TỔNG QUAN NGÀNH HÓA CHẤT/PHÂN BÓN
1. Photpho vàng
Giá phốt pho vàng - một trong những nguyên liệu quan trọng nhất của ngành sản xuất phân bón, xây dựng, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, luyện kim, sản xuất chất bán dẫn… đã diễn biến “nóng” trong hai năm trở lại đây.
Trên thế giới hiện nay chỉ có 18 nhà sản xuất phốt-pho, mà Trung Quốc là nước có sản lượng phốt pho vàng lớn nhất thế giới. Nga cũng là một trong các nước sản xuất và xuất khẩu phốt pho vàng đứng đầu với 5,8% sản lượng phốt pho toàn cầu vào năm 2020.
Trung Quốc đã bắt đầu cắt giảm sản lượng dưới sức ép của chính sách giảm tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, chiến sự Nga - Ukraine gây đứt gãy chuỗi cung ứng khiến lượng phốt-pho vàng lưu hành trên thị trường thế giới giảm sút, đẩy giá tăng sốc đặc biệt trong một năm trở lại đây. Vào cuối tháng 2, giá loại hóa chất này cũng có đợt tăng nóng từ vùng 32.000 CNY/tấn lên vùng 40.000 CNY/tấn vào giữa tháng 5 và sau đó lao dốc mạnh.
Trong hai tuần vừa qua, giá P4 ở Trung Quốc tăng 27,7% từ mức đáy tháng 8 là 26.500CNY lên 36.250CNY nhưng vẫn giảm 5% so với trước đợt điều chỉnh từ tháng 6 chủ yếu do hạn hán ở Tứ Xuyên - nơi chiếm 20% công suất P4 ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Tứ Xuyên đã có mưa và nguồn điện cung cấp cho công nghiệp đã khôi phục lại.
Em dự báo giá photpho sẽ duy trì ở mức cao và tăng dần trong những tháng cuối năm 2022 do sản lượng của Trung Quốc bị thu hẹp do chính sách môi trường nghiêm ngặt hơn của chính phủ và thiết hụt nguồn cung Apatit. Theo Zhang Xiaorong, sau nhiều năm khai thác, nguồn cung quặng apatit ở Trung Quốc đã giảm đáng kể. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc tiếp tục thắt chặt các yêu cầu khai thác đá phốt phát lo ngại về vấn đề bảo vệ môi trường. Với sự thiếu hụt nguồn cung đá phốt phát, hai tỉnh khai thác phốt phát lớn nhất của Trung Quốc bao gồm Quý Châu và Hồ Bắc đã bị hạn chế xuất khẩu trong nửa cuối năm 2022. Theo CRU Group, Trung Quốc đã ban hành hạn ngạch xuất khẩu 3 triệu tấn apatit trong 6 tháng cuối năm ( giảm 40% so với 6T22).
2. DAP
Phân bón DAP là sản phẩm đầu ra từ gốc photpho (sau khi sản xuất ra axit phosphoric trích ly), là sản phẩm của DGC và DDV. Trái với Ure, quy trình sản xuất DAP không phụ thuộc nhiều vào giá khí tự nhiên do chủ yếu dùng điện, do đó, giá của phân bón DAP thế giới trong thời gian qua vẫn đi ngang sau khi điều chỉnh giảm 25%.
Diễn biến chỉ số DAP ở Trung Quốc trong vòng 3 tháng
Tại Việt Nam, giá xuất khẩu DAP đến tháng 6 đã có điều chỉnh giảm và giá sẽ tiếp tục giảm trong tháng 9, sau đó đi ngang như diễn biến giá thế giới. Trung Quốc đã đưa ra thông báo sẽ tiếp tục gia hạn các hạn chế về xuất khẩu phân bón cho đến cuối năm 2022. Giá trị xuất khẩu DAP và MAP trung bình hàng tháng của Trung Quốc vào năm 2022 sẽ giảm lần lượt 40%/46% so với giá trị xuất khẩu trung bình trong ba năm trước.
