GDP 9T/2024 Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng đạt 6,82%, trong đó mảng khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ nhất đạt 8,19% đóng góp 46,22%. Đầu tư công được xem là một trong những động lực quan trọng giúp thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng. Xét lũy kế 9 tháng đầu năm, giải ngân đầu tư công ước đạt 320.566 tỷ đồng, hoàn thành 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. So với cùng kỳ năm trước, tỷ lệ giải ngân và giá trị giải ngân đầu tư công 9 tháng đầu năm có phần thấp hơn.
Hiện trạng thực tế
Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Công điện số 104/CĐ-TTg nhằm đôn đốc đẩy mạnh vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024. Quỹ đầu tư kỳ vọng giải ngân đầu tư công sẽ được triển khai mạnh mẽ trong những tháng tháng cuối năm 2024, trong đó nhóm cổ phiếu thuộc ngành xây dựng và khu công nghiệp sẽ đượchưởng lợi nhờ việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng.
Căn cứ theo Quyết định số 1603/QĐ-TTg, kế hoạch đầu tư công của năm 2024 là 657.349 tỷ đồng (giảm 14% so với kế hoạch vốn năm 2023), tỷ lệ giải ngân năm 2024 theo kế hoạch dự kiến đạt 95%. Căn cứ theo nghị quyết số 29/2021/QH15, với tổng kế hoạch cho giai đoạn 2021 – 2025 là 2.870 triệu tỷ đồng, ước tính kế hoạch giải ngân trong năm 2025 sẽ ở mức tương đương với 2024. Theo đó, năm 2024 được xem là năm đẩy mạnh xây dựng các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khi các dự án hạ tầng quan trọng như cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2, đường Vành đai 3, đường Vành đai 4 và dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1 đã hoàn tất việc đấu thầu và đã tiến hành khởi công từ nửa cuối năm 2023.
Vướng mắc có thể gặp
Tuy nhiên, mặc dù nhận được nhiều thông tin hỗ trợ, thúc đẩy giải ngân từ phía Chính phủ, nhóm mã ngành Đầu tư Công cũng đang bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, điển hình như:
- Đây là nhóm ngành được đánh giá thấp nhất về hiệu quả sử dụng vốn, nên chưa có sức hút đối với nhà đầu tư. Điều này thể hiện rõ rệt từ công tác giải phóng mặt bẳng và giải ngân vốn ở một số dự án. Công tác giải phóng mặt bằng ở một số dự án bị chậm do vấn đề bồi thường, nhiều dự án đối mặt với nguy cơ giá vốn bị đẩy lên cao so với giá dự toán do tiền bồi thường không còn như trước. Ngoài ra, thời điểm cuối năm 2023, nhiều dự án bị tồn đọng hồ sơ đến nay chưa được giải quyết. Vấn đề thanh, kiểm tra các dự án thời gian qua cũng ảnh hưởng đến việc triển khai dự án, vì chủ đầu tư thận trọng hơn.
- Đặc thù của doanh nghiệp nhóm ngành này là đòn bẩy tài chính lớn, thực hiện các dự án giải ngân vốn chậm dẫn đến chi phí tài chính cao, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp.
Kỳ vọng cuối năm
Hiện tại, cổ phiếu đầu tư công được nhận định sẽ dần đi vào thế uptrend trong giai đoạn cuối năm, đặc biệt khi nhiều dự án lớn đang được thúc đẩy giải ngân.
Thực tế cho thấy, nhiều dự án đầu tư công trên cả nước đang có chuyển biến rõ rệt. Chẳng hạn, một loạt dự án thành phần thuộc dự án Cao tốc Bắc - Nam phía Đông (giai đoạn 2) có tỷ lệ giải ngân đạt 56%, nổi bật là Cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi đạt 89% và Cao tốc Vũng Áng - Bùng đạt 87%.
Đối với dự án Sân bay Long Thành, UBND tỉnh Đồng Nai đã hoàn thành bàn giao, giải phóng 99% kế hoạch, tiến độ thi công gói thầu thi công nhà ga hành khách ước tính đạt hơn 30%. Hầu hết các gói thầu đều đang được đẩy mạnh triển khai, theo sát mục tiêu đi vào vận hành giai đoạn 1 từ năm 2026 (trong kịch bản tích cực, Thủ tướng Chính phủ đề xuất hoàn thành các hạng mục lớn của dự án trong năm 2025).
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (MCK: ACV) đã huy động đủ 4,23 tỷ USD để đầu tư dự án thành phần 3 (giai đoạn 1) Sân bay Long Thành, trong đó vốn tự có là 2,43 tỷ USD và vay thương mại tại các ngân hàng thương mại là 1,8 tỷ USD. ACV và các nhà thầu được đánh giá cao khi nỗ lực thi công không quản ngày đêm trên công trường để đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Giao thông Đèo Cả được kỳ vọng sẽ duy trì mức tăng trưởng cao trong năm 2024 - 2025 nhờ sở hữu 3 trạm thu phí được chấp thuận tăng giá vé. Lưu lượng xe qua trạm cải thiện nhờ hoàn thiện cơ bản các dự án hạ tầng đường bộ và các gói thầu hạ tầng giao thông lớn bước vào giai đoạn thi công hạng mục chính.
Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - MCK: VCG) cũng có động lực tăng trưởng dài hạn, nhất là khi có giá trị backlog thuộc nhóm lớn nhất trong ngành xây dựng. Trong quý III/2024, liên danh của Vinaconex trúng gói thầu 4.7 trị giá 6.300 tỷ đồng và gói thầu 4.8 trị giá hơn 11.000 tỷ đồng nằm trong khuôn khổ dự án Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đặc biệt, Chính phủ đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, giúp thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm mà Vinaconex tham gia như Cao tốc Bắc - Nam, Sân bay Long Thành, kỳ vọng doanh nghiệp sẽ sớm ghi nhận doanh thu khi các dự án đang bước vào giai đoạn thi công hạng mục chính. Với khối lượng công việc dồi dào và tiềm năng trúng thầu mới các dự án trong những năm tới, mảng xây dựng vẫn được kỳ vọng là phân khúc đóng góp doanh thu chính và động lực tăng trưởng lợi nhuận cho Vinaconex.