Trở thành công ty mẹ của doanh nghiệp sở hữu nhiều dự án “đất vàng” tại Huế với mức giá “hời” so với mức giá IPO, những tưởng Bitexco sẽ nhanh chóng đưa Hương Giang Tourist phát triển các dự án du lịch, nhưng nội chiến cổ đông xảy ra dẫn tới biến động cấu trúc thượng tầng trong nhiều năm. Doanh nghiệp đến nay lỗ lũy kế đã chiếm quá nửa vốn chủ sở hữu, nhiều dự án dở dang kéo dài nhiều năm.
Khách sạn Hương Giang Resort & Spa tại Huế - Nguồn: HGT |
3 tháng đầu năm 2024, CTCP Du lịch Hương Giang (Hương Giang Tourist, UPCoM: HGT ) tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm 2023 ở cả doanh thu và lãi ròng, lần lượt đạt 13 tỷ đồng và 1 tỷ đồng, phần lớn tiếp tục từ cho thuê phòng và dịch vụ nhà hàng.
Năm nay, chủ khách sạn Hương Giang nhận định tình hình du lịch khả năng phục hồi tốt. Chính sách cấp visa điện tử (e-visa) cho du khách từ tất cả quốc gia và cho phép khách từ một số nước được miễn visa từ 15 ngày lên đến 45 ngày sẽ là đòn bẩy tích cực. Công ty kỳ vọng đạt tổng doanh thu 57 tỷ đồng, tăng 10% so với năm ngoái và mục tiêu lãi sau thuế 3.4 tỷ đồng, gấp 3 lần. Đến nay đã thực hiện 25% và 29% chặng đường.
Nguồn thu từ du lịch đang trở lại quỹ đạo ổn định kể từ sau giai đoạn đại dịch, dù chưa thể bằng giai đoạn thịnh vượng năm 2019, giúp HGT ngắt mạch 2 quý thua lỗ liên tiếp.
Kế hoạch/thực hiện doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) của HGT từ năm 2018 đến nay (Đvt: tỷ đồng) Nguồn: Người viết tổng hợp |
Trước đó, doanh nghiệp khép lại năm 2023 với 51 tỷ đồng doanh thu, gần gấp đôi năm 2022. Dù mới bằng một nửa so với trước COVID-19 nhưng HGT đã có lãi trở lại, đạt 1 tỷ đồng nhờ lượng khách du lịch và lưu trú tăng mạnh.
Năm 2020-2022, ngành du lịch suy thoái vì giãn cách xã hội, mô hình kinh doanh với biên lợi nhuận mỏng dễ dàng chịu tổn thương trước các biến động khó lường, nguồn thu sụt giảm mạnh, HGT lỗ liên tiếp.
Nhìn chung 10 năm qua, HGT hoạt động khá chật vật. Tổng tài sản đang có xu hướng giảm dần. Năm 2015, HGT lỗ lũy kế chỉ khoảng 25 tỷ đồng, nhưng hiện đã tăng lên 104 tỷ đồng.
Thâu tóm đất “vàng” không qua đấu giá
Tiền thân của HGT là Công ty Khách sạn Hương Giang, một doanh nghiệp Nhà nước, thành lập vào năm 1994 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2008. Ngành nghề kinh doanh chính là dịch vụ lưu trú ngắn ngày, kinh doanh lưu trú du lịch gồm khách sạn, nghỉ dưỡng tiêu chuẩn hotel resort & spa.
Sau giai đoạn cổ phần hóa năm 2007 và cho đến cuối năm 2015, cổ đông sáng lập của HGT gồm Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước ( SCIC ) sở hữu 62.86% và Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco 7.62%.
Chủ tịch HĐQT thời gian này là ông Nguyễn Quốc Thành, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Trần Thắng, Thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Nguyễn Bốn lần lượt đại diện 32.06%, 12.57% và 18.23% phần vốn của SCIC . Ông Vũ Quang Hội - Chủ tịch Tập đoàn Bitexco đại diện vốn của Bitexco và là Thành viên độc lập, không trực tiếp tham gia điều hành HGT .
