Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh, câu chuyện lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là thị trường. Nếu thị trường tăng thì họ chấm dứt bán và quay lại mua ròng...
Trên thị trường chứng khoán, xu thế bán ròng của khối ngoại vẫn chiếm lĩnh xuyên suốt vài năm trở lại đây. Nếu không tính tháng 1/2024 khi khối ngoại mua ròng nhẹ nhờ giao dịch thỏa thuận đột biến, còn lại 12/13 tháng gần nhất khối ngoại đều bán ròng trên HoSE. Từ đầu năm 2024, dù chưa đầy 5 tháng nhưng giá trị bán ròng của khối ngoại đã chính thức qua mốc 25.000 tỷ đồng, tương ứng 1 tỷ USD giá trị cổ phiếu Việt Nam đã bị khối ngoại bán ròng.
Chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ và tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới xu hướng của nhà đầu tư ngoại
Theo giới phân tích, chênh lệch môi trường lãi suất, chính sách tiền tệ và tỷ giá khả năng cao đã tác động đáng kể tới xu hướng của nhà đầu tư ngoại. Điều này gây ra hoạt động tái cấu trúc dòng vốn trên toàn cầu, những thị trường tăng trưởng yếu hơn, đồng tiền mất giá hay những thị trường cận biên sẽ bị rút vốn mạnh để phân bổ vào những nơi thị trường hiệu quả hơn. Không chỉ Việt Nam, mà các thị trường trong khu vực như Thái Lan, Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng rõ rệt.
Thống kê từ SSI Research, riêng trong tháng 4 vừa qua, dòng vốn vào cổ phiếu thị trường mới nổi (EM) rút 3 tỷ USD. Các thị trường châu Á mới nổi đều khá yếu, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á (rút ròng tháng thứ 4 liên tiếp với giá trị 174 triệu USD).
Bên cạnh đó, xu hướng rút vốn đang diễn ra trên một số quỹ ETF lớn cũng là nguyên nhân gây ra áp lực bán ròng của khối ngoại. Các chuyên gia cho rằng dòng vốn vào các quỹ ETF của Việt Nam khó có sự bứt phá với 3 yếu tố chính: hạn chế về số lượng các quỹ ETF với chiến lược đầu tư đa dạng và Việt Nam vẫn đang là thị trường cận biên để có thể thu hút dòng tiền từ các quỹ đầu tư nước ngoài; tăng trưởng lợi nhuận của các chỉ số ETF như Fubon Vietnam hay VanEck đều đang kém hơn so với lợi nhuận ghi nhận của các chỉ số thị trường của Mỹ hay Đài Loan và nhà đầu tư cá nhân trong nước vào các quỹ ETF là không nhiều để có thể nâng đỡ dòng vốn.
Mặt khác, một số câu chuyện riêng trên thị trường chứng khoán Việt Nam cũng có thể gây ra tác động tiêu cực tới khối ngoại như việc chuyển đổi hệ thống mới KRX chưa thể thực hiện trong tháng 5, hay sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nhóm ngành trên sàn, thiếu những hàng "ngon" như nhóm ngành sản xuất, công nghiệp, công nghệ, y tế, chăm sóc sức khoẻ,...
Dưới góc nhìn tích cực, một số ý kiến cho rằng dòng vốn ngoại chỉ bán ròng cục bộ do động thái cơ cấu danh mục, không tác động quá lớn tới thị trường chung.
"Trong thời gian qua, lực bán của khối ngoại tập trung chủ yếu ở một số cổ phiếu nhất định với những thỏa thuận mua bán của những tổ chức từ trước, không hẳn mức bán ròng tệ như giá trị bán ròng chung", theo quan sát của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chứng khoán DSC Chi nhánh TP HCM.
Tuy nhiên cũng phải nhìn nhận rằng dù chỉ chiếm hơn 10% tỷ trọng giao dịch nhưng động thái mua bán của nhà đầu tư nước ngoài vẫn tác động phần nào tới tâm lý và các quyết định của khối nhà đầu tư nội. Do đó, nhà đầu tư nội vẫn đang “ngóng” những hành động của khối ngoại để từ đó đưa ra chiến lược cho việc đầu tư của mình. Câu hỏi "Bao giờ khối ngoại dừng đà bán ròng" vẫn là chủ đề “nóng” trong bối cảnh hiện nay.
"Giao dịch của khối ngoại cũng chắt lọc, có mua – có bán nhưng cũng thực hiện luân chuyển theo các nhóm ngành. Đà bán ròng trong thời gian tới có thể vẫn tiếp diễn nhưng sẽ hạ nhiệt dần", Giám đốc DSC nhận định.
Dưới góc nhìn của chuyên gia chứng khoán Nguyễn Thế Minh, câu chuyện lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài vẫn là thị trường. Nếu thị trường tăng thì họ chấm dứt bán và quay lại mua ròng.
Về trung và dài hạn, xu hướng khối ngoại vẫn phụ thuộc vào câu chuyện tỷ giá, tỷ giá hạ nhiệt thì họ mới quay trở lại mua ròng mạnh mẽ hơn. Nếu không, họ chỉ mua ròng ở một vài cổ phiếu, áp lực bán ròng thậm chí mạnh hơn.