DCM: Phân bón có thể chịu thuế VAT 5%, kỳ vọng lãi ròng Đạm Cà Mau tăng 47%

Hiện đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5% kỳ vọng sẽ được Quốc hội thông qua vào tháng 8 tới đây. Điều này sẽ giúp Đạm Cà Mau (mã cổ phiếu DCM ) được hoàn thuế VAT khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm.

Sản lượng tiêu thụ của Đạm Cà Mau đã hồi phục tích cực trong những tháng đầu năm 2024.

Kết thúc quý 1/2024, Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, mã cổ phiếu DCM - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.744 tỷ đồng, nhích tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mặc dù giá bán bình quân giảm so với mức nền cao của năm ngoái nhưng kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau vẫn được duy trì nhờ sản lượng tiêu thụ phân bón được cải thiện tích cực.

Đáng chú ý, biên lợi nhuận gộp của Đạm cà Mau đã được cải thiện thêm 5,1 điểm phần trăm, đạt khoảng 26% trong quý 1/2024, chủ yếu nhờ chi phí khấu hao giảm tới 84%.

Kết quả, Đạm cà Mau ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng tới 52%, đạt 350 tỷ đồng; qua đó, hoàn thành 44% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Với việc khu vực miền Trung bắt đầu có nhu cầu chăm bón cho vụ Hè Thu và khu vực miền Bắc chuẩn bị cho vụ Đông Xuân, nhu cầu tiêu thụ ure của Đạm Cà Mau kỳ vọng sẽ tiếp tục được cải thiện, kéo theo giá ure tăng trở lại trong nửa cuối năm nay. Bên cạnh đó, trong bối cảnh giá nông sản duy trì ở mức cao nhưng giá phân bón đã giảm về mức thấp trong khoảng thời gian dài, sẽ kích thích nhu cầu mở rộng diện tích canh tác.

Tương quan giữa giá gạo với giá ure trong 2 năm qua. (Nguồn: Bloomberg, Đạm Cà Mau, BSC Equity Research)

Xét về mặt kỹ thuật, kết quả kinh doanh của Đạm Cà Mau còn được hỗ trợ nhờ việc Nhà máy Đạm Cà Mau đã hết khấu hao trong quý 4/2024, theo đó chi phí khấu hao trong năm nay dự kiến có thể giảm tới 67%, từ 1.084 tỷ đồng trong năm 2023 về còn 359 tỷ đồng trong năm nay.

Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính hiện đánh giá Đạm Cà Mau cũng như các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước khác sẽ hưởng lợi đáng kể nếu Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi được Quốc hội thông qua.

Cụ thể, Luật thuế Giá trị gia tăng sửa đổi sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp 7 khai mạc vào ngày 20/5 tới đây và dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 8/2024. Trong đó, phân bón được đề xuất áp dụng mức thuế Giá trị gia tăng VAT 5%.

Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu DCM của Đạm Cà Mau trong 12 tháng qua. (Nguồn: TradingView)

Bộ Công Thương, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và các doanh nghiệp đã nhiều lần kiến nghị việc chuyển phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Cùng với đó, Chính phủ đã rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đề xuất nội dung kiến nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế GTGT sang đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5%.

Trong phiên họp thứ 32 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội hồi tháng 4/2023, nhiều đại biểu đã tán thành khi dự thảo luật đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế nhằm giúp sản phẩm phân bón trong nước cạnh tranh “sòng phẳng” hơn với các mặt hàng nhập khẩu.

Nếu dự thảo luật được thông qua vào tháng 8/2024, các quy định có thể có hiệu lực từ đầu năm 2025. Trong kịch bản này, sản phẩm của Đạm Cà Mau sẽ cạnh tranh tốt hơn so với các mặt hàng phân bón nhập khẩu. Đồng thời, theo tính toán của hãng Chứng khoán BIDV, Đạm Cà Mau sẽ được hoàn thuế VAT đầu vao, ước tính khoảng 500 tỷ đồng mỗi năm từ đó giúp giảm giá thành đầu vào và tăng khả năng cạnh tranh.

Chứng khoán BIDV hiện dự phóng lợi nhuận sau thuế của Đạm Cà Mau trong năm nay sẽ đạt 1.621 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2023. Đồng thời, Đạm Cà Mau được nhận định đang bước vào giai đoạn tăng trưởng mới với kỳ vọng lợi nhuận hàng năm sẽ duy trì ổn định từ 1.700 - 2.000 tỷ đồng/năm, cao gấp 3 lần so với giai đoạn 2015 - 2020 (loại trừ giai đoạn lợi nhuận tăng đột biến 2021 - 2022).

Duy Quang-Link gốc

https://tapchicongthuong.vn/phan-bon-co-the-chiu-thue-vat-5-ky-vong-lai-rong-dam-ca-mau--dcm--tang-47-121335.htm