Dù năm 2025 ngành xây dựng sẽ khá tích cực, nhưng cơ hội sẽ không dành cho tất cả doanh nghiệp.
Năm 2025 ngành xây lắp tăng tốc, nhiều doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng 2 chữ số
Tại họp báo quý IV mới đây, Bộ Xây dựng có báo cáo, tăng trưởng GDP ngành Xây dựng năm 2024 ước tính đạt từ 7,8% đến 8,2%. Mức tăng này tuy cao hơn so với bình quân 5 năm qua, song vẫn thấp hơn so với lúc trước dịch. Phản ánh xu hướng ngành xây lắp đã có dấu hiệu phục hồi, nhưng chưa phát huy tối ưu các tiềm năng.
Tuy nhiên, ngay trong năm 2025, ngành có thể chứng kiến sự bứt phá. Điều này là bởi 3 động lực 1) Đầu tư công được đẩy mạnh; 2) Dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh; 3) lĩnh vực bất động sản dân dụng bắt đầu hồi phục. Bên cạnh đó, mục tiêu của thủ tướng chính phủ từ năm 2025 phấn đấu tăng trưởng GDP cả nước được 2 con số. Trên cơ sở này, cùng với dự báo thận trọng, trong năm 2025, tốc độ tăng trưởng của ngành xây lắp có thể sẽ về mức bình quân trước dịch (9.6%). Nhiều doanh nghiệp có thể ghi nhận tăng trưởng 2 con số.
Đầu tư công dẫn đầu con sóng – 3 doanh nghiệp sẽ có cơ hội
Chủ trương xuyên suốt trong giai đoạn 2025-2026 của Chính Phủ là tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công. Trong đó, dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 với mục tiêu nâng tổng số km cao tốc cả nước lên 3,000km trong năm 2025 sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Hiện tại, nhà nước đang trong đợt tái cơ cấu bộ máy lớn, theo mục tiêu là đến tháng 2 các cơ quan ban ngành sẽ hoàn thiện việc tinh gọn. Dự kiến sau khoản thời gian này các cơ chế chính sách có thể sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, tính đến cuối năm 2024, sản lượng thực hiện các dự án khoảng 58.721 tỷ đồng đạt 60,8% giá trị hợp đồng, đến năm 2025 đa số các dự án đang ở cuối kỳ của dự án Xây lắp (Giai đoạn lát nền), và ở cuối chu kỳ Kế hoạch Đầu tư công trung hạn năm 2021 -2025.
Điều này đồng nghĩa với việc các hạng mục sẽ được nghiệm thu và thanh toán trong năm 2025, đây cũng đồng thời điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp xây lắp, đặc biệt là những doanh nghiệp tham gia sâu và rộng và hệ thống cao tốc Bắc Nam. Như CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (HoSE: HHV); CTCP Lizen (HoSE: LCG); CTCP Tập đoàn CIENCO4 (UPCoM: C4G)
2 doanh nghiệp đáng chú ý để đón sóng xây lắp công nghiệp
Bên cạnh nhóm xây lắp hạ tầng, các doanh nghiệp xây lắp lĩnh vực công nghiệp cũng rất đáng chú ý. Bởi Theo số liệu Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, tháng 11 tổng vốn đăng ký mới của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng. Lũy kế 11 tháng, chỉ tiêu này đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Về vốn thực hiện, tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức kỷ lục từ trước đến nay.
Đây là điểm sáng trong kinh tế năm 2024 và thời gian tới. Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho FDI trong dài hạn nhờ các lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động tương đối thấp, lực lượng lao động trẻ và ngày càng có trình độ cao, cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh đang được cải thiện, cùng với mạng lưới các hiệp định thương mại tự do (FTA) đa dạng và quỹ đất rộng rãi để phục vụ các nhà đầu tư FDI quy mô lớn. Do đó, mảng xây dựng công nghiệp có tiềm năng hưởng lợi từ dòng vốn FDI mạnh mẽ khi nhu cầu đối với nhà máy và kho bãi ngày càng tăng.