Chủ khách sạn Hương Giang còn 2 cổ đông lớn khác là ông Nguyễn Đình Anh Tuấn (7%) và Công ty TNHH Kei Sei (12.95%) do ông Yukio Takahashi (sinh năm 1932, quốc tịch Antigua và Barbuda) đại diện. Công ty có trụ sở tại Hồng Kông, sau đổi tên thành Công ty TNHH Crystal Treasure. Ông Takahashi làm Giám đốc điều hành Crystal Treasure từ năm 2001.
Đầu năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế quyết định thoái vốn HGT nhưng không qua đấu giá công khai, thay vào đó chọn Bitexco và ký hợp đồng chuyển nhượng trọn lô cổ phần Nhà nước với giá 12,600 đồng/cp (tương đương khoảng 158 tỷ đồng), thấp hơn tới 60% so với mức giá bán khi cổ phần hóa năm 2007 là 32,500 đồng/cp.
Sau thương vụ, Bitexco nắm 70.53% vốn và giữ quyền chi phối doanh nghiệp sở hữu các khách sạn có vị trí đắc địa trên các khu “đất vàng” bên bờ sông Hương như khách sạn Saigon Morin, La Residence, Hương Giang, Trung tâm dịch vụ Festival…
Vị trí một số khách sạn của HGT sở hữu và liên doanh - Nguồn: Người viết tổng hợp |
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, ông Vũ Quang Hội nói việc Thanh tra Chính phủ rà soát lại các thủ tục chuyển giao vốn Nhà nước tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, đã kết luận các thủ tục chuyển giao này đúng theo quy định.
Ngay khi Bitexco trở thành công ty mẹ, ông Hội được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2016-2021. Ông Đinh Nhật Tân , ông Nguyễn Viết Tạo và ông Nguyễn Quốc Thành do Bitexco đề cử cũng trúng cử vào HĐQT nhiệm kỳ này. Ông Thành kiêm chức Tổng Giám đốc. Thành viên HĐQT còn lại là người của Crystal Treasure - ông Takahashi.
Mặc dù trở thành công ty mẹ, báo cáo năm 2016 của HGT cho thấy, Bitexco đã nhanh chóng chuyển nhượng 28.79% vốn cho Crystal Treasure, giảm sở hữu còn 41.74%. Doanh nghiệp có trụ sở tại Hồng Kông tăng vị thế lên 45.24%. Ngoài ra, danh sách cổ đông lớn xuất hiện thêm bà Lê Thị Ngọc Thủy nắm 7%.
Không lâu sau đó, người của Bitexco trong HĐQT HGT dần bị thay thế. Ông Tân bị miễn nhiệm năm 2017, người thay thế là ông Go Fujiyama (quốc tịch Nhật Bản). Đến năm 2018, ông Johnny Cheung Ching Fu (quốc tịch Trung Quốc) lên làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc thay ông Thành.
Trong năm 2019, Bitexco giảm sở hữu còn 9.11%, đồng thời xuất hiện 2 cổ đông lớn khác gồm Công ty TNHH Thạch Anh Trắng nắm 9.63% và Công ty TNHH Tấn Trường 20%.
Theo báo cáo năm 2019 của HGT , Bitexco đã xử lý 6.5 triệu cp, tương đương 32.63% vốn, do thực hiện hợp đồng thế chấp. Số cổ phần này được chuyển giao cho Crystal Treasure (3.76%); Công ty Tấn Trường (20%) và Công ty Thạch Anh Trắng (8.87%) với nội dung nhận xử lý cổ phần thế chấp.
Biến động cổ đông tại HGT năm 2019 - Nguồn: HGT |
Trong năm 2023, CTCP Đầu tư Tân Tiến là cái tên mới nhất trở thành cổ đông lớn của HGT sau nhiều đợt mua vào. Đây là doanh nghiệp có trụ sở tại tỉnh Bình Dương, do Crystal Treasure nắm 49% vốn.
Chỉ với tỷ lệ 0.75% trước ngày 22/5/2023, qua nhiều đợt mua vào để đầu tư, đến nay Đầu tư Tân Tiến đang nắm khoảng 7.45% vốn HGT . Bà Lê Thị Ngọc Thủy cũng không còn là cổ đông lớn trong giai đoạn này.
