Chứng khoán Kiến Thiết vừa có báo cáo phân tích về câu chuyện tăng trưởng của ông lớn ngành hóa chất DAP – Vinachem.
Kết quả kinh doanh được phán ánh tích cực nhờ quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc
Theo CSI, 60-70% lượng tiêu thụ phân DAP trong nước phải nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là nước chủ yếu xuất khẩu mặt hàng này vào Việt Nam. Do vậy, quyết định hạn chế xuất khẩu phân bón của nước bạn giúp giá DAP có bước tăng giá tốt.
Giá DAP trong nước tăng hơn 40% từ tháng 7/2023 và giữ ở giá cao (khoảng 17.000 VNĐ/kg) giúp lợi nhuận của công ty tăng mạnh trong Q4/2023 và kéo dài sang Q1/2024. Trong Q1/2024, sản lượng tiêu thụ đạt 57,8 nghìn tấn (+15,7% so với cùng kỳ) và doanh thu đạt 777,55 tỷ.
Mặc dù, doanh thu chỉ tăng 5,5% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế tăng hơn 18 lần, tương ứng đạt 26,37 tỷ nhờ biên lợi nhuận tăng từ 5,6% lên 8,7% và các chi phí hoạt động đều được tiết giảm.
Kết quả kinh doanh quý 1 của DDV
Tỷ trọng xuất khẩu trong những năm gần đây tăng dần, trong Q1/2024 xu hướng này tiếp tục được duy trì với tỷ lệ 73,2% doanh thu đến từ xuất khẩu. Đây cũng là thị trường có biên lợi nhuận cao hơn so với tiêu thụ trong nội địa, đây cũng là yếu tố góp phần giúp biên lợi nhuận của DDV cải thiện.
Tuy nhiên, theo CSI, trong nửa cuối năm 2024, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn hơn do giá phân bón tại Trung Quốc dần được kiểm soát dẫn tới tăng khả năng cho phép xuất khẩu trở lại. Trong 4 tháng đầu năm 2024, sản lượng nhập khẩu DAP lũy kế của Việt Nam cũng tăng hơn 190% yoy, giá bán DAP đầu tháng 4 có dấu hiệu giảm nhẹ.
Trước tình hình đó, kỳ vọng tăng doanh thu của DDV trong nửa cuối năm sẽ phụ thuộc vào việc tăng sản lượng hơn là tăng giá bán. Nguồn nguyên liệu sản xuất là Quặng Apatit cũng được lên kế hoạch nhập với số lượng lớn với 520 nghìn tấn cao hơn 38% so với lượng tiêu thụ trong năm 2023 đảm bảo cho HĐKD được thông suốt.
Kỳ vọng luật thuế được sửa đổi
Kỳ vọng luật thuế thay đổi chuyển phân bón từ mặt hàng không chịu thuế sang chịu thuế VAT sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào giữa năm 2024. Nếu được thông qua sẽ giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài, đồng thời cũng giúp cải thiện kết quả kinh doanh. Ngoài ra, khi thuế này được sửa đổi các nhà sản xuất mới tự tin hơn trong việc mở rộng quy mô.
Tình hình tài chính dần cải thiện nhờ thuận lợi của ngành
Trong 3 năm gần đây, nhờ sự thuận lợi của ngành phân bón DDV đã có nhiều kết quả tích cực. Tổng lợi nhuận sau thuế 3 năm gần nhất cao hơn lợi nhuận sau thuế của tất cả các năm từ khi doanh nghiệp niêm yết cộng lại. Nhờ đó tình hình tài chính cũng được cải thiện đáng kể như: Tỷ lệ tiền/Tổng tài sản tại Q1/2024 đã đạt 45,1% cao hơn rất nhiều mức 10% từ 2020 trở về trước; Tổng nợ/Tổng nguồn vốn cũng giảm từ khoảng 30% năm 2020 xuống còn 14,4% tại Q1/2024; Tài sản cố định đã được khấu hao phần lớn đồng thời chi phí tài chính không còn sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả hơn.
Theo CSI, tình hình tài chính của DDV hồi phục rất tốt, tuy nhiên câu chuyện tăng trưởng doanh nghiệp còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chưa rõ ràng như: Quyết định chính thức cấm xuất khẩu phân bón của Trung Quốc được duy trì hay luật thuế được sửa đổi. Do đó, chúng tôi dự phóng doanh thu và lợi nhuận của DDV lần lượt đạt 3.582,82 tỷ và 121,49 tỷ. Với chỉ số P/E 15 lần, giá trị hợp lý của DDV đạt 12.500 VNĐ/cổ phiếu.
Ở chiều hướng rủi ro, biến động giá nguyên liệu đầu vào là yếu tố nhà đầu tư cần chú ý. Theo đó, quặng Apatit, Lưu huỳnh, Amoniac, than cám là những nguyên liệu chính để sản xuất phân DAP. Việc thiếu hụt nguyên vật liệu hay đứt gãy chuỗi cung ứng do các yếu tố khách quan như xung đột địa chính trị, các chính sách xuất nhập khẩu của các nước lớn như Trung Quốc đều ảnh hưởng lớn tới kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.