Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất người đóng trên 12 năm bảo hiểm thất nghiệp, không nhận trợ cấp, được thêm quyền lợi.
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang hướng dẫn người lao động hoàn thiện hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN
Góp ý dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam góp ý nhiều nội dung về bảo hiểm thất nghiệp.
Đề xuất đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm có thêm quyền lợi gì?
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam nhận định nếu người lao động đóng đủ 144 tháng bảo hiểm thất nghiệp (tức 12 năm) mà không được nhận trợ cấp thất nghiệp với các tháng đóng thừa, có thể khiến họ nghỉ để nhận trợ cấp sau 12 năm.
Việc này có thể dẫn tới rút bảo hiểm xã hội một lần, ảnh hưởng đến chính sách an sinh xã hội, doanh nghiệp mất đi nhân sự lâu năm…
Ban soạn thảo có thể nghiên cứu quy định lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 144 tháng, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp, sẽ không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Phần bảo hiểm thất nghiệp đóng bổ sung chuyển sang chế độ khác của bảo hiểm xã hội để tăng quyền lợi khi nghỉ hưu.
Người lao động đóng dư có thể vay ưu đãi từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để duy trì sinh kế, hưởng hỗ trợ cho thân nhân gặp rủi ro việc làm.
Công đoàn nêu rõ không ít doanh nghiệp muốn sa thải lao động mà không có lý do chính đáng, nên thực hiện các “mánh khóe”. Đó là đẩy chỉ số đánh giá hiệu quả công việc (KPI) lên mức không thể thực hiện được, ban hành nội quy trừ lương, thưởng, thu nhập khác khi không đảm bảo KPI, vi phạm lỗi nhỏ trong làm việc…
Qua đó, nhiều người gặp khó khăn, thu nhập thấp, không đủ chi trả nhu cầu sống, bị ép đơn phương chấm dứt hợp đồng. Một số doanh nghiệp có hành vi “giấu tay” như trao đổi thông tin với doanh nghiệp khác, khiến lao động khó tìm việc mới.
Tổ chức công đoàn đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu quy định để người bị sa thải không được chủ sử dụng lao động tiếp nhận vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam còn đề nghị quy định chủ sử dụng lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động trong 30 ngày kể từ ngày giao kết hợp đồng. Với hợp đồng dưới 3 tháng, người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm thất nghiệp vào ngày người lao động bắt đầu làm việc.
Tổ chức này đồng tình rằng các trường hợp không được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp, tính hưởng trợ cấp bao gồm người nhận lương hưu hằng tháng, ra nước ngoài định cư, bị xử phạt vi phạm hành chính…
Tuy nhiên, công đoàn cũng đề nghị nghiên cứu, xem xét không bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp với người từ chối nhận việc làm 2 lần mà không có lý do chính đáng từ giới thiệu của trung tâm việc làm.
Nhiều bạn trẻ tìm việc làm tại các ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm, tránh thất nghiệp - Ảnh: HÀ QUÂN
Đề xuất điều chỉnh trợ cấp lên 75% bình quân tiền lương
Công đoàn đề nghị ban soạn thảo có thể điều chỉnh mức hưởng trợ cấp thất nghiệp lên 75% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi mất việc, đảm bảo cuộc sống tối thiểu.
Tổ chức này đề nghị người đóng bảo hiểm thất nghiệp, đến tuổi nghỉ hưu, chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp lần nào, được hưởng 50% số tiền đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.
Bởi nhiều lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp không được hưởng quyền lợi vì về hưu. Thậm chí, có người xin về hưu sớm để hưởng 12 tháng trợ cấp thất nghiệp rồi mới hưởng lương hưu.
Tổ chức công đoàn đề nghị bổ sung quyền lợi cho lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp liên tục từ tháng 145 trở đi. Ví dụ, người đóng dư 12 tháng được hỗ trợ thêm 0,1 tháng trợ cấp thất nghiệp.
Ngoài ra, công đoàn còn đề xuất nhiều nội dung về bỏ quy định giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp tối đa 12 tháng, hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, quyền khiếu nại…
HÀ QUÂN