Đây là tất cả những gì có thể mong đợi từ cuộc họp chính sách của Fed

Fed đang mắc kẹt với lạm phát cao và những bình luận gần đây từ quan chức Fed cho thấy họ không thể làm gì vào thời điểm này.

Đây là tất cả những gì có thể mong đợi từ cuộc họp chính sách của Fed- Ảnh 1.

Các thị trường nhìn chung hoàn toàn xác định Ủy ban Thị trường mở Liên bang của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FOMC) sẽ không công bố bất cứ sự thay đổi chính sách lãi suất nào trong kỳ họp này, thay vào đó sẽ giữ nguyên lãi suất trong vài tháng, thậm chí lâu hơn nữa.

Fed gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên mức lãi suất tham chiếu qua đêm ở mức 5,25% -5,5%  khi kết thúc cuộc họp chính sách vào thứ Tư (rạng sáng 2/5 theo giờ Việt Nam) do mắc kẹt trong tình trạng lạm phát dai dẳng ở mức cao.

Ngày càng có nhiều quan chức Fed nhận thấy khó có thể trở lại mức lãi suất cực thấp đã từng phổ biến trước đại dịch Covid-19, do mọi thứ - từ thâm hụt ngân sách liên bang đến nhu cầu đầu tư vào năng lượng xanh, trí tuệ nhân tại, sản xuất trong nước…. ngày càng tăng cao.

Những bình luận gần đây từ các nhà hoạch định chính sách cũng như các nhà phân tích Phố Wall đều cho thấy FOMC không thể làm gì khác vào thời điểm này.

Guy LeBas, chiến lược gia trưởng của Janney Montgomery Scott, cho biết: “Hầu hết mọi thành viên FOMC đều đang nói về cùng một kịch bản, chỉ có một hoặc 2 trường hợp ngoại lệ”. “Các nhà hoạch định chính sách của Fed hầu như đều nhất trí rằng dữ liệu lạm phát trong vài tháng qua quá nóng để có thể biện minh cho hành động trong thời gian tới. Nhưng họ vẫn hy vọng sẽ có thể cắt giảm lãi suất về sau này.”

Theo các quan sát viên thị trường, thông tin duy nhất về sự thay đổi có thể nhận được từ cuộc họp kỳ này là thông báo rằng Fed sẽ sớm giảm mức nắm giữ trái phiếu trên bảng cân đối kế toán trước khi chấm dứt quá trình được gọi là “thắt chặt định lượng - QT”. Ngoại trừ điều đó, Fed sẽ thông báo rằng họ chưa sẵn sàng thay đổi chính sách vào lúc này.

Sự thiếu tự tin

Các quan chức Fed, từ Chủ tịch Jerome Powell cho đến các chủ tịch ngân hàng khu vực của Fed, đều bày tỏ sự không muốn bắt đầu cắt giảm lãi suất cho đến khi họ tin tưởng chắc chắn hơn rằng lạm phát đang đi đúng hướng và sẽ quay trở lại mục tiêu 2%.

Cách đây hai tuần, ông Powell đã khiến thị trường ngạc nhiên với bài phát biểu gay gắt về mức độ cam kết của ông và các đồng nghiệp để đạt được mục tiêu đó.

Tại một hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, ông Powell phát biểu: “Chúng tôi đã nói tại FOMC rằng chúng tôi cần có niềm tin chắc chắn hơn rằng lạm phát đang tiến triển bền vững ở mức 2% trước khi nới lỏng chính sách”. “Dữ liệu gần đây rõ ràng không giúp cho chúng tôi sự tự tin hơn, mà thay vào đó cho thấy rằng có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn dự kiến để đạt được sự tự tin đó”.

Những dữ liệu kinh tế Mỹ gần đây càng ủng hộ quan điểm của ông Powell và các đồng nghiệp của ông. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân công bố tuần trước cho thấy lạm phát tổng thể tháng 3/2024 ở mức 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lạm phát lõi (không bao gồm thực phẩm và năng lượng) tăng 2,8%. Các quan chức Fed coi lạm phát là cơ sở quan trọng để quyết định chính sách, trong đó họ tập trung nhiều hơn vào lạm phát lõi - như một chỉ báo tốt hơn về xu hướng giá cả dài hạn.

