Để Việt Nam có nhiều tỷ phú: Xoá bỏ rào cản để giới siêu giàu vượt "vũ môn" trở thành tỷ phú (Bài 3)

, , , ,

Với quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ASEAN và thứ 25 thế giới, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam chỉ có 6 người là rất ít so với các nước trong khu vực. Để giới siêu giàu Việt Nam có tài sản trên 30 tỷ USD vượt "Vũ môn" trở thành tỷ phú, Chính phủ cần phải xây dựng môi trường.

Giới siêu giàu Việt Nam có tài sản trên 30 tỷ USD rất nhiều và có điều kiện trở thành tỷ phú

Năm 2022, số lượng tỉ phú USD của Việt Nam được Tạp chí Forbes (Mỹ) ghi nhận là 7 người, nhưng năm 2024 giảm xuống còn 6 tỷ phú USD gồm ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup; bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet Air; ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Techcombank; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group; và ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (Thaco Group).

Nghị quyết 66 của Chính phủ đưa ra các mục tiêu, giải pháp cụ thể để thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị càng khẳng định hướng phát triển kinh tế Việt Nam lấy trọng tâm là doanh nghiệp tư nhân làm động lực chính phát triển đất nước. Nhưng từ Nghị quyết đến thực tế thì cần phải có thêm nhiều chính sách rất cụ thể, rõ ràng. Trong đó, phải có chính sách khuyến khích đào tạo, tự đào tạo cho đội ngũ doanh nhân. Chỉ có những con người có đủ trình độ, tầm hiểu biết thì mới đủ khả năng để điều hành và đưa DN vươn lên ngày càng lớn mạnh, có thể cạnh tranh ngay tại Việt Nam hay ra khu vực.

Việt Nam có 6 tỷ phú USD, nhiệm vụ 6 năm tiếp theo, gần 2 năm, chúng ta phải có được thêm 1 tỷ phú USD

Việt Nam có nhiều điều kiện trở nên giàu có: Thứ nhất là dân số trẻ, đa phần năng động, sáng tạo dám nghĩ, dám làm; đất nước mở cửa nên ngày càng nhiều cơ hội, nhiều ngành lĩnh vực được mở ra, phát triển; quy mô dân số 100 triệu người, một thị trường tiêu thụ rộng lớn… là điều kiện giúp doanh nghiệp trong nước, ngoài nước khai thác, phát triển.

Theo báo cáo về số lượng tầng lớp trung lưu của Việt Nam, năm 2030 số lượng tầng lớp người giàu, trung lưu của Việt Nam được dự đoán tăng nhanh chóng. Cụ thể, báo cáo vào tháng 3/2021 của Statista - Trung tâm dữ liệu của Đức), dự đoán đến năm 2030, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Việt Nam sẽ đạt mức hơn 50 triệu người (chiếm khoảng 50% số dân hiện nay). Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng hàng năm của tầng lớp trung lưu ở Việt Nam là 10,1% giai đoạn 2016 - 2021, mức cao nhất Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, số người siêu giàu với tài sản đạt trên 30 triệu USD tại Việt Nam đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm tại Việt Nam. Tính đến cuối năm 2022, giới siêu giàu Việt có 1.059 người. Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu tại Việt Nam là gần 1.300 người và đến năm 2028 tốc độ tăng sẽ cao hơn Hàn Quốc, Singapore và Hồng Kông (Trung Quốc).

Theo báo cáo thịnh vượng mới nhất của Knight Frank - tập đoàn tư vấn bất động sản có trụ sở chính tại Anh, số lượng người siêu giàu tại Việt Nam với tài sản trên 30 triệu USD (tương đương hơn 700.000 tỷ đồng) đã tăng gần gấp đôi trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến năm 2022.