3. Ure
Gía ure hiện đang bị đẩy lên cao do:
(1) Nga đóng cửa đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream 1. Trong đó khí tự nhiên là nguyên liệu thô được sử dụng phổ biến nhất để sản xuất amoniac và urê hiện đang gặp gián đoạn từ nguồn cung của Nga dẫn đến thiệt hại cho các ngành công nghiệp tại châu Âu.
(2) Khủng hoảng thiếu phân đạm ở châu Âu. Các nhà sản xuất ure ở châu Âu lần lượt đóng cửa, còn lại chỉ hoạt động cầm chừng ở mức một phần tư công suất bình thường, dự báo sẽ chỉ có hai trong số tám triệu tấn thuộc năng lực sản xuất của khu vực còn tiếp tục hoạt động. Cuộc khủng hoảng phân bón tại đây ngày càng trầm trọng với hơn hai phần ba công suất sản xuất bị cắt do chi phí khí đốt tăng cao.
Vì vậy giá Ure sẽ dao động cao hơn trong nửa cuối năm 2022 và 6T2023. Sau đó nhu cầu từ thị trường EU hạ nhiệt kéo theo giá phân bón giảm nhẹ nửa cuối năm 2023.
Hiện lượng dự trữ phân urê chủ yếu đang nằm ở Trung Quốc, quốc gia đã hạn chế xuất khẩu kể từ năm ngoái để tránh lạm phát giá trong nước và chính sách này không có dấu hiệu thay đổi. Do đó giá urê trên thị trường Việt Nam có mối tương quan chặt chẽ với giá urê tại thị trường Trung Quốc hoặc Indonesia, hơn là giá urê tại Biển Đen hoặc Ai Cập.
Diễn biến giá Ure tại Trung Quốc
Hiện giá ure tại Trung Quốc vào khoảng 2.578 CNY, tăng 10% kể từ đáy ở tháng 8. Cùng với đó, đơn giá xuất khẩu ure trong tháng 7 khoảng 485-650 USD/tấn, tương đương 11,2-15 triệu đồng/tấn. Giá ure nội địa có thể tăng trở lại mức 16.500 đồng/kg vào tháng 11, tăng trưởng 7% so với mức giá tháng Bảy.
Cuối tháng 9/2022, khi Ấn Độ, thị trường tiêu thụ u-rê lớn nhất mở thầu, các doanh nghiệp trong nước có khả năng xuất khẩu được với giá cao hơn giá thị trường hiện nay.
Tại Mỹ, giá sà lan giao tháng 9 được bán ở mức 650 - 655 USD/tấn FOB Nola, sà lan giao tháng 10 giao dịch ở mức 650 USD/tấn FOB Nola; tháng 11 ở mức 635 - 665 USD/tấn FOB Nola. Ngày 6/9/2022, Pupuk Indo hủy thầu bán 30.000 tấn u-rê hạt đục và 6.000 -20.000 tấn u-rê hạt trong sau khi nhận được giá thầu thấp hơn mục tiêu. Tại Trung Quốc, hầu hết người bán đang giữ kín kế hoạch của họ trước khi có đợt mở thầu mua hàng của Ấn Độ được đóng.
Từ đầu năm, Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí-Công ty cổ phần (DPM) là đơn vị tích cực nhất trong việc tham dự các lô đấu thầu xuất khẩu ure sang Ấn Độ. Đây là một cơ hội tốt giúp DPM nói riêng và doanh nghiệp phân bón trong nước nói chung quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế. Tại Việt Nam, từ nay đến quý 4, cả nước bước vào vụ Đông Xuân, mùa vụ lớn nhất trong năm, nhu cầu nội địa và giá bán dự báo tăng tạo dư địa cho doanh nghiệp ngành phân bón tăng trưởng. Không chỉ phục vụ nhu cầu nội địa, các doanh nghiệp có thể gia tăng sản lượng xuất khẩu sang thị trường nước ngoài trong các quý tiếp theo, đặc biệt là Ấn Độ khi mùa vụ Kharif diễn ra vào tháng 6-10. Đây cũng là thời điểm Ấn Độ nhập khẩu nhiều phân bón nhất trong năm.
