Doanh nghiệp vật liệu xây dựng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc kích thích đầu tư công, đặc biệt là các công ty sản xuất nhựa đường, thép và khai thác đá.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đầu tư công đang được thúc đẩy, dự án hạ tầng giao thông trọng điểm và nhà ở xã hội triển khai đồng bộ sẽ tạo ra lực đẩy cho thị trường bất động sản. Từ đây, doanh nghiệp vật liệu xây dựng được cho là sẽ hưởng lợi từ việc kích thích đầu tư công, đặc biệt là các công ty sản xuất nhựa đường, thép và khai thác đá.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Guotai Junan (Việt Nam), trong cơ cấu chi phí hạ tầng giao thông, chi phí sử dụng nhựa đường chiếm khoảng 35%, thép xây dựng chiếm 30%, xi măng và đá xây dựng đều khoảng 15%.
Phần còn lại là đất đắp và các chi phí khác, tính dựa trên quy định về chi phí dự phòng xây dựng theo Thông tư 09/2019/TT-BXD hướng dẫn về xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành và cơ cấu chi phí của các dự án cao tốc đã được triển khai trong giai đoạn 2015-2018.
Năm nay là một năm quan trọng để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2021 - 2025 và cũng bắt đầu xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ có thêm 6 sân bay vào năm 2030 và đến năm 2050 sẽ có tổng cộng 31 sân bay.
Quá trình ký kết hợp đồng dự án đã được đẩy nhanh, việc khai thác mỏ đất và đá mới đã được cấp phép..."Chúng tôi kỳ vọng các doanh nghiệp trong ngành như nhựa đường, thép, đá và xi măng sẽ hưởng lợi từ xu hướng này", chuyên gia từ Chứng khoán Guotai Junan nêu quan điểm.
Các doanh nghiệp sản xuất nhựa đường tại Việt Nam bao gồm: Tổng Công ty Hóa dầu Petrolimex (mã chứng khoán: PLC), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cung ứng Nhựa đường (ADCo), Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại quốc tế (ICT). Trong số đó, PLC là doanh nghiệp duy nhất được niêm yết trên sàn chứng khoán và chiếm khoảng 30% thị phần nhựa đường.
Trong cơ cấu doanh thu của Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex, mảng nhựa đường chiếm phần lớn và có xu hướng tăng trong năm 2022 và 2023, tương ứng 48% doanh thu cả năm.
Giai đoạn 2023- 2025 được dự báo là thời kỳ tăng trưởng cao của sản phẩm nhựa đường do tiến độ xây dựng và giải ngân vốn của các dự án giao thông chính được đẩy nhanh. Nhiều tuyến đường cao tốc sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian 30/4 - 1/5 và 2/9.
Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex sở hữu 7 nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa đường đồng bộ được phân bố rộng rãi trên khắp cả nước với một nhà máy cách nhau 300km. Do đó, công ty đang có cơ hội trên phục hồi doanh thu trong năm nay về lại mức cao như trong năm 2022, các chuyên gia phân tích nhìn nhận.
Về lĩnh vực đá xây dựng, các doanh nghiệp khai thác đá hàng đầu tại Việt Nam bao gồm Công ty cổ phần Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (mã chứng khoán: KSB), Công ty cổ phần Hóa An (mã chứng khoán: DHA) và Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa (mã chứng khoán: VLB). Những doanh nghiệp này có lợi thế khi sở hữu các mỏ đá quan trọng gần các dự án hạ tầng trọng điểm như: sân bay Long Thành và đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh.
Bộ Giao thông Vận tải ước tính nhu cầu đối với đá xây dựng trong giai đoạn 2023- 2025 là khoảng 21,5 triệu m3. Cụ thể hơn, dự án sân bay Long Thành và đường Vành đai 3 Tp. Hồ Chí Minh dự kiến sử dụng lần lượt khoảng 2,04 triệu m3 và 5,2 triệu m3 đá xây dựng.
Đá xây dựng là mặt hàng có giá trị thấp trên mỗi đơn vị thể tích sản phẩm, điều này dẫn đến chi phí vận chuyển chiếm tỷ trọng lớn trong giá bán. Do đó, các nhà thầu xây dựng sẽ ưu tiên mua đá từ các mỏ đá gần dự án để tối ưu hóa chi phí vận chuyển.
Điểm qua các mỏ đá xây dựng trọng điểm ở Việt Nam, đầu tiên phải kể đến mỏ đá Tân Cang - nguồn cung chính cho dự án sân bay Long Thành, đường Vành đai 3 và một số dự án khác.
Tiếp theo là mỏ đá Thạnh Phú - nguồn cung chính cho khu vực Tây Nam bộ với các dự án lớn như cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau. Hiện tại, hai mỏ đá trên đều được khai thác bởi Công ty cổ phần Xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Biên Hòa và Công ty cổ phần Hóa An. Đây cũng là hai doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh hàng đầu trong ngành khai thác đá.
Đối với ngành thép, Hiệp hội Thép Thế giới dự báo nhu cầu thép sẽ tăng 1,9% lên 1.849,1 triệu tấn vào năm 2024. Xuất khẩu mạnh mẽ của Trung Quốc có khả năng duy trì do nguyên liệu của Trung Quốc có giá cạnh tranh, sản lượng thép tăng nhưng nhu cầu nhà mới ở bất động sản trong nước chậm lại.
Nhu cầu thép của ASEAN dự kiến tăng 5,2%. Sản lượng xuất khẩu cũng sẽ cải thiện trong quý I/2024 do chênh lệch giá thép tại Bắc Mỹ, châu Âu và giá thép tại Việt Nam ngày càng chênh lệch.
Có một số cơ sở sản xuất thép mới sẽ đi vào hoạt động ở Đông Nam Á và Ấn Độ. Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh nhiều hơn về nguồn cung nội địa tại các thị trường này. Các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, bao gồm cả Việt Nam, được kỳ vọng sẽ có khả năng phục hồi tăng trưởng nhu cầu.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG), ông Trần Đình Long Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn cho biết: Hòa Phát đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu và 2.869 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong quý I/2024. Con số lợi nhuận này tương đương đạt 28,7% kế hoạch năm. Lĩnh vực sản xuất gang thép và sản phẩm thép đóng góp khoảng 90% kết quả này.
Ông Trần Đình Long đánh giá: Quý I/2024, hoạt động kinh doanh tương đối tốt. Sản lượng bán hàng của tập đoàn tăng so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, nguyên nhiên liệu tồn kho giá cao đã được sử dụng hết, mặc dù có thể thiệt hại một chút nhưng sẽ tích cực cho các quý sau. "Chưa bao giờ tập đoàn có lượng tồn kho xuống thấp như hiện nay", ông Long nói.
Thực tế cho thấy, năm 2024, ngành vật liệu xây dựng đặt nhiều kỳ vọng vào những nỗ lực thúc đẩy đầu tư công. Theo Tổng Cục Thống kê, quý I/2024, vốn đầu tư ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 13,9% kế hoạch vốn năm 2024, tăng 3,7% so với quý I/2023. Con số này đã thể hiện sự chuyển biến tích cực trong việc đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những tháng đầu năm 2024.
Trong ngắn và trung hạn, khi vốn đầu tư công đi vào thực hiện sẽ tác động trực tiếp đến nhiều nhóm ngành; trong đó, nhóm vật liệu xây dựng có thể hưởng lợi trực tiếp. Theo tính toán từ bảng IO của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công tăng 1% sẽ làm GDP tăng khoảng 0,08%.
https://bnews.vn/dau-tu-cong-kich-cau-cho-vat-lieu-xay-dung/331733.html