Đêm mai VinFast niêm yết sàn chứng khoán Mỹ dẫn đường doanh nghiệp Việt tiếp cận vốn quốc tế

Theo góc nhìn phân tích, việc một doanh nghiệp lớn như VinFast niêm yết ở sàn quốc tế được cho là sẽ thu hút được dòng vốn quốc tế tham gia, từ đây cũng mở cơ hội cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn tầm quốc tế. Hơn nữa, thương vụ cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài thấy được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.

Sau giao dịch hợp nhất với Black Spade Acquisition Co (NYSE: BSAQ) (dự kiến ngày 14/8), VinFast Auto Pte. Ltd. (VinFast) sẽ hoạt động như một công ty hợp nhất. Cổ phiếu phổ thông và chứng quyền VinFast sẽ bắt đầu giao dịch trên sàn chứng khoán Nasdaq Stock Market LLC (Nasdaq) vào ngày 15/8, dưới các mã niêm yết mới lần lượt là “VFS” và “VFSWW”.

VinFast là công ty con của Vingroup và được thành lập năm 2017. Hiện VinFast đã phát triển thành công hệ sinh thái xe điện toàn diện gồm các dòng xe SUV điện; xe máy điện và xe buýt điện. Xe của VinFast được bán tại Việt Nam, Bắc Mỹ và sắp tới là châu Âu. VinFast sở hữu nhà máy sản xuất ô tô hiện đại tại Hải Phòng, Việt Nam với tỷ lệ tự động hóa lên tới 90% và công suất sản xuất hàng năm lên đến 300.000 xe trong giai đoạn 1.

Bên trong nhà máy của VinFast. (Ảnh: VinFast).

Các mẫu ô tô điện VinFast đã được bàn giao tại thị trường Việt Nam bao gồm: VF e34, VF 8, VF 9 và VF 5. Đầu năm 2023, VinFast cũng đã xuất khẩu 2 lô xe VF 8 đầu tiên tới Bắc Mỹ, trở thành thương hiệu xe điện được công nhận toàn cầu.

Ngày 28/7 vừa qua, VinFast đã khởi công xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại Bắc Carolina, đánh dấu bước tiến lớn trong quá trình mở rộng toàn cầu và phát triển chuỗi cung ứng của công ty tại thị trường Bắc Mỹ.

Tiếp thêm động lực cho doanh nghiệp Việt Nam hướng ra biển lớn

Ông Huỳnh Hoàng Phương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Liên quan đến sự kiện VinFast niêm yết tại Mỹ, trao đổi với người viết, ông Huỳnh Hoàng Phương, Giám đốc khối Phân tích Công ty Tư vấn và Quản lý gia sản FIDT đánh giá sự kiện niêm yết VinFast là kết quả của cả một quá trình cố gắng phấn đấu theo đuổi mục tiêu của Vingroup (Mã: VIC) dù phải đương đầu với nhiều khó khăn, trở ngại, chứ không phải gặp may mắn. Và do đó, với đội ngũ của họ, tin rằng Vinfast sẽ tận dụng tốt các cơ hội huy động vốn quốc tế ở Mỹ khi nhà đầu tư trên thị trường này yêu thích công nghệ, quan tâm ESG và các ngành công nghiệp mới.

Ngoài ra, một số yếu tố hỗ trợ cho VinFast như việc công ty đã nhận được giấy phép xây dựng và khởi công xây dựng nhà máy ở Mỹ vào ngày 27/7 vừa qua và việc đối đầu công nghệ Mỹ - Trung nếu tiếp tục kéo dài cũng có thể giúp VinFast tránh được các đối thủ “nặng ký” xe điện Trung Quốc trên thị trường Mỹ.

Ông Phương kỳ vọng VinFast sẽ tận dụng được các cơ hội huy động vốn tại Mỹ sắp tới. Tuy nhiên, công ty cũng cần chứng minh được hiệu quả ở thị trường Mỹ thông qua doanh số tiêu thụ để nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư.