Thị trường xuất khẩu cũng cho thấy nhu cầu phục hồi mạnh mẽ ở mặt hàng này. Tổng lượng xuất khẩu phân bón trong nửa đầu năm nay lên mức 998.000 tấn với kim ngạch 647 triệu USD, tăng 43% về lượng và tăng tới 2,8 lần về kim ngạch so với cùng kỳ. Lượng xuất khẩu này đã vượt qua kết quả xuất khẩu của cả năm 2021 khi xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, thu về 559 triệu USD.
Tỷ giá tăng mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu
Ngày 26/8 vừa qua, ông Powell cảnh báo về khả năng FED tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để ngăn chặn đà lạm phát. Động thái này đã khiến tỷ giá đồng USD ngày 29/8 đã tăng giá lên mức cao nhất trong vòng 20 năm trở lại đây so với các đồng tiền khác trong rổ tiền tệ. Trên thị trường tiền tệ trong nước, ngày 15/9, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.277 đồng/USD, tăng 20 đồng/USD so với phiên giao dịch trước đó. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước ở mức 23.700 đồng/USD. Việc tỷ giá tăng cao đã giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu đặc biệt là DCM và DPM hưởng lợi.
DGC
Vị thế “Top” đầu ngành
Hiện tại, DGC có nhà máy sản xuất Photpho vàng lớn nhất Việt Nam với công xuất 60.000 tấn/năm - đang chiếm 50% thị phần phốt pho vàng trong nước và cũng là mảng đem về nguồn thu lớn nhất cho doanh nghiệp. DGC là đơn vị duy nhất trong nước có thể sản xuất phân MAP (100.000 tấn/năm), phân DAP&NPK (120.000 tấn/năm) phân lân (200.000 tấn/năm) và phụ gia thức ăn chăn nuôi duy nhất trong nước (120.000 tấn/năm). Chuỗi sản phẩm doanh nghiệp tạo ra từ phốt pho và gốc phốt pho đa dạng, hoàn chỉnh, giá thành cạnh tranh.
Kết quả kinh doanh
Lợi nhuận sau thuế luỹ kế 6T2022 tăng trưởng gấp 4,4 lần so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 7.637 tỷ đồng tăng 91% và lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 3.401 tỷ đồng, tăng 444% svck. Kết quả này có được nhờ sản lượng và giá bán ra của sản phẩm phốt vàng, phân bón và hoá chất tăng mạnh, trong khi đó giá vốn của DGC chỉ tăng 24%. Chỉ sau 6 tháng, DGC đã hoàn thành 63% kế hoạch doanh thu và 91% kế hoạch lợi nhuận sau thuế.
Đứng đầu về thị phần xuất khẩu Photpho
Doanh thu nội địa chiếm khoảng 27%, còn lại khoảng 73% đến từ xuất khẩu. DGC là công ty đứng đầu xuất khẩu Photpho của Việt Nam, trong đó Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn, Đài Loan, Mỹ và EU là các thị trường nhập khẩu chính. Ngoài ra, DGC cũng là nhà sản xuất lớn nhất và là nhà xuất khẩu duy nhất của Việt Nam đối với axit photphoric trích ly và nhiệt (WPA, TPA) đạt chuẩn thế giới. Do vậy mà khi giá photpho thế giới phục hồi vào tăng dần vào cuối năm 2022 thì doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi rất lớn.
Rào cản gia nhập ngành hóa chất lớn tạo lợi thế cho DGC tăng thị phần
Ngành hóa chất với đặc thù vốn đầu tư ban đầu lớn, thủ tục xin giấy phép khai thác khoáng sản đầu vào rất phức tạp, mất nhiều thời gian, tạo nhiều bất lợi cho doanh nghiệp mới gia nhập ngành. Chính vì vậy, DGC chỉ chủ yếu cạnh tranh với các đối thủ sẵn có trong ngành.