Việt Nam đang là nền kinh tế top 3-4 ASEAN, là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng giới siêu giàu, tầng lớp trung lưu hàng đầu ASEAN và châu Á, đây là điều kiện lý tưởng để thực hiện khát vọng xây dựng thế hệ doanh nhân lớn, tỷ phú thế giới

Cụ thể, từ 583 cá nhân ở Việt Nam có tài sản ròng trên 30 triệu USD năm 2017, đến cuối năm ngoái con số này đã lên đến 1.059 người, tăng 82% chỉ sau 5 năm. Dự báo đến năm 2027, số người siêu giàu này sẽ tăng lên gần 1.300 người, tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm. Cùng với giới siêu giàu, số người giàu với tài sản từ 1 triệu USD trở lên ở Việt Nam cũng đã tăng 70% trong 5 năm qua.

Cũng trong một báo cáo đầu năm 2023 của Knight Frank cũng cho thấy, số lượng người siêu giàu với tài sản đạt trên 30 triệu USD của Việt Nam đang đứng thứ 3 trong số các nước ASEAN-6. Theo Knight Frank, năm 2021 Việt Nam có 72.135 triệu phú USD. Với con số này, Việt Nam đứng thứ 4 Đông Nam Á về số triệu phú, sau Singapore, Thái Lan và Indonesia. Dự báo sau 4 năm nữa, con số triệu phú USD tại Việt Nam sẽ đạt đến 114.807 người.

Để giới siêu giàu vượt "vũ môn" trở thành tỷ phú cần phải xoá bỏ rào cản bất đối xứng

Giới chuyên gia nhìn nhận, sự gia tăng người giàu và sự phát triển của giới tỷ phú phần lớn do thị trường quyết định, chính vì thế phải có chính sách tốt phục vụ thị trường, xây dựng thể chế kinh tế tự do, cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả.

Thực tế, với quy mô nền kinh tế đứng thứ 3 ASEAN, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP (PPP) Việt Nam đạt khoảng 1.438 tỷ USD, xếp thứ 3 khu vực Đông Nam Á và thứ 25 thế giới, số lượng tỷ phú USD của Việt Nam chỉ có 6 người là con só rất so với các nước trong khu vực.

TS Bùi Trinh: Phải tạo dựng môi trường làm sao ở đó người kinh doanh được tôn trọng, bảo vệ và được thừa nhận.

Hiện, các nước trong khu vực ASEAN, số lượng tỷ phú của các nền kinh tế lớn hoặc tương đương Việt Nam nhiều hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba. Cụ thể, theo thống kê của Forbes , Indonesia có số lượng tỷ phú nhiều nhất ASEAN với 50 người, quy mô vốn lớn nhất trên 35 tỷ USD, Thái Lan có 31 tỷ phú USD, Singapore có 27 tỷ phú USD, Malaysia có 19 tỷ phú USD, Philippines có hơn 17 tỷ phú USD (năm 2021).

"Kinh tế Việt Nam hái quả ngọt sau hàng chục năm cải cách có sự nỗ lực, đổi mới trong nước, song khu vực giúp tăng trưởng GDP cao lại là nhóm FDI. Tăng trưởng xuất khẩu, xuất siêu khu vục này luôn chiếm tỷ lệ cao, giúp cho quy mô nền kinh tế tăng nhanh. Tuy nhiên, sự cạnh tranh và được hưởng nhiều ưu đãi lớn của FDI khiến khu vực tư nhân trong nước chịu sức ép mạnh mẽ, thậm chí nhiều lĩnh vực, ngành, khu vực kinh tế tư nhân không thể cạnh tranh được so với khu vực FDI", đại diện VCCI nói.

Thực tế, lấy doanh nghiệp tư nhân là động lực cho đất nước là chủ trương đúng đắn, sáng suốt. Nhưng từ lý thuyết đến thực tế, cần giải pháp thực sự căn cơ và cụ thể. Trong đó, việc tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được tự do làm những gì mà Luật pháp không cấm.

"Doanh nhân Việt Nam không ngại khó khăn, thử thách thương trường, nhưng họ ngại cơ chế cạnh tranh không lành mạnh, doanh nghiệp sân sau quan chức. Chỉ khi chúng ta loại bỏ những rào cản, đưa ra những lằn ranh pháp luật đúng đắn mới có được những doanh nghiệp chân chính và giúp cho doanh nhân trở nên tự tin trong công cuộc làm giàu cho chính mình, cho xã hội. Hiện nay, doanh nghiệp khu vực tư nhân giải quyết 70% lao động", chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho hay.

