Để ngành du lịch phục hồi và gia tăng sức cạnh tranh, Đà Nẵng xác định tập trung xây dựng thêm nhiều sản phẩm mới để xúc tiến du lịch cũng như đầu tư cho những loại hình chủ lực.
Thông tin từ Cục Thống kê Đà Nẵng, doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống trên địa bàn ước đạt 8.403 tỷ đồng trong 4 tháng đầu năm 2024. Trong đó, doanh thu lưu trú ước đạt 3.148 tỷ đồng, doanh thu ăn uống ước đạt 5.255 tỷ đồng.
Số liệu cho thấy tổng lượng khách lưu trú tại địa phương 4 tháng ước đạt hơn 2,7 triệu lượt với 957 nghìn lượt khách quốc tế và hơn 1,8 triệu lượt khách nội địa. Doanh thu dịch vụ du lịch lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng đạt 2.226 tỷ đồng.
Theo Cục thống kê, ngành du lịch Đà Nẵng đã có những phục hồi nhất định. Các doanh nghiệp đã tái thiết hầu hết các hoạt động, tích cực triển khai các hoạt động phục vụ du khách.
Đa dạng hóa thị các thị trường quốc tế là mục tiêu của ngành du lịch Đà Nẵng.
Để tiếp tục thu hút khách du lịch, Đà Nẵng đã lên kế hoạch bổ sung sản phẩm mới, tăng cường sản phẩm chuyên đề, kết nối thêm các đường bay, mở rộng khai thác thị trường khách quốc tế cũng như đa dạng phương thức di chuyển cho khách nội địa. Với khách quốc tế, Đà Nẵng đang có kế hoạch thu hút các thị trường Bắc Á như Hàn Quốc, Nhật Bản,... hiện đang là những thị trường dẫn đầu về nguồn khách.
Với thị trường khách Hàn Quốc đang chiếm khoảng 45% tổng lượt khách quốc tế đến Đà Nẵng, các doanh nghiệp cho rằng cần duy trì. Để làm được việc này, TP. Đà Nẵng cũng các doanh nghiệp cần chú trọng phát triển các dịch vụ đi kèm để khách có được những trải nghiệm tốt nhất trong kỳ nghỉ.
Tại hội nghị mới đây, ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho hay thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc rất quan trọng đối với điểm đến Đà Nẵng. Theo vị này, hai thị trường này có tiềm năng và Đà Nẵng đã dùng rất nhiều tiềm lực để giữ và thu hút khách.
“Các doanh nghiệp cần xúc tiến, quảng bá thêm các địa phương mới của Hàn Quốc, hình thành nhóm doanh nghiệp đi khai thác các thị trường khách này và kết nối thêm với các doanh nghiệp nước sở tại để nắm bắt thông tin, hợp tác. Với thị trường Nhật Bản, cần tăng cường các chuyến bay thuê chuyến, xây dựng các sản phẩm chuyên đề dành riêng cho từng nhóm khách để phù hợp với nhu cầu của thị trường này”, ông Dũng nói.
Được biết, trong thời gian tới ngành du lịch Đà Nẵng sẽ tăng cường các hoạt động quảng bá, điểm đến. Cùng với đó, hoàn thiện các sản phẩm để thu hút, mở rộng thêm các thị trường khách.
Đặc biệt, sẽ có động thái phát động chiến dịch tri ân, xúc tiến, xây dựng Đà Nẵng là điểm đến thường xuyên của khách Hàn Quốc. Còn lại, các doanh nghiệp, địa phương sẽ xác định các phân khúc khách hàng mới của Nhật Bản như khách MICE, khách học đường,... để hình thành sản phẩm phù hợp.
Đà Nẵng sẽ xúc tiến, quảng bá thêm về các điểm đến với các địa phương mới của Hàn Quốc.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh – Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết ngành du lịch luôn chủ động trong việc tìm kiếm các thị trường mới, nhất là các thị trường khách quốc tế trong bối cảnh khách nội địa đang gặp khó như hiện nay. Theo vị này, các doanh nghiệp du lịch cần có ý tưởng, cách làm mới của riêng mình, tự hoàn thiện dịch vụ, tạo ra các sản phẩm, trải nghiệm mới chào bán cho các thị trường khách.
“Chủ động tham gia các công tác xúc tiến, quảng bá tới các thị trường khách, đối tác. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong nước có thể kết nối tạo ra hệ sinh thái, điểm đến đạt chất lượng tốt, khẳng định được thương hiệu điểm đến”, bà Hạnh nói.
Theo định hướng, TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển và hoàn thiện 5 nhóm sản phẩm trụ cột gồm nhóm du lịch biển cao cấp, nhóm du lịchvăn hóa, lịch sử, nhóm sản phẩm du lịch MICE, nhóm sản phẩm du lịch đô thị và nhóm sản phẩm du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ. Trong đó, du lịch MICE đang được xác định là nhóm sản phẩm trọng tâm bởi Đà Nẵng hội tụ đầy đủ các lợi thế để phát triển thành một trung tâm tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế.
Theo đề xuất của các doanh nghiệp, Đà Nẵng cần đăng cai tổ chức các sự kiện lớn đa ngành nghề trong và ngoài nước. Song song với đó là chủ động tổ chức các cuộc thi thể thao, các buổi trình diễn âm nhạc của các ngôi sao nhằm thu hút du khách và quảng bá thương hiệu điểm đến ra thế giới.
Ngoài ra, thành phố cần ưu tiên phát triển dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp và siêu sang nhằm thu hút nhu cầu tổ chức các sự kiện cá nhân tại Đà Nẵng. Từ đây, có thể định vị Đà Nẵng là điểm đến hàng đầu về du lịch MICE trong khu vực Đông Nam Á.
Vì vậy, địa phương này đã xây dựng kế hoạch “kéo” khách du lịch MICE như đón tiếp, chào mừng, tặng quà lưu niệm địa phương, hỗ trợ truyền thông và tư vấn tổ chức sự kiện MICE, hỗ trợ đoàn tiền trạm cũng như vinh danh các đơn vị đưa khách đến Đà Nẵng,...
Trong quý 1/2024, tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng ước khoảng 9.578 chuyến đạt 1,6 triệu lượt khách. Trong đó, quốc tế đạt khoảng 4.724 chuyến bay đến với tổng số khách hơn 802.000 lượt khách, nội địa đạt khoảng 4.854 chuyến bay với tổng số khách hơn 806.000 lượt khách.
Lịch bay mùa hè của các hãng hàng không quốc tế đến Đà Nẵng tăng 20% số chuyến bay, dự kiến đạt khoảng 50 chuyến/ngày. Dự kiến quý 2 một số đường bay quốc tế từ Malaysia, Hồng Kông (Trung Quốc), Nhật Bản (Osaka, Narita tháng 6) phục hồi và được khai thác mới đến Đà Nẵng sẽ góp phần tăng trưởng cho du lịch địa phương.
https://diendandoanhnghiep.vn/da-nang-day-manh-xuc-tien-du-lich-263349.html