Kỳ vọng doanh thu từ phân bón phốt phát sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm
Trung Quốc đã đưa ra thông báo sẽ tiếp tục gia hạn các hạn chế về xuất khẩu phân bón cho đến cuối năm 2022. Theo Argus media, Trung Quốc đã thông báo áp hạn ngạch cho tổng lượng phốt phát xuống còn 3,16 triệu tấn trong nửa cuối năm 2022 (giảm 40% svck). Argus ước tính 2,4 triệu tấn trong hạn ngạch đó sẽ là phốt phát ammonium (DAP) và 765.000 tấn còn lại sẽ là phốt phát monoammoinum (MAP). Cũng theo dự báo giá trị xuất khẩu DAP và MAP trung bình hàng tháng của Trung Quốc vào 2022 sẽ giảm lần lượt 40% và 60% so với giá trị XK trung bình trong 3 năm trước.
Ngoài ra, việc sụt giảm lô hàng khí đốt từ Nga do xung đột chiến tranh đang gây ra thiệt hại cho các ngành công nghiệp tại Châu Âu. Do đó, cuộc khủng hoảng phân bón tại đây ngày càng trầm trọng với hơn 2/3 công suất sản xuất bị cắt do chi phí khí đốt tăng cao. Em kỳ vọng việc hạn chế xuất khẩu phân bón tại Trung Quốc và giá khí đốt cao sẽ khiến giá DAP và MAP ở mức cao trong nửa cuối năm 2022.
Tăng trưởng nhờ làn sóng 5G và xu hướng sử dụng xe điện
BloombergNEF dự báo, xu hướng ô tô điện sẽ tiếp tục bùng nổ trong tương lai, đạt mốc 30 triệu xe bán ra vào 2028, tỷ trọng xe điện đạt 48% tổng số xe ô tô thương mại bán ra năm 2030. Và theo hiệp hội các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu (GSMA) dự báo, mức độ thâm nhập 5G sẽ đạt khoảng 64% trên toàn cầu vào năm 2030, với khoảng 5 tỷ kết nối vào cuối thập kỷ này.
=> Sản lượng chất bán dẫn (chip) tỷ lệ thuận với sản lượng sử dụng phốt pho, theo dự báo của Wood Mackenzie dự báo sản lượng tiêu thụ chất bán dẫn có thể tăng lên 750.000 tấn vào 2030 đến từ ngành sản xuất pin xe điện, ước tính cần 150.000 tấn Phốt pho vàng. Bên cạnh đó thiết bị 5G cần nhiều hơn 30-40% số lượng chip so với 4G. Như vậy, nhu cầu photpho vàng trên thế giới dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.
Doanh số bán xe điện sẽ vượt qua động cơ đốt trong 20 năm tới
Siêu dự án Nhôm – Boxit
DGC đang triển khai dự án khai thác quặng bô xít, chế biến bô xít thành Alumin (giai đoạn 1 và giai đoạn 2 trong 2025-2026) và chế biến alumin thành nhôm (giai đoạn 3) tại tỉnh Đắk Nông. Vốn đầu tư theo kế hoạch có thể lên tới 1,6 tỷ USD – là dự án lớn nhất của DGC tính đến thời điểm hiện tại. Chủ tịch DGC ông Đào Hữu Huyên cho biết, dự án Khu liên hợp Nhôm có quy mô khai thác khoảng 14,4 triệu tấn quặng bô xít/năm và 3 nhà máy tuyển quặng công suất 5,8 triệu tấn quặng tinh/năm. Theo ban lãnh đạo, với giá Al2O3 hiện tại, giai đoạn đầu của dự án có thể tạo ra doanh thu ngang bằng mảng kinh doanh photpho hiện tại của DGC ~ 430 triệu USD.
Em kỳ vọng các dự án mới có thể trở thành động lực tăng trưởng dài hạn của DGC trong giai đoạn 2025-2028.
Định giá
Từ những giả định trên, em đánh giá triển vọng của DGC trong dài hạn là khả quan. Do đó, em khuyến nghị MUA cổ phiếu DGC với dự phóng mức doanh thu 2022 là 15.700 tỷ đồng (+65% svck); LNST 2022 là 6.900 tỷ đồng (+176% svck) tương ứng EPS đạt 18.600 tỷ và mức định giá hợp lý là 130.000 đồng/CP , tăng 33,3% so với giá hiện tại, tương đương với mức P/E dự phóng là 7 lần.