Những cái bẫy trên mạng bủa vây với nhiều hình thức, thủ đoạn tinh vi và phức tạp, luôn rình rập người dân nhẹ dạ, cả tin và cái kết là nhiều người mất hàng tỉ đồng mà không có cách nào đòi lại.
Hiện nay, những chiêu trò lừa đảo trên mạng ngày càng tinh vi với thủ đoạn khó lường. Bên cạnh các cách thức như giả danh cán bộ ngân hàng, công an... thì nhiều người cũng sập bẫy sau khi tham gia các khóa học online.
Từ khóa học online đến lừa đảo hàng tỉ đồng
Anh LVT (ngụ Tân Bình, TP.HCM) chia sẻ, khoảng tháng 9-2023, anh có tham gia khóa học đầu tư chứng khoán qua mạng. Sau đó, anh được một người xưng là trợ lý giảng viên lớp học thêm vào nhóm ■■■■ có tên “BNK – 154 Học Viện Chứng Khoán Cao Cấp (PCKT)”.
Mỗi buổi tối, người này gửi cho anh T đường link vào lớp học online. Đồng thời, hướng dẫn anh T mở tài khoản toàn năng BNK qua website bnkstock.com hoặc qua ứng dụng BKVN trên điện thoại để hướng dẫn thao tác giao dịch chứng khoán.
Đáng nói, các thông tin về mã chứng khoán, giá mua bán, tăng, giảm trên website và ứng dụng này đúng như thông tin trên sàn chứng khoán thật khiến anh T nhầm tưởng đây là sàn chứng khoán thật.
Sau đó, anh T được thêm vào một nhóm ■■■■ khác có khoảng 200 người. Các thành viên trong nhóm này thể hiện đầu tư rất thuần thục, hàng ngày liên tục mua bán chứng khoán, nạp, rút tiền, chốt lời nhằm lôi kéo các nhà đầu tư như anh T tin là thật.
Trang chứng khoán BNK khiến nhiều người bị lừa hàng tỉ đồng.
Với hàng loạt chiêu trò lôi kéo, dụ dỗ trong một thời gian dài, đến cuối tháng 10-2023, anh T bắt đầu tin tưởng và nạp tiền vào tài khoản chứng khoán BNK để đầu tư mua cổ phiếu.
Sau khi đầu tư có lãi, anh T thử rút một số tiền nhỏ về tài khoản thì các thao tác vẫn thực hiện bình thường.
Tuy nhiên, đến tháng 11-2023, khi anh T muốn bán toàn bộ cổ phiếu để rút khoảng 2,6 tỉ đồng về thì tài khoản bị đóng băng với lí do khách hàng tự bán cổ phiếu khi chưa đạt lợi nhuận làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quỹ và nhà đầu tư khác.
Lợi dụng tâm lý lo lắng, muốn sớm rút tiền về, các đối tượng đã dẫn dụ anh T nộp thêm tổng cộng hơn 2,2 tỉ đồng tiền phạt để mở phong tỏa tài khoản.
Tuy nhiên, đến khi tài khoản đã được mở thì anh T vẫn không thể rút tiền được. Tổng số tiền gốc ban đầu và tiền “nộp phạt” sau đó của anh T lên đến hơn 5,5 tỉ đồng. Toàn bộ số tiền này đều đã bị các đối tượng chiếm đoạt.
Anh T sau đó đã trình báo các cơ quan chức năng về vụ việc trên. Vụ việc vẫn chưa được giải quyết nhưng anh T đã mất hàng tỉ đồng, trong đó là toàn bộ tiền tiết kiệm, vay mượn, cầm cố ô tô.
Chia sẻ thêm với PV, anh T cho biết thủ đoạn của các đối tượng vô cùng tinh vi, thực hiện trong thời gian dài, các ứng dụng, trang web cập nhật thông tin như các sàn chứng khoán thật khiến anh bị lừa dù là người có kinh nghiệm đầu tư từ trước.
Theo thông tin PV có được, ngoài anh T còn có khoảng hơn 10 người khác cùng bị lừa đảo với thủ đoạn tương tự, mang tên chứng khoán BNK.
Lừa đảo nối tiếp lừa đảo
Lợi dụng tâm lý hoang mang, mong muốn được lấy lại tiền của các nạn nhân, hàng loạt hội nhóm, trang facebook mang tên “Lấy lại tiền bị lừa qua mạng” ra đời.
Hàng loạt trang "hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo" ra đời.
Thế nhưng, sự thật là chẳng có dịch vụ lấy lại tiền nào cả, mà đó chỉ là cái bẫy tiếp theo đã chờ các nạn nhân, vốn đã khổ sở khi đã bị lừa mất một số tiền lớn.
Trong vai một nạn nhân đang bị lừa số tiền số tiền hơn 700 triệu đồng, PV liên hệ với một tài khoản facebook tên M.T, tự giới thiệu là người có thể giúp lấy lại số tiền bị lừa đảo.
Người này yêu cầu cung cấp các thông tin như số điện thoại, số tiền bị lừa, nộp vào kênh nào… để có thể giúp kiểm tra trên hệ thống của Bộ Tài chính.
Sau khi nhận các thông tin, tài khoản này gửi một ảnh chụp màn hình một trang website giả mạo Bộ Tài chính với đầy đủ thông tin mà nạn nhân cung cấp, gồm tên, số điện thoại, số tiền đang bị giam lại và lí do.
Dù tất cả thông tin mà PV cung cấp là không có thật nhưng bằng thủ thuật chỉnh sửa ảnh cơ bản, tài khoản này vẫn cho ra kết quả kiểm tra.
Dù thông tin PV cung cấp không có thật, đối tượng lừa đảo vẫn có thể "kiểm tra" ra.
Đồng thời, người này yêu cầu chuyển khoản số tiền 6,3 triệu đồng tiền phí mở phong tỏa tài khoản và rút tiền về. Khi thấy PV chần chừ với lí do chưa gom đủ tiền, người này nhanh chóng giảm giá xuống còn 5 triệu và yêu cầu chuyển trong vòng 2 tiếng nếu không sẽ hủy lệnh rút tiền.
Có thể thấy, những chiếc bẫy lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi và bủa vây với nhiều hình thức. Chỉ chờ nạn nhân sơ suất cùng tâm lý hoang mang, các đối tượng nhanh chóng tiếp cận và thực hiện hành vi lừa đảo.
AN BÌNH
https://plo.vn/dau-tu-chung-khoan-qua-mang-mat-trang-55-ti-tien-tiet-kiem-cam-xe-post790754.html