BẢN TIN SÁNG NGÀY 25/10/2022
- THÔNG TIN THẾ GIỚI
• GDP của Trung Quốc trong quý 3/2022 tăng 3.9% so với cùng kỳ năm trước
– Báo cáo hôm 24/10 cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc trong quý 3 đã tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua mọi dự đoán. Trong cuộc thăm dò ngày 18/10, các nhà phân tích mà Reuters đặt câu hỏi đều chỉ cho rằng GDP Trung Quốc chỉ tăng trưởng được 3,4% trong quý thứ 3.
– Trong khi đó, mức tăng trưởng của quý 2 ở Trung Quốc chỉ là 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả quý 3, tổng mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong những quý đầu năm đã lên 3%. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính thức, khoảng 5,5%.
– Các biện pháp kiểm soát chặt chẽ COVID-19 của Trung Quốc đã gây ra tác động nặng nề với các hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là trong quý 2 của năm. Nó tạo ra ảnh hưởng chung tới tăng trưởng kinh tế, khiến nhiều ngân hàng đầu tư dự báo tăng trưởng cả năm của Trung Quốc chỉ khoảng 3%.
- THÔNG TIN VĨ MÔ VIỆT NAM
• Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1%, hiệu lực từ 25/10
– Để tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 25/10/2022. Cụ thể như sau:
– Tăng lãi suất tái cấp vốn từ 5%/năm lên 6%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 3,5%/năm lên 4,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với Tổ chức tín dụng (TCTD) từ 6%/năm lên 7%/năm.
– Nâng lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,5%/năm lên 1%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5%/năm lên 6%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung – cầu vốn thị trường.
– Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng Việt Nam Đồng (VND) của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này tăng từ 5,5%/năm lên 6,5%/năm.
– Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các TCTD; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.
• Hàng không dự kiến đón 100 triệu lượt khách năm 2022
– Thông tin tại cuộc họp giao ban tháng 10/2022 của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chiều ngày 24/10, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam – Đinh Việt Thắng cho biết 10 tháng năm 2022, sản lượng hành khách qua các sân bay Việt Nam đạt hơn 81 triệu lượt khách.
– Dự báo trong năm 2022, tổng số lượng hành khách qua các sân bay Việt Nam đạt 100 triệu lượt, bằng khoảng 83% so với thời điểm trước dịch (120 triệu lượt hành khách vào năm 2019).
– Cục trưởng Hàng không cho biết 10 tháng qua, thị trường quốc nội tăng trưởng cao, được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất sau dịch COVID-19, song, thị trường quốc tế hiện mới phục hồi được khoảng 50%.
– Việc phục hồi các đường bay tại một số thị trường trọng yếu, đặc biệt là Trung Quốc, vẫn gặp khó do dịch COVID-19. Công tác đàm phán kết nối lại đường bay với thị trường này đang được tích cực triển khai.
– Một số thị trường khác như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) đã mở cửa, song, nhu cầu đi lại vẫn rất thấp.
– Cục trưởng đánh giá kết quả phục hồi chưa được như kỳ vọng nhưng điểm sáng đối với thị trường quốc tế trong 10 tháng năm 2022 là chúng ta đã mở được thị trường Ấn Độ với sản lượng vận chuyển tương đối khả quan.
- THÔNG TIN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM
• DCM: Lãi sau thuế 9 tháng gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái
– Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022. Theo đó, trong quý 3, doanh thu thuần của Đạm Cà Mau đạt 3.307 tỷ đồng, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Đạm Cà Mau cho biết sản lượng tiêu thụ các sản phẩm trong quý 3 tăng hơn 30% so với cùng kỳ kết hợp giá bán phân bón tiếp tục neo cao giúp công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý 3 tăng 95% lên 731 tỷ đồng.
– Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Đạm Cà Mau đạt 11.466 tỷ đồng doanh thu thuần, 3.272 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế; tăng lần lượt 90% và 298% so với cùng kỳ năm ngoái.
– Năm 2022, Đạm Cà Mau đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất là 9.049 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất 513 tỷ đồng. Kết thúc quý 3, doanh nghiệp đã vượt 27% kế hoạch doanh thu và gấp 6,3 lần mục tiêu lợi nhuận cả năm.
• DBC: Lãi sau thuế 9 tháng giảm 68% so với cùng kỳ năm ngoái
– CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (Hose: DBC) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 3/2022 với doanh thu 3.665 tỷ đồng, tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Khấu trừ giá vốn, Công ty thu về 485,6 tỷ lợi nhuận gộp. Biên lợi nhuận ngược lại giảm nhẹ còn 13%. Lợi nhuận sau thuế thu về hơn 206 tỷ đồng, so với cùng kỳ là 138 tỷ đồng.
