sở hữu 3 cổ phiếu được quyền nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Nguồn vốn phát hành lấy từ quỹ đầu tư phát triển. Nếu phát hành thành công, Coteccons sẽ phát hành thêm hơn 24,8 triệu cổ phiếu để nâng vốn điều lệ từ 788,3 tỷ đồng lên 1.036,4 tỷ đồng.