Đề xuất đẩy mạnh năng lượng điện mặt trời

, , ,

Bộ Công Thương đề xuất làm tiếp hơn 2.430 MW điện mặt trời
#ASM #BCG #CRC #HDG
Để tránh tranh chấp pháp lý với chủ đầu tư, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cho triển khai tiếp để năm 2030 vận hành thương mại hơn 2.430 MW điện mặt trời.

Kiến nghị này được Bộ Công Thương nêu khi giải trình với Thủ tướng một số vấn đề phát triển điện mặt trời tại dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Theo số liệu được bộ này tổng hợp, 175 dự án điện mặt trời được phê duyệt, bổ sung quy hoạch, với tổng công suất 15.301 MW. Đến cuối 2020 có 131 dự án vận hành, công suất 8.736 MW.

Tại dự thảo Quy hoạch điện VIII được trình trước đây, trong 10 năm (2021-2030) sẽ giữ nguyên công suất điện mặt trời như hiện tại là 8.736 MW. Số dự án đã có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh, tổng công suất khoảng 6.200 MW thì giãn tiến độ tới sau 2030.

Nhưng cuối tháng 5, Bộ Công Thương có văn bản xin ý kiến Chính phủ về hướng xử lý với số dự án điện mặt trời phải giãn tiến độ đến sau 2030. Đây là các dự án có trong quy hoạch, đã được chấp thuận đầu tư hoặc có trong quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận đầu tư (với công suất khoảng 4.136 MW). Đề nghị này khác với các báo cáo trước đây nên Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương có quan điểm rõ ràng về đề xuất hướng xử lý.

Ở lần giải trình gửi Thủ tướng đầu tháng 7, Bộ Công Thương đề xuất cho triển khai tiếp khoảng 2.428 MW để vận hành thương mại tới năm 2030. Trong đó các dự án hoặc phần dự án điện mặt trời đã hoàn thành thi công là gần 453 MW (ước tính tổng số tiền đã đầu tư khoảng 11.800 tỷ đồng); các dự án đã quy hoạch, chấp thuận nhà đầu tư nhưng chưa vận hành gần 1.976 MW.

Lý do được bộ này đưa ra khi đề nghị triển khai tiếp các dự án trên là để “tránh rủi ro pháp lý, khiếu kiện và đền bù cho các nhà đầu tư”. Bộ này lưu ý, các dự án được xem xét triển khai để vận hành thương mại phải tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng, khả năng hấp thụ của hệ thống điện và khả năng giải toả công suất của lưới điện. Số dự án này cũng phải tuân thủ đúng cơ chế giá tại thời điểm đưa vào vận hành, chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về hiệu quả.

Nếu số dự án này được Thủ tướng chấp thuận triển khai tiếp, tổng công suất nguồn điện của hệ thống đạt gần 133.879 MW vào 2030 với phương án cơ sở và 148.359 MW ở kịch bản phụ tải cao cho điều hành.

Với các dự án điện mặt trời đã có trong quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư, tổng công suất trên 4.136 MW, Bộ Công Thương đề nghị giãn sau giai đoạn sau năm 2030 mới phát triển tiếp. “Nếu đưa vào giai đoạn trước năm 2030 số dự án này sẽ làm tỷ lệ năng lượng tái tạo trong hệ thống tăng cao, khoảng 26%, ảnh hưởng tới khả năng vận hành an toàn, tin cậy của hệ thống điện và vận hành kinh tế các nguồn thuỷ điện, nhiên điện và bao tiêu khí hiện có”, Bộ Công Thương giải thích.

Trường hợp nếu các nguồn điện khác chậm tiến độ, và điều kiện kỹ thuật hệ thống điện tốt hơn, đảm bảo hấp thụ mức độ cao hơn điện mặt trời và an toàn, kinh tế các nguồn điện khác trong hệ thống…, cơ quan quản lý sẽ cân nhắc, báo cáo Chính phủ việc có cần đẩy sớm vận hành số dự án này hay không.

Bên cạnh các dự án điện mặt trời bán điện cho lưới quốc gia, các dự án điện mặt trời (điện gió) theo hình thức tự sản xuất, tự dùng, không phát lên lưới điện; hay các dự án điện mặt trời (điện gió) sản xuất theo các loại hình năng lượng mới (hydrogen, amoniac…) cần được ưu tiên phát triển, cho phép bổ sung quy hoạch và triển khai không giới hạn quy mô công suất, không phụ thuộc vào cơ cấu công suất đã có của quy hoạch.

Dự thảo quy hoạch điện VIII được Bộ Công Thương trình Thủ tướng lần 1 vào tháng 3/2021, nhưng phương án tính toán thời điểm đó không được chấp thuận do vẫn còn một số bất cập về quy mô phát triển nguồn điện, cơ cấu nguồn điện, cân đối vùng miền chưa hợp lý… Việc này dẫn đến yêu cầu về đầu tư lưới điện truyền tải liên vùng rất lớn.

Thủ tướng sau đó yêu cầu Bộ Công Thương tính toán lại phương án, cập nhật các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 nhằm “đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”.

Gần 30 cuộc họp bàn, góp ý về dự thảo quy hoạch điện VIII đã được Phó thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì. Dự thảo quy hoạch điện VIII đã hai lần được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua, nhưng tới giờ vẫn chưa được Thủ tướng phê duyệt.

Bộ Công Thương dự báo nhu cầu tiêu dùng điện đến năm 2030 theo 3 kịch bản: thấp, trung bình và cao. Các kịch bản này tương ứng với tăng trưởng GDP ở từng giai đoạn. Sau khi tính toán, bộ này đề xuất Quy hoạch điện VIII điều hành theo phương án kịch bản phụ tải cao, có dự phòng 15% công suất nguồn điện nếu thực tế việc phát triển các nguồn điện công suất lớn chỉ đạt 85% quy hoạch.

Tức là, phụ tải điện tăng 9,84% một năm 2021-2025 (tương ứng GDP tưng 7,5% một năm) và 8,88% mỗi năm 2026-2030, với GDP tăng 7,2% một năm vào 2026-2030.

Theo phương án này, năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện đạt 145.930 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).