Để Việt Nam có ngày càng nhiều tỷ phú, mấu chốt là Chính phủ phải tạo dựng môi trường mà ở đó người kinh doanh được tôn trọng, bảo vệ và được thừa nhận để vươn lên làm giàu cho mình, cho người xung quanh và cho xã hội.

Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh

Ông Trinh cho rằng, kinh nghiệm phát triển các doanh nhân, doanh nghiệp và tỷ phú của Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là cơ sở để Việt Nam học hỏi và áp dụng. Giới doanh nhân các nước Á Đông đều đi lên từ doanh nghiệp nhỏ, vừa, không ít đi lên từ khởi nghiệp. Tại Việt Nam, số người siêu giàu, tỷ phú đi lên từ bàn tay trắng không thiếu, song những người thực sự bứt phá lên để trở thành tỷ phú còn khá ít, thấp.

GS, TS Võ Đại Lược: Cần xoá bỏ ưu đãi cho FDI, để tạo lập môi trường bình đẳng, minh bạch cho doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp trong nước lớn mạnh.

PGS, TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam hiện nay tồn tại vấn đề là bất đối xứng giữa doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Nhà nước. Vì vậy, cần xoá bỏ rào cản này để tạo lập môi trường thực sự minh bạch, hiệu quả.

Theo PGS, TS Võ Đại Lược, doanh nghiệp FDI được nhiều ưu đãi, trong khi doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ nhiều đặc quyền, đặc lợi. Chính vì vậy, thị trường còn có nhiều bất đối xứng, khu vực FDI lớn mạnh, xuất siêu lớn, xuất khẩu cao. Trong khi, doanh nghiệp tư nhân, khu vực tư, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được ít ưu đãi, nguồn lực chính sách.

"Nền kinh tế Việt Nam đã lớn mạnh, theo tôi cần bãi bỏ chính sách ưu tiên, biệt đãi đối với khu vực kinh tế FDI, cải cách, tư nhân hoá khu vực công - doanh nghiệp Nhà nước để xoá bỏ cơ chế xin cho. Chỉ có tạo ra được môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch mới giúp các doanh nhân, doanh nghiệp tư nhân phát huy được tính làm chủ, sáng tạo để lớn mạnh hơn", ông Lược nói.

Theo ông Lược, khi càng xây dựng cơ chế thị trường cho các ngành lĩnh vực, sẽ càng giúp Việt Nam có thêm những người giàu, doanh nhân giỏi và tỷ phú.

TS Nguyễn Đức Hiển: Nghị quyết 41 của TW thể hiện quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước.

Theo TS Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, trong khi Nghị quyết số 09-NQ/TW chỉ khẳng định "Đội ngũ doanh nhân là lực lượng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước", Nghị quyết số 41-NQ/TW, Đảng ta đã bổ sung thêm vai trò của đội ngũ doanh nhân là "một trong những lực lượng nòng cốt", đồng thời doanh nhân không chỉ góp phần "đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập" giống Nghị quyết số 09-NQ/TW, mà còn có "bảo đảm quốc phòng, an ninh".

"Như vậy, vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân đã được nâng tầm và mở rộng hơn nhiều so với Nghị quyết số 09-NQ/TW. Điều này cho thấy sự thay đổi nhận thức của Đảng về vai trò và vị trí của đội ngũ doanh nhân, nhất là trong thời kỳ mới, thời kỳ thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước", Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.

Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 với nhiều nội dung mới về quan điểm, định hướng và giải pháp phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, được coi là kim chỉ nam để đội ngũ doanh nhân Việt Nam tự tin, vững bước, chung lòng chung sức xây dựng đất nước hùng cường, phát triển trong thời gian tới.

Nguyễn Tuyền

Link gốc

https://danviet.vn/neu-duoc-bao-ve-gioi-sieu-giau-viet-se-vuot-vu-mon-quan-tro-thanh-ty-phu-bai-3-2024051313052317.htm