Ngoài ra, các chủ đầu tư KCN hiện có xu hướng đầu tư nhiều hơn vào nhà kho và hệ thống nhà kho cho thuê tại các KCN thay vì chỉ cho thuê đất, tạo ra khối lượng backlog xây dựng lớn cho các nhà thầu trong nước. Theo CBRE, nguồn cung nhà xưởng xây sẵn (NXXS) và nhà kho xây sẵn (NKXS) tăng trưởng hơn 20%/năm tại miền Bắc và 18-49%/năm tại miền Nam trong giai đoạn 2019-2023. Theo Cushman & Wakefield, trong quý 2/2024, diện tích hấp thụ mới của NXXS và NKXS lần lượt đạt 42,4 ha (+225,4% YoY) và 18,2 ha (+371,4% YoY).
Điều này sẽ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp có thể thi công quy mô lớn như Coteccon (HoSE: CTD) và những doanh nghiệp có các ưu thế riêng về công nghệ, cùng bề dày kinh nghiệm, khả năng ứng dụng các công nghệ cao vào hệ thống kho bãi hạ tầng công nghiệp, kho lạnh công nghiệp, mức độ hoàn thiện chuỗi giá trị xây lắp công nghiệp cao như Searefico (HoSE: SRF).
Nhóm xây dựng dân dụng có phục hồi nhưng chưa rõ nét
Dù Các số liệu từ Bộ Xây Dựng, trong năm 2024 thị trường bất động sản đã ghi nhận 3 quý có số lượng giao dịch các loại sản phẩm chung cư, căn hộ, đất nền tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Nhưng số lượng sản phẩm mới được cung ứng ra thị trường vẫn còn ít.
Dù đã có Luật Bất Động Sản mới cũng đã giúp thanh lọc thị trường, giữ lại những nhà phát triển có đủ năng lực về pháp lý và tài chính. Qua đó, giúp những doanh nghiệp xây lắp trong mảng dân dụng được đảm bảo khả năng thanh toán tốt hơn, nhưng các địa phương lại đang gặp vướng mắc ở khâu chốt được bảng giá đất.
Điều này khiến cho không ít dự án tuy có được giấy phép xây dựng, nhưng khó có thể hoàn thành các thủ tục mở bán. Qua đó, khiến các chủ đầu tư chưa dám đẩy mạnh việc đầu tư để xây thêm các công trình mới, dẫn đến nhóm xây lắp dân dụng vẫn còn tương đối chật vật.
Đón cơ hội ở ngành xây lắp thế nào?
Nhìn chung, bức tranh ngành xây lắp năm 2025 sẽ vẫn sáng. Trong đó, điểm nhấn nằm ở 2 khối doanh nghiệp đầu tư công và xây lắp công nghiệp.
Với nhóm đầu tư công: Động lực chính sẽ chủ yếu đến từ việc 1) thúc đẩy giai đoạn 2 cao tốc Bắc Nam; 2) các vướng mắc pháp lý được khơi thông; 3) 2025 là thời gian hoàn thành của nhiều công trình trọng điểm, cũng là điểm rơi lợi nhuận của các doanh nghiệp. Trong đó các doanh nghiệp đáng chú ý là những đơn vị có phần lớn backlog nằm ở tuyến cao tốc Bắc Nam. Trong đó có 3 mã cổ phiếu đáng chú ý là C4G, LCG, HHV.
Với nhóm xây dựng công nghiệp: Động lực chính chủ yếu là đến từ FDI và hiện tại thị trường vẫn còn thiếu các sản phẩm bất động sản công nghiệp công nghệ cao. Trong đó, 2 cổ phiếu đáng chú ý là CTD bởi khả năng thi công quy mô lớn; SRF bởi khả năng đặc thù trong việc có thể thi công lắp đặt các hệ thống công nghiệp công nghệ cao trong các sản phẩm bất động sản khu công nghiệp.
Với nhóm doanh nghiệp xây lắp dân dụng, tình hình chỉ mới được vơi bớt những khó khăn, vẫn còn phải chờ thêm thời gian theo dõi.