Thêm một bằng chứng nữa cho thấy nhận định của ông Powell có lý khi Bộ Lao động Mỹ hôm thứ Ba vừa qua cho biết chỉ số chi phí việc làm (được coi là thước đo toàn diện về chi phí lao động) của Mỹ trong quý I/2024 đã tăng 1,2%, cao hơn 0,3 điểm phần trăm so với quý liền trước và cũng cao hơn so với mức 1% mà các nhà phân tích Phố Wall dự kiến.

Không có con số nào trong số những dữ liệu trên phù hợp với mục tiêu của Fed và có thể sẽ khiến ông Powell từ nay càng phải thận trọng hơn khi phát biểu về quan điểm chính sách.

Thị trường thực sự đã tăng trưởng khá tốt kể từ khi ông Powell đưa ra những bình luận tại Hội nghị mùa Xuân của lãnh đạo các ngân hàng trung ương, vào ngày 16/4/2024. Chỉ số công nghiệp trung bình Dow Jones thậm chí còn tăng trong khoảng thời gian đó khi các nhà đầu tư dường như sẵn sàng chấp nhận viễn cảnh lãi suất duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn so với các dự tính trước đây. Đồng USD cũng mạnh lên, Dollar index ngày 1/5 đạt 106,49, cao nhất kể từ tháng 11/2023.

Giảm lãi suất 1 lần trong năm 2024

Theo công cụ FedWatch của CME, dự kiến khoảng 50% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất lần đầu tiên vào tháng 9/2024, và đến cuối năm 2024 cũng chỉ giảm tổng cộng 1/4 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích Phố Wall vẫn hy vọng rằng dữ liệu lạm phát sẽ cho thấy tiến triển tốt và phép ngân hàng trung ương Mỹ cắt giảm lãi suất nhiều hơn 1 lần trong năm nay.

Chuyên gia kinh tế David Mericle của Goldman Sachs cho biết: “Mặc dù bất ngờ về lạm phát tăng gần đây đã thu hẹp con đường để FOMC cắt giảm lãi suất trong năm nay song chúng tôi kỳ vọng các báo cáo lạm phát sắp tới sẽ nhẹ nhàng hơn và vẫn kỳ vọng lãi suất sẽ được cắt giảm lần đầu vào tháng 7/2024 và một lần nữa vào tháng 11/2024”.

Nhìn chung, các nhà kinh tế trên Phố Wall đều chuẩn bị cho khả năng Fed có thể trì hoãn việc hạ lãi suất lâu hơn nữa, đặc biệt nếu lạm phát tiếp tục tăng một cách bất ngờ. Ngoài ra, họ cũng dự kiến khả năng Chính phủ Mỹ sẽ tăng thuế sau cuộc bầu cử Tổng thống – biện pháp mà cựu Tổng thống Donald Trump, ứng cử viên Đảng Cộng hòa ưa chuộng – và điều đó có thể càng khiến lạm phát nóng thêm nữa.

Dự đoán về việc Fed giảm lãi suất.

Thắt chặt định lượng

Một thông tin mà Fed có thể sẽ đưa ra tại cuộc họp là thông báo liên quan đến bảng cân đối kế toán.

Ngân hàng trung ương Mỹ đã cho phép phát hành tới 95 tỷ USD trái phiếu Kho bạc đáo hạn và chứng khoán đảm bảo bằng thế chấp mỗi tháng, thay vì tái đầu tư số tiền thu được, từ đó làm giảm khoảng 1,5 nghìn tỷ USD trong tổng lượng tài sản Fed nắm giữ. Hành động này nhằm giảm thiểu căng thẳng thị trường và có khả năng cho phép giảm đáng kể hơn lượng nắm giữ. Hiện tại, lượng trái phiếu nắm giữ của Fed ở mức khoảng 7,5 nghìn tỷ USD.

Biên bản cuộc họp tháng 3 cho thấy Fed có thể tập trung giảm dần vào trái phiếu kho bạc, vì trái phiếu thế chấp đã hết hạn dưới mục tiêu hàng tháng 35 tỷ USD. Các nhà kinh tế của JP Morgan đã lưu ý rằng bước tiếp theo có khả năng là giảm một nửa giới hạn dòng chảy hàng tháng của Bộ Tài chính từ 60 tỷ USD xuống còn 30 tỷ USD.

Tham khảo: Cnbc

Vũ Ngọc Diệp

Nhịp sống Thị trường

https://cafef.vn/day-la-tat-ca-nhung-gi-co-the-mong-doi-tu-cuoc-hop-chinh-sach-cua-fed-188240501213936649.chn