Đầu tư công - Yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP năm 2025

, , , , ,

Năm 2025 là năm cuối của kế hoạch đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025, vì thế đây sẽ là năm được dự báo đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chính phủ đã đề xuất kế hoạch đầu tư công với tổng vốn hơn 790.000 tỷ đồng (tương đương 6.4% GDP). Khoản ngân sách này sẽ giúp đẩy mạnh thi công các công trình trọng điểm như tuyến cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2, sân bay quốc tế Long Thành và tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc Nam.

Về tình hình giải ngân đầu tư công trong năm 2024, tính đến tháng 11/2024 giải ngân được 459.900 tỷ đồng, hoàn thành 64.3% kế hoạch. Trong đó, các dự án ngành giao thông vận tải đã giải ngân được 62.700 tỷ đồng, đạt 85.6% kế hoạch.

Tình trạng giải ngân chậm vốn đầu tư công trong năm 2024 đã được nhận diện là một trong những vấn đề lớn làm giảm hiệu quả của chính sách tài chính và đầu tư. Một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này có thể kể đến: (1) Thủ tục hành chính phức tạp dẫn đến quy trình phê duyệt dự án chậm; Quy định pháp luật chồng chéo nhau, chưa đồng bộ gây khó khăn cho việc triển khai. (2) Vướng mắc trong giải phóng mặt bằng như tranh chấp đất đai, chậm định giá và chi trả bồi thường. (3) Thiếu hụt nguyên vật liệu và lao động. (4) Năng lực của nhà thầu và chủ đầu tư yếu kém dẫn đến triển khai dự án không hiệu quả và chậm tiến độ. (5) Thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan và công tác giám sát chưa hiệu quả. (6) Ảnh hưởng từ điều kiện kinh tế vĩ mô như tăng trưởng kinh tế chậm, thắt chặt tài chính công…

Tuy nhiên, ý kiến của nhiều chuyên gia cho rằng dư địa để đẩy mạnh đầu tư công vẫn còn nhiều. Bức tranh về ngân sách Nhà nước và nợ công của Việt Nam hiện đang ở trạng thái rất tích cực, từ đó tạo nhiều dư địa cho việc gia tăng thêm nợ vay của Chính phủ và thúc đẩy chi tiêu đầu tư công.

Năm 2025 được coi là thời điểm “tăng tốc và bứt phá” để đạt mục tiêu cả nhiệm kỳ 2021-2025. Do đó, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn 8% hoặc 10% trong điều kiện thuận lợi, tạo đà tăng trưởng hai chữ số cho giai đoạn tiếp theo. Do vậy, yếu tố then chốt để đạt được kế hoạch tăng trưởng GDP này phần lớn sẽ đến từ các hoạt động giải ngân đầu tư công đầy tham vọng.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành các biện pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, bao gồm việc triển khai các luật mới như Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.

Việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2025 sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho nhiều nhóm doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành liên quan đến xây dựng hạ tầng, cung ứng vật liệu và thiết bị. Đối với các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng, nhu cầu về thi công các dự án đường bộ, đường sắt, sân bay và các công trình công cộng sẽ tăng cao, đơn cử là HHV có lợi thế lớn tham gia các dự án đường cao tốc, CTD & HBC lợi thế trong xây dựng các công trình lớn, VGC có kinh nghiệm triển khai nhiều dự án hạ tầng trọng điểm. Doanh nghiệp chuỗi cung ứng vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi từ gia tăng nhu cầu về xi măng, thép, cát, đá và vật liệu khác. Trong đó, có HPG với lợi thế là nhà sản xuất thép lớn nhất Việt Nam, HT1 và BCC đứng đầu thị phần về cung ứng xi măng.

Ngoài ra, một số ngành nghề gián tiếp được hưởng lợi khi hạ tầng giao thông được cải thiện, nâng cấp. Đơn cử là nhóm doanh nghiệp bất động sản khu công nghiệp (KBC, BCM, SZC,…); Doanh nghiệp logistic và vận tải (GMD, VTP). Nhóm ngành ngân hàng và tài chính cũng sẽ hưởng lợi khi nguồn vốn đầu tư công tăng lên sẽ kéo theo nhu cầu vay vốn, giải ngân tín dụng, và thanh toán (BID, VCB, PVI).

1 Likes

nhóm đầu tư công thì có cổ nào triển vọng vậy ad

1 Likes

thời điểm này Ad sẽ ưu tiên lựa chọn VCG, CTD, HPG ạ.
Đây là 3 doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực chính của mình và có uy tín trong ngành
Định giá hấp dẫn, nền hỗ trợ tốt