ĐBQH: Tình trạng doanh nghiệp phải mua bảo hiểm, ngân hàng mới cho vay vốn

Theo ĐBQH Nguyễn Hải Nam, có tình trạng, hôm trước ngân hàng đồng ý giải ngân, nhưng hôm sau gợi ý doanh nghiệp mua thêm bảo hiểm, nếu không đồng ý thì gây khó khăn.

Ý kiến trên được nêu trong phiên thảo luận tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước 2023, khuôn khổ Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV diễn ra sáng 25/5.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên - Huế) dẫn chứng các đánh giá từ chuyên gia, cơ quan hữu quan, trong năm 2022 và đầu năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội nước ta khá khó khăn. Đơn cử, TP.HCM vốn là địa phương dẫn đầu cả nước nhưng hiện tăng trưởng GDP chỉ đạt 0,7%, trong khi tổng của cả nước vào khoảng 3,32%.

Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế như chính sách tiền tệ, tài khóa nhiều năm nay đã “gồng” hết sức, như chính sách tiền tệ đã cố gắng hạ mức lãi suất như thời gian qua. Thế nhưng khi tiếp xúc cử tri, đại biểu vẫn nhận thấy doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hải Nam (Đoàn Thừa Thiên - Huế).

Theo đại biểu Nguyễn Hải Nam, dù cơ quan quản lý cố gắng chỉ đạo hạ lãi suất nhưng với mức đó để doanh nghiệp vay được vốn vẫn rất khó. Mặt khác, hiện còn tồn tại nhiều vướng mắc về thủ tục vay vốn, các ngân hàng thương mại yêu cầu nhiều khoản phí, quy định nhỏ khác, như “gợi ý” mua thêm bảo hiểm.

“Có thể hôm trước nhân viên ngân hàng đã nhất trí giải ngân, nhưng hôm sau lại gợi ý doanh nghiệp mua thêm bảo hiểm, nếu doanh nghiệp không đồng ý thì gây khó khăn, không thể vay vốn”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu thực trạng.

Ông cũng chỉ rõ các vấn đề tồn tại liên quan nợ xấu; trái phiếu doanh nghiệp khó khăn, rủi ro cao, đã có tình trạng gây mất vốn của người dân dẫn đến gây bất ổn cho dòng vốn và kinh tế - xã hội. Cùng với đó, tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, chưa đạt khối lượng Quốc hội phê duyệt cũng như tiến độ.

Do đó, việc Chính phủ trình chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng là cấp thiết và đúng đắn giúp doanh nghiệp phục hồi kịp thời, ông Nam cho hay.

Cùng ý kiến, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đồng tình với chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng trong bối cảnh sức cầu của nền kinh tế nước ta đang suy giảm, việc giảm thuế sẽ khuyến khích tăng cầu. Lợi ích của việc giảm 2% thuế giúp tăng tiêu dùng, mỗi người dân đều được hưởng lợi, sau đó tăng số lượng hàng hóa tiêu thụ, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển.

“Khi doanh nghiệp phục hồi, phát triển sẽ tạo ra nguồn thu để bù đắp cho phần ngân sách thiếu hụt”, đại biểu nói.

Tuy vậy, ông Cường cũng cho rằng, việc áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng trong thời gian 6 tháng hơi ngắn khi mốc đến tháng 12 là thời điểm quyết toán ngân sách năm. Do đó, trong dự thảo Nghị quyết nên để mở “có thể tiếp tục kéo dài”.

Đại biểu lấy dẫn chứng, chính sách về giãn, hoãn, miễn các khoản thu ngân sách như thuế, tiền thuê đất thực hiện trong năm 2022, do không có quy định mở nên hết năm 2022 phải dừng lại, đến tháng 6/2023 lại đề nghị tiếp tục thực hiện, như vậy sẽ bị ngắt quãng, không còn hiệu quả.

Vị đại biểu Hà Nội cũng bày tỏ thêm ý kiến về chính sách bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). Nhưng hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước.

Theo đại biểu Cường, việc tăng vốn điều lệ cho Agribank không chỉ giúp bản thân ngân hàng mà còn là tăng nguồn lực để hỗ trợ cho các đối tượng hưởng thụ: nông nghiệp, nông dân, nông thôn. “Đầu tư vốn cho Agribank không phải đầu tư cho tiêu dùng, mà thực sự đầu tư để sinh lời. Khi ngân hàng có vốn, vốn đầu tư sinh lời hằng năm và đóng góp trở lại cho ngân sách. Thực ra đây là đầu tư tài chính của Nhà nước, không phải phần đầu tư mất đi”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhận định.
Nguồn: ĐBQH: Có tình trạng doanh nghiệp phải mua bảo hiểm, ngân hàng mới cho vay vốn