Mình xin chia sẻ với các bác một số thông tin về cổ phiếu DAG để tham khảo:
I. Tổng quan
-
Vốn điều lệ: 595 tỷ đồng.
-
Cổ đông lớn: CTCP TNHH Đầu tư và phát triển NBH (23,39%); Công ty TNHH Thương mại Hùng Phát (18,57%); Nguyễn Bá Hùng (5,21%).
-
Ngành kinh doanh: VLXD tổng hợp.
II. Đánh giá về DAG
- Về lãnh đạo doanh nghiệp
Ông Nguyễn Bá Hùng – Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc DAG hiện nay là Phó Chủ tịch Hiệp hội Cửa Việt Nam (hiện có hơn 3.000 hội viên trên toàn quốc).
Trước khi nhựa Đông Á ra đời, từ năm 1990 đến 1992 là thời điểm ông Hùng bắt đầu con đường kinh doanh từ việc thành lập tổ hợp sản xuất trang trí nội thất. Sự nghiệp kinh doanh nội thất của ông vẫn được duy trì tới năm 2000 và việc kinh doanh mở rộng thêm sang mặt hàng xây dựng.
Phải tới năm 2002, ông Nguyễn Bá Hùng và vợ là bà Trần Thị Lê Hải khởi nghiệp với một doanh nghiệp thương mại, phân phối các sản phẩm nhựa phục vụ ngành công nghiệp trang trí nội ngoại thất và quảng cáo. Giữ chữ tín luôn là nguyên tắc hàng đầu với doanh nhân này nên nhiều bạn hàng, đối tác thương mến tin cậy, công việc kinh doanh cũng khá suôn sẻ. Nhưng ông Hùng và các cộng sự không muốn dừng ở đó, họ muốn tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam, do người Việt Nam sản xuất.
Đến nay, Nhựa Đông Á là một trong những thương hiệu đi đầu với cửa nhựa uPVC có lõi thép gia cường với thành phần cốt yếu là thanh Profile uPVC. Có thể nói Ông Nguyễn Bá Hùng là một trong những người có uy tín, kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực nhựa xây dựng.
2. Về thị phần nhựa xây dựng
Về các doanh nghiệp lớn về nhựa xây dựng đang niêm yết trên sàn có 3 doanh nghiệp là NTP, BMP, DAG, được chia thành 2 loại sản phẩm là ống nhựa xây dựng và nhựa vật liệu xây dựng. NTP và BMP là doanh nghiệp chuyên sản xuất về ống nhựa, DAG là doanh nghiệp chuyên sản xuất liên quan đến nhựa vật liệu xây dựng như cửa, sàn nhà, trần nhà, nội thất. Như vậy về lĩnh vực này DAG hiện đang là DN số 1 VN.
Hiện tại, hàng Trung Quốc chiếm 60 - 70% thị phần sản phẩm thanh profile, trong khi đó Nhựa Đông Á chiếm khoảng 25% toàn quốc và khoảng 40% thị phần tại miền Bắc. Công ty đã xây dựng chiến lược phủ sóng thị trường miền Nam. Ngoài việc phát triển các kênh phân phối, tiếp thị, Công ty sẽ làm việc với các cơ quan chức năng để loại bỏ hàng kém, hàng giả, hàng lậu… trên thị trường.
3. Về tiềm năng phát triển
3.1. Năng lực sản xuất của DAG được mở rộng
-
Năm 2019: Đầu tư thêm 5 dây chuyền sản xuất tấm trần thả công nghệ mới, 5 dây chuyền tấm tủ. Tổng mức đầu tư 250 tỷ.
-
Năm 2020: Đầu tư 5 dây chuyền sản xuất tấm trần thả PVC, 2 dây chuyền sản xuất hạt nhựa; 1 dây chuyền sản xuất Mica, 5 dây chuyền sản xuất tấm ốp tường công nghệ Nano, 1 hệ thống phụ trợ. Tổng mức đầu tư 330 tỷ đồng.
Như vậy, trong các năm qua DAG liên tục đầu tư lớn vào máy móc để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, đón đầu xu thế phát triển của ngành sau Dịch.
Về khả năng thành công của các dự án đầu tư mới của DAG được đánh giá khá tốt khi BLĐ có những chiến lược phát triển rất thận trọng. Khi đầu tư và đưa một sản phẩm mới ra thị trường, Nhựa Đông Á không làm theo kiểu đầu tư hàng loạt, mà đầu tư từng bước, ban đầu chỉ đầu tư vài dây chuyền để thăm dò phản ứng thị trường, nếu sản phẩm được tiêu thụ tốt, thì mới mở thêm các dây chuyền mới. Điều này giúp cho các dây chuyền dù mới được đầu tư, nhưng phần lớn đều được chạy tối đa công suất. Hệ thống trang thiết bị được đầu tư tốt, tuổi đời cao hơn so với các thiết bị rẻ tiền, nên chi phí khấu hao không cao.
3.2. Hạt nhựa tái sinh - Quân bài chiến lược của DAG
-
DAG đã và đang khẳng định vị thế dẫn đầu của một doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm nhựa vật liệu xây dựng, phục vụ trang trí nội, ngoại thất và quảng cáo. Các sản phẩm của DAG đa dạng, bao gồm: thanh Profile uPVC, Sàn nhựa SPC, Tấm Danpla PP, Tấm Formex, Tấm Mica, Tấm trần thả, Tấm PVSmart. Trong đó, các dòng cửa nhựa lõi thép cao cấp uPVC và tấm trần thả đã góp phần làm nên thương hiệu và vị thế cho DAG. Còn tấm nhựa gỗ PVSmart như là minh chứng cho thấy tinh thần tiên phong trong sản xuất vật liệu mới, thân thiện với môi trường của đại gia ngành nhựa này.
