DHC - Chờ đợi thời cơ để viết tiếp câu chuyện

DHC, một mã cổ phiếu chưa từng làm các nhà đầu tư vào nó phải thất vọng, xuyên suốt từ ngày niêm yết trên HOSE, câu chuyện của DHC liên tục được viết lên bởi những thành tựu và những dấu mốc phát triển qua bao biến động thị trường, không nhiều cổ phiếu midcap có thể làm tốt như vậy.
Nhân dịp thị trường gặp nhiều sóng gió, tôi ngồi đây để viết cho chính mình và kể mọi người nghe 1 câu chuyện, sau này có lúc cần thì ôn lại bài cũ.
Trước tiên, chúng ta cùng điểm qua một vài dòng lịch sử doanh nghiệp nhé

DHC – Công ty Cổ phần Đông Hải Bến Tre

Tiền thân là nhà máy bao bì cho ngành thủy sản tỉnh Bến Tre năm 1994, đến 2003 được cổ phần hóa.

Đến năm 2009, công ty chính thức niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) với mã chứng khoán DHC

Tỷ lệ nắm giữ cổ phần của các cổ đông lớn cập nhật tính đến ngày 14/12/2022|365.0815496444702x282.41125655174255

DHC hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ giấy & bao bì, hiện có 2 Nhà máy Bao bì (Nhà máy Bao bì 1 đi vào hoạt động Q1/2022) với công suất ~ 110 triệu thùng carton/năm & 2 Nhà máy sản xuất giấy bao bì (Giao Long 1 & Giao Long 2, đã hoạt động full công suất) với công suất ~ 320,000 tấn giấy/năm (850 tấn/ngày)., trong đó sản phẩm chủ đạo của công ty đến từ mảng giấy kraft cuộn testliner/medium làm nguyên liệu cho bao bì carton

Nguồn nguyên liệu chính của công ty là giấy carton tái chế OCC được thu gom 40% trong nước và 60% nhập khẩu từ Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản.

Theo ban lãnh đạo, thị trường tiêu thụ chính của công ty 45% đến từ ngành chế biến thủy sản tại Đồng Bằng Sông Cửu Long, 20% từ các công ty may mặc và dược phẩm, 35% còn lại đến từ các khách hàng nhỏ lẻ. Công ty nắm giữ 30% thị phần tại thị trường nội địa trên (không tính xuất khẩu), có quy mô lớn nhất trong nước do hầu hết các đối thủ lớn vốn từ FDI khác đều tập trung xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc để đạt biên lợi nhuận cao, ví dụ như Vina Kraft (500.000 tấn/năm), Lee & Man (450.000 tấn/năm), Marubeni Kraft of Asia (400.000 tấn/ năm)

  • Như vậy có thể thấy được chiến lược đúng đắn của ban lãnh đạo DHC ở đây. Họ biết mình biết địch. Các doanh nghiệp FDI sản xuất giấy ở Việt Nam hầu hết đều là những doanh nghiệp có hậu thuẫn tài chính rất mạnh từ bên kia hàng xóm Trung Quốc. Sở dĩ, họ phải đặt nhà máy ở Việt Nam rồi lại xuất ngược về bên kia do Chính phủ Trung Quốc đã ra chính sách hạn ngạch nhập khẩu cùng chính sách đóng cửa rừng năm 2018 để bảo vệ môi trường, sản xuất tái chế từ giấy OCC là ngành công nghiệp độc hại cho môi trường và quy trình phát thải của nhà máy sản xuất đều gây ô nhiễm rất nặng. Phía Trung Quốc, nhu cầu giấy và bao bì vẫn rất lớn, trong khi đó cung bị hạn chế do chính sách của chính phủ, cộng thêm việc sản xuất ở Việt Nam với chi phí tiết kiệm hơn vì dư cung nguyên vật liệu đầu vào OCC nên biên lợi nhuận cho các doanh nghiệp FDI này là rất tốt khi họ xuất khẩu giấy ngược trở lại vào Trung Quốc. Vậy, gần như ở thị trường Việt Nam thì DHC không có đối thủ cạnh tranh xứng tầm.
  • Ở đây cũng phải nhắc đến một chút rủi ro cả về chất thải ra môi trường và đối thủ FDI. Sẽ là một trở ngại lớn cho DHC nếu các doanh nghiệp giấy của nước ngoài nâng công suất và chuyển hướng kinh doanh về Việt Nam

Đến năm 2016, khi DHC triển khai thực hiện Dự án nhà máy giấy Giao Long giai đoạn 2 với công suất 660 tấn/ ngày thì quỹ của CTCP Chứng khoán SSI thực hiện mua vào cổ phiếu của DHC và chính thức trở thành cổ đông lớn, cụ thể Daiwa- SSIAM Vietnam Growth Fund II LP mua 3,44 triệu cổ phiếu DHC (14,78%), Công ty TNHH quản lý quỹ SSI (SSIAM) mua vào 1,56 triệu cổ phiếu DHC (6,72%). Quỹ này nắm giữ cổ phiếu DHC trong vòng 4 năm cho đến khi nhà máy Giao Long 2 đi vào hoạt động chính thức được 1 năm.