Đến cuối quý 1/2024, HGT còn giữ 32.3 tỷ đồng phải trả cho Nhà nước. Đây là số tiền đang bị hạn chế sử dụng, còn lại từ thương vụ chuyển nhượng cổ phần cho Bitexco, sẽ được chuyển trả khi có yêu cầu. Trước đó HGT đã chuyển trả số tiền 126 tỷ đồng theo yêu cầu của UBND tỉnh.
Tóm tắt biến động cổ đông HGT từ năm 2015 đến nay Nguồn: Người viết tổng hợp |
Cổ đông lớn khẩu chiến, Bitexco mất hết ghế trong HĐQT
Trước khi ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 chính thức diễn ra, trong danh sách Đoàn Chủ tịch được thông qua, 2 đại diện cuối cùng của Bitexco là ông Vũ Quang Hội và ông Nguyễn Viết Tạo cũng không còn, thay vào đó là Chủ tịch HĐQT Yukio Takahashi (thay ông Hội từ tháng 11/2018), Thành viên HĐQT Go Fujiyama , Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Johnny Cheung Ching Fu . 2 thành viên được bầu mới sau đó là Phó Tổng giám đốc Lê Bá Giang và ông Yoshida Tetsuya (quốc tịch Nhật Bản).
Ngoài ông Takahashi, những người nước ngoài còn lại đều không có mối liên hệ cũng như lợi ích liên quan đến thời điểm đó, ít nhất là theo các báo cáo công khai của doanh nghiệp. Riêng Thành viên BKS Fumiyo Okuda (quốc tịch Nhật Bản) là Giám đốc điều hành Crystal Treasure và sở hữu 1.75% vốn HGT .
Tại đại hội 2019, đã có ý kiến giữa những người đại diện Bitexco về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật cũng như điều chỉnh cổ phần sở hữu của Bitexco tại HGT . Tuy nhiên, các vấn đề này không liên quan đến nội dung chương trình nên đã không được đề cập cụ thể trong biên bản họp.
Ông Nguyễn Viết Tạo và ông Nguyễn Quốc Thành cũng lên tiếng tại đại hội nhưng không được nêu chi tiết, chỉ biết rằng ông Tạo phản đối việc mình bị miễn nhiệm chức danh Thành viên HĐQT và bản thân ông đã có văn bản gửi cho Chủ tịch, nhưng báo cáo không nêu rõ vị Chủ tịch nào. Vai trò quản lý vốn của ông Tạo tại công ty liên kết cũng bị thay bằng Tổng Giám đốc Johnny Fu.
Nội dung miễn nhiệm ông Hội và ông Tạo được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 - Nguồn: HGT |
Đại diện Công ty Thạch Anh Trắng, ông Phan Nhật Minh cho rằng, việc thay đổi người đại diện pháp luật đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Thừa Thiên - Huế chấp thuận, có nghĩa là đã hợp lệ và đúng quy định pháp luật. Còn việc chuyển nhượng cổ phần giữa Bitexco và Crystal Treasure không liên quan đến cuộc họp, do đó nên đợi kết quả phán quyết của tòa án.
Ông Johnny Fu cũng đồng ý về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật đã được Sở KH&ĐT tỉnh chấp thuận phù hợp với quy định của pháp luật. Tổng Giám đốc nói việc miễn nhiệm Thành viên HĐQT đối với Bitexco do các thành viên này không tuân thủ điều lệ, không tham gia họp trong thời gian 6 tháng liên tiếp. Còn vấn đề tranh chấp quyền sở hữu cổ phần HGT giữa Bitexco và Crystal Treasure là vấn đề riêng của 2 công ty nên sẽ được xử lý vào thời điểm khác.
Theo báo cáo BKS HGT năm 2019, Bitexco từng khiếu nại với Sở KH&ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế về việc nội dung đăng ký doanh nghiệp bị thay đổi, ban hành mà không được biểu quyết thông qua tại biên bản họp và về thông báo xử lý cổ phần thế chấp của Crystal Treasure mà không có hồ sơ chuyển nhượng cổ phần được ký bởi Bitexco và bên nhận chuyển nhượng, cũng như quyết định xử lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thật ra, người liên quan cuối cùng của Bitexco tại HGT là Trưởng BKS Hồ Minh Quốc (sinh năm 1989), đã rời HGT sau khi có đơn từ nhiệm vào cuối năm 2019. Ông Quốc làm Thành viên BKS Bitexco từ năm 2016.
Nguyên nhân sự ra đi này có lẽ cũng một phần bắt nguồn từ đại hội 2019, sau khi ông Quốc đọc báo cáo hoạt động của BKS và nói rằng nội dung đã được 2 thành viên thông qua, còn 1 thành viên không đồng ý. Ông Johnny Fu cho rằng ý kiến của ông Quốc chỉ mang tính cá nhân mà không đưa ra cơ sở pháp lý về việc biểu quyết và thông qua các nội dung được đề cập tại biên bản họp cũng như báo cáo của BKS đã trình bày tại đại hội.
Đến năm 2022, con trai ông Yukio Takahashi là Toshihiko Takahashi (sinh năm 1961, quốc tịch Nhật Bản) thay cha mình làm Chủ tịch kiêm người đại diện pháp luật, còn cựu Chủ tịch trở thành cố vấn cấp cao của HGT , được mời tham gia các phiên họp quan trọng và ĐHĐCĐ thường niên.
Kế hoạch thực hiện các dự án bị kéo dài nhiều năm
Ngoài khó khăn bất khả kháng do COVID-19, hoạt động kinh doanh của HGT còn gặp thách thức vì một số dự án không thể triển khai, dù được lên kế hoạch rất lâu. Chẳng hạn khu nghỉ dưỡng cao cấp NAMA Resort (trước đây là Aman Huế Resort) tại khu đất 85 Nguyễn Chí Diễu. Dự án có diện tích 6.3 ngàn m2, quy mô 20 phòng ngủ.
Phối cảnh dự án NAMA Resort - Nguồn: HGT |
Việc xây dựng một khu nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 6 sao được tính đến từ năm 2015. Khi đó, HGT cùng Bitexco thành lập liên doanh mang tên Công ty TNHH Đầu tư Du lịch Kinh Thành, vốn điều lệ 49 tỷ đồng, riêng HGT góp 35%. Kinh phí thực hiện dự án khoảng 205 tỷ đồng.
Đến nay, sau gần 10 năm, dự án vẫn chưa khởi công. Theo HGT , do vị trí đất dự án thuộc vùng 1 của di tích Kinh thành Huế nên việc ký hợp đồng thuê đất đang bị vướng bởi các văn bản pháp luật hiện hành. Công ty cho biết, vẫn đang chờ quy hoạch chung của tỉnh Thừa Thiên - Huế đang trình Thủ tướng phê duyệt và sau đó là quy hoạch phân khu chi tiết khu vực Kinh thành Huế do UBND tỉnh phê duyệt.
Tương tự, tham vọng mua toàn bộ vốn cổ phần tại Công ty TNHH Sài Gòn Morin Huế từ năm 2016 của HGT đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây là doanh nghiệp liên doanh giữa HGT với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH MTV ( Saigontourist ), mỗi bên nắm giữ 50% cổ phần. Nếu thành công, HGT sẽ sở hữu 100% khách sạn Sài Gòn Morin.
Nguyên nhân do Saigontourist là doanh nghiệp Nhà nước nên cần phải có ý kiến của Bộ Tài chính về việc thanh lý tài sản. Thông tin mới nhất cho thấy, HGT và Saigontourist đang trong quá trình trao đổi, đàm phán và nhiều khả năng một hợp đồng liên doanh mới sẽ được ký kết theo chỉ đạo của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khách sạn Sài Gòn Morin tại Huế - Nguồn: HGT |
https://vietstock.vn/2024/05/dat-vang-huong-giang-tourist-hau-bitexco-dang-ra-sao-737-1189670.htm