-
Năm 2020, DAG tiếp tục đầu tư thêm 2 dây chuyền sản xuất hạt nhựa. Đây là một động thái nhằm đón đầu nhu cầu hạt nhựa của thị trường Trung Quốc. Bởi lẽ, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải nhập hạt nhựa để làm nguyên liệu thay vì dùng phế liệu nhựa như trước.
Đối với DAG, việc tự sản xuất hạt nhựa tái sinh không chỉ giúp tập đoàn chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, mà còn là chìa khoá để tập đoàn nắm bắt cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU, Mỹ thông qua các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia như Hiệp định EVFTA, RCEP… khi đáp ứng được tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm nhựa. Bên cạnh thị trường xuất khẩu, sản phẩm hạt nhựa của DAG cũng được các doanh nghiệp trong nước đón nhận với mức tiêu thụ tốt ngay cả trong đại dịch Covid-19.
Nhu cầu về hạt nhựa tại VN rất lớn, trong khi trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 30%, thì doanh nghiệp nào có nguồn cung hạt nhựa sẽ có lợi thế rất lớn.
3.3. Tiềm năng thị trường bùng nổ sau dịch do tác động của đầu tư công
Hiện nay, các sản phẩm nhựa đã dần thay thế các sản phẩm truyền thống trong các công trình dân dụng. Tại các dự án bất động sản hoặc nhà dân, vật liệu được sử dụng để làm cửa có đến 80 - 90% là dùng cửa nhựa, 10 - 20% còn lại là dùng vật liệu gỗ thông thường. Cửa nhựa lõi thép, vừa có tính thẩm mỹ, vừa có độ chắc chắn cao.
Theo thống kê, trong các năm qua, tỷ lệ sử dụng cửa nhựa bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng từ 30 kg/người đến hơn 40 kg/người, trong khi trung bình các nước Đông Á là 46 kg/người và thế giới là hơn 100 kg/người. Trong đó, sử dụng nhiều nhất cửa nhựa là ở Mỹ khoảng 150 - 160 kg/người, ở châu Âu là 140 - 150 kg/người.
Dù được xếp vào hàng “sinh sau đẻ muộn”, nhưng với chất lượng được đánh giá tốt, giá thành tầm trung, thời hạn bảo hành cao và cộng với tiêu chí người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, các sản phẩm nhựa xây dựng nội đã chiếm được tình cảm của ngườitiêu dùngtrong nước. Thực tế, các sản phẩm nhôm composite, tấm trần, nẹp trang trí, hàng nội địa đang chiếm đến gần 100%.
Thời gian tới, cùng với chính sách thúc đẩy đầu tư công, nhu cầu về xây dựng nhà ở sẽ ngày một nhiều như xây dựng khu tái định cư, khu dân cư mới. Do vậy, tiềm năng ngành nhựa xây dựng sau dịch đang rất tốt. “Miếng bánh” ngon này đang bị nhiều doanh nghiệp nước ngoài dòm ngó.
3.4. Lãnh đạo liên tục mua vào cổ phiếu và tiếp tục mua mạnh trong thời gian tới
Trong các năm gần đây Lãnh đạo DAG liên tục mua vào cổ phiếu. Và trong ĐHCĐ 2021, BLĐ đã thông báo có kế hoạch mua vào số lượng lớn cổ phiếu thời gian tới. Đây là một key rất tốt trong việc đánh giá cổ phiếu.
III. Định giá
-
Hiện tại, khi so sánh về biên lợi nhuận ròng với nhiều doanh nghiệp cùng ngành khác, thì Nhựa Đông Á vẫn có phần lép vế so với BMP, NTP. Trung bình các năm gần đây biên lợi nhuận chỉ đạt tầm 8.5%.
-
Với tiềm năng tăng trưởng lớn trong thời gian tới, trong năm 2022 và các năm tiếp theo, DAG sẽ có sự đột phá về doanh thu. Trong năm 2022 doanh thu khả năng cao sẽ cán mốc 3.000 tỷ đồng (đây là mục tiêu của Nhựa Đông Á đến năm 2020 nhưng do tác động của dịch nên chưa thể hoàn thành).
-
P/e bình quân hiện nay của NTP và BMP là 11. Chỉ số này coi như là chỉ số P/e bình quân ngành nhựa xây dựng.
Từ các nội dung trên lợi nhuận dự phóng của DAG năm 2022 như sau:
LNTT = 3000 tỷ đồng * 8.5% - 60 tỷ đồng chi phí tài chính – 45 tỷ đồng chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp = 150 tỷ đồng.
LNST = 150 * 0.8 = 120 tỷ đồng.
Định giá: 120/595 * 11 = 22.000 đồng.
Với mức định giá trên, DAG là key đầu tư khá hấp dẫn trong bối cảnh bão giá hiện nay. Chưa kể DAG có khả năng sẽ có đối tác ngoại hoặc không cưỡng nổi sự thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại. Hiện BMP đã bị ngoại thâu tóm, NTP ngoại cũng tham gia đầu tư lớn và có khả năng sẽ thâu tóm khi SCIC thoái vốn.