8/7/2020, nhóm cổ đông SSIAM thoái toàn bộ hơn 11 triệu cổ phiếu, Trong đó, SSIAM bán 3,5 triệu cổ phiếu, tương ứng 6,225% cổ phần và Daiwa-SSIAM Vietnam Growth Fund II bán 7,7 triệu cổ phiếu, tương ứng 13,69% cổ phần theo phương thức thỏa thuận. Ðiều đáng chú ý, tổng giá trị giao dịch thỏa thuận là gần 371,95 tỷ đồng, tính ra giá bán trung bình đúng bằng mức giá sàn trong phiên 33.050 đồng/CP. Với mức giá bán này, nhóm cổ đông SSIAM đã lãi gấp đôi khoản đầu tư sau 4 năm.

Khi SSIAM thoái vốn, KWE Beteiligungen AG – quỹ đầu tư có trụ sở ở Thụy Sĩ – trở thành cổ đông tổ chức lớn nhất ở DHC, hiện tại đang nắm hơn 11 triệu cổ phiếu DHC tương đương tỷ lệ sở hữu là 14.49%, còn lại là các cá nhân chủ chốt trong HĐQT, họ đã đồng hành để lèo lái con thuyền DHC suốt nhiều năm trời, một minh chứng cho thấy sự uy tín và gắn bó với doanh nghiệp cùng vượt qua bao khó khăn.

Kể từ khi SSIAM thoái vốn, thị giá của cổ phiếu DHC liên tục tăng lên những đỉnh cao mới.

Từ tháng 7/2020 đến quý 4/2021 là khoảng thời gian bứt phá và thăng hoa của công ty cả về phương diện kết quả kinh doanh lẫn thị giá cổ phiếu.

Năm 2021, DHC ghi nhận tăng trưởng doanh thu ở mức cao với 4,164 tỷ đồng (+114.22% YoY) vượt kế hoạch đã đặt ra 10%, lợi nhuận đạt 481.3 tỷ đồng (+122.81% YoY) vượt kế hoạch đặt ra 23%. Nguyên nhân chính của tăng trưởng này chủ yếu tới từ doanh thu mảng giấy cuộn: (1) nhà máy Giao long 2 hoạt động ổn định và hoạt động vượt công suất (2) nhu cầu tiêu thụ giấy cuộn tăng, cung không đủ cầu đẩy giá bán giấy tăng cao.

Biên lợi nhuận ròng đạt đỉnh vào Q4/2020 ở mức kỷ lục 18%, biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể lên 23% nhờ vào nhà máy Giao Long 2 hoạt động vượt công suất, giá vốn hàng bán thấp từ hàng tồn kho giá rẻ trong những quý trước khi giá bán liên tục tăng cao do tình hình dịch bệnh làm gián đoạn việc thu gom khiến giá giấy OCC tăng. Bên cạnh đó, giá các nguyên liệu đầu vào khác cũng biến động mạnh như: giá than và giá cước vận tải,… cao nhất trong vòng nhiều năm trở lại.

Điều đáng lo nhất đã xảy tới

Đặc điểm sản xuất của doanh nghiệp (nguyên vật liệu đầu vào là giấy OCC chiếm 70% chi phí sản xuất và 60% trong số này là nhập khẩu) đặt ra cho chính DHC 2 điểm yếu lớn nhất.

1/ Rủi ro giá nguyên vật liệu tăng cao
2/ Rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá (DHC đang thanh toán mua nguyên liệu đầu vào hầu hết bằng USD)

Sự kiện “thiên nga đen” Covid-19 và hệ lụy suy thoái kinh tế do chiến tranh xung đột xuất hiện như một điềm gở mà không ai biết trước.

Năm 2021, giá giấy nguyên liệu OCC tăng mạnh, giá giấy OCC Mỹ, Châu Âu và Nhật Bản đã có có mức tăng trung bình 96% - 111% so với năm 2020. Nguyên nhân chủ yếu đến từ (1) ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tỷ lệ thu gom giấy thu hồi trên thế giới giảm mạnh; (2) Chi phí vận chuyển tăng mạnh; (3) Năm 2021, nhu cầu sử dụng giấy OCC để sản xuất bao bì công nghiệp (testliner và medium) trên thế giới tăng