"Việc một công ty Việt Nam niêm yết trên sàn NASDAQ chứng tỏ các doanh nghiệp Việt dần tiếp cận được các tiêu chuẩn về của khu vực và toàn cầu. Vingroup là “cánh chim đầu đàn” đã làm được thì sẽ mở đường và tiếp thêm động lực cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp bước niêm yết trên các thị trường khu vực (như Singapore) hay ở Mỹ trong tương lai không xa”, vị chuyên gia của FDIT nhận định.

Gia tăng sức hút của TTCK Việt Nam trong mắt nhà đầu tư cả trong và ngoài nước

Theo góc nhìn của ông Phương, việc VinFast hay sắp tới là các doanh nghiệp Việt Nam khác niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ hay khu vực sẽ có các mối liên kết với thị trường Việt Nam theo một số khía cạnh.

Thứ nhất là về định giá. Khi các doanh nghiệp này niêm yết ở khu vực hay Mỹ và giá trị công ty được định giá trên các thị trường lớn này sẽ là một tham chiếu quan trọng cho định giá các công ty tương tự ở Việt Nam.

Việc giới hạn “room” ngoại hay sự chiếm tỷ trọng quá lớn của vài nhóm ngành (như nhóm ngân hàng) ở thị trường nội địa khiến định giá nếu nhìn cục bộ sẽ bị chi phối nhiều bởi cung - cầu cổ phiếu của từng nhóm ngành, các nhóm với cung cổ phiếu quá lớn về mặt cung cầu dễ bị định giá thấp hơn.

Việc các công ty tương đương được niêm yết trên thị trường quốc tế sẽ là một tham chiếu quan trọng cho định giá các công ty ở Việt Nam và giúp nhà đầu tư nội có cái nhìn rộng hơn về định giá các doanh nghiệp khi có thêm một hệ quy chiếu.

Hơn nữa, nếu một doanh nghiệp có công ty con, công ty liên kết niêm yết trên sàn chứng khoán quốc tế cũng sẽ làm một tham chiếu cho việc định giá công ty mẹ đang niêm yết ở thị trường Việt Nam.

“Ví dụ như trường hợp của VinFast, công ty này dự kiến được định giá 23 tỷ USD khi niêm yết (theo Vingroup). Với việc Vingroup nắm giữ 51% vốn của Vinfast, giá trị sở hữu của Vingroup tại công ty con này sẽ tương đương hơn 11,7 tỷ USD, trong khi vốn hóa thị trường của Vingroup tính đến hết 11/8 cũng chỉ khoảng 11,7 tỷ USD ngang với phần vốn sở hữu tại VinFast, chưa kể VIC sở hữu nhiều tài sản và các công ty con khác như Vinhomes (Mã: VHM), Vincom Retail (Mã: VRE),…

Do đó, theo phương pháp định giá cộng gộp từng phần (Sum of The Parts – SOTP) thì Vingroup đang được định giá rẻ, đây cũng là nguyên nhân chính khiến cổ phiếu tăng mạnh trong thời gian vừa qua khi có bước tiến triển về niêm yết VinFast”, Giám đốc Phân tích FIDT cho biết.

Mối quan hệ sở hữu tại VinFast. (Nguồn: FIDT).

Thứ hai, việc VinFast niêm yết tại Mỹ giúp nhà đầu tư quốc tế biết nhiều hơn về doanh nghiệp và thị trường Việt Nam. Khi VinFast hay các công ty Việt Nam niêm yết trên các sàn chứng khoán quốc tế cũng giúp cho nhiều nhà đầu tư ở nước ngoài biết và quan tâm đến các công ty Việt Nam hơn và kỳ vọng sẽ dần “thân thuộc” hơn với thị trường Việt Nam.

Bởi vậy sự kiện này cũng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam nhận được sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài hơn trong tương lai. Với việc doanh nghiệp niêm yết trên thị trường quốc tế được định giá cao cũng giúp nhà đầu tư nước ngoài thấy được sức hấp dẫn của thị trường chứng khoán Việt Nam.