Đề xuất tiếp tục hỗ trợ tài khóa hồi phục kinh tế

Trong ngắn hạn, khi mô hình kinh tế chưa thể nhanh chóng cải thiện về chiều sâu, thì để đạt mục tiêu tăng trưởng cao ngay trong năm 2024, Chính phủ vẫn sẽ phải dựa vào các chính sách cấp bách để phục hồi nhanh chóng tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu.

Theo đó, các chuyên gia kinh tế khuyến nghị, chính sách tài khoá vẫn là chủ công của quá trình hồi phục và phát triển kinh tế hiện nay, nhất là trong việc kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong nước.

Nghị quyết số 110 năm 2023 của Quốc hội quy định giảm 2% mức thuế suất thuế Giá trị gia tăng - VAT trong 6 tháng đầu năm 2024. Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ tài khóa này trong 3 tháng đầu năm nay cho thấy đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân hơn 11.480 tỷ đồng. Cuối tháng tư vừa qua, Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội về kết quả thực hiện việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng - VAT, cũng như đề xuất tiếp tục kéo dài chính sách này trong 6 tháng cuối năm.

Kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa từng bước khôi phục kinh tế

Theo nhận định chung, chính sách hỗ trợ tài khóa này góp phần giảm giá bán hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, từ đó tăng tiêu dùng của người dân, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu của chính sách, là kích cầu tiêu dùng, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh phát triển…

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: “Một loạt chính sách kích cầu từ tiêu dùng đầu tư xuất khẩu cho đến chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thì nhiều chuyên gia đã nói dư địa của chính sách tiền tệ, độ linh hoạt không còn nhiều, nên quan trọng là chấp nhận một mức hỗ trợ bằng chính sách tài khóa quyết liệt hơn. Trong chừng mực nào đó chúng ta còn khá “rón rén” trong khi dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn”.

Trung Hiếu/VOV1

Link gốc

https://vov.vn/kinh-te/de-xuat-tiep-tuc-ho-tro-tai-khoa-hoi-phuc-kinh-te-post1092446.vov