– Lũy kế 9 tháng đầu năm, DBC ghi nhận doanh thu 9.637 tỷ đồng. Trong đó, tăng đột biến là nguồn thu từ bán bất động sản (từ 231 tỷ 9 tháng đầu năm 2021 đột biến lên 843,5 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay). Khấu trừ chi phí, DBC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 229 tỷ đồng, giảm đến 68% do ảnh hưởng từ mảng heo nửa đầu năm.
– Theo DBC, quý 3 ngành chăn nuôi heo tiếp tục chịu ảnh hưởng không nhỏ khi chi phí đầu vào tăng mạnh (bao gồm giá nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển, logistics…). Do đó, ngành chăn nuôi vẫn còn rất khó khăn, chưa kể dịch bệnh trên đàn gia súc gia cầm tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc tái đàn của người dân và doanh nghiệp.
• MIG: Lợi nhuận sau thuế 9 tháng giảm 9% so với cùng kỳ năm trước– Tổng công ty Bảo hiểm Quân đội (HoSE: MIG) vừa công bố BCTC quý 3/2022 ghi nhận doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt 887 tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính tăng 15% so với cùng kỳ từ 40 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng.
– Chi phí hoạt kinh doanh bảo hiểm cũng tăng gần 60% từ 459 tỷ đồng lên 732 tỷ đồng, còn chi phí hoạt động tài chính tăng gấp 2,3 lần lên 2,1 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, tổng lợi nhuận sau thuế quý 3 của Bảo hiểm Quân đội đạt 51 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ.
– Lũy kế 9 tháng năm 2022, MIG ghi nhận doanh thu thuần kinh doanh bảo hiểm đạt gần 2.540 tỷ đồng, tăng trưởng 37% so với cùng kỳ. Chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm ghi nhận mức tăng 42% lên 2.154 tỷ đồng. Do tốc độ tăng của chi phí nhanh hơn doanh thu nên sau 9 tháng, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế giảm 9% so với cùng kỳ, đạt 135 tỷ đồng.
- NHỊP ĐẬP THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM
– Phiên giao dịch ngày 22/10/2022, áp lực bán lan rộng trên khắp thị trường khiến chỉ số chìm trong sắc đỏ. Kết phiên, VNINDEX đóng cửa tại mốc 986,15 điểm, giảm 33,67 điểm (-3,3%).
– Về độ rộng thị trường, phe bán áp đảo với 430 mã giảm/45 mã tăng, trong đó có 148 mã giảm sàn và số mã đỏ chiếm gần 84% số mã trên sàn HOSE. Thanh khoản có sự sụt giảm nhẹ, đạt hơn 12.072 tỷ đồng.
– Nhóm cổ phiếu trụ trong VN30 tiếp tục rơi vào trạng thái giảm mạnh và tác động tiêu cực đến chỉ số VNINDEX, đà giảm đến từ VHM (-3,707 điểm), BID (-2,892 điểm) và SAB (-1,955 điểm). Chiều ngược lại, có PGV, HAG tăng nhẹ dưới 0,17 điểm.
– Cả 10 nhóm ngành phiên hôm qua đều rơi vào đà giảm mạnh, tiêu biểu là nhóm ngành Năng lượng (- 6,68%), Tiêu dùng (-5,1%), Công nghiệp và Công nghệ thông tin (giảm quanh 4%). Các nhóm ngành khác giảm từ 2- 3,8%. Top các nhóm ngành có giá trị giao dịch lớn gồm có Tài chính (2.865 tỷ đồng), Nguyên vật liệu (1.206 tỷ đồng), Công nghiệp (1.126 tỷ đồng), Bất động sản và Công nghiệp (quanh 1.000 tỷ đồng).
– Khối ngoại phiên hôm qua khá cẩn trọng khi giải ngân mua ròng nhẹ hơn 71,54 tỷ đồng trong nhịp điều chỉnh mạnh của thị trường. Mua ròng tập trung vào các cổ phiếu FRT (+38,54 tỷ đồng), MSN (+31,37 tỷ đồng) và DCM (+27,53 tỷ đồng). Chiều bán ròng có STB (-41,42 tỷ đồng), SAB (-25,74 tỷ đồng) và VND (-23,16 tỷ đồng).
– VNINDEX ghi nhận phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp với áp lực bán lan tỏa trên diện rộng, khiến chỉ số thủng mốc 1.000 điểm. Hiện tâm lý nhà đầu tư đang khá tiêu cực khi đồng loạt nhiều mã cổ phiếu giảm sàn, lực mua vẫn còn khá yếu không đủ hấp thụ lực bán lớn. Khả năng VNINDEX sẽ tiếp tục điều chỉnh về vùng hỗ trợ quanh 950 điểm.
– Nhà đầu tư cần theo dõi thêm diễn biến thị trường, xây dựng chiến lược đầu tư phù hợp và danh mục cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và tiềm năng trong trung dài hạn, tránh vội vàng giải ngân khi thị trường đang trong đà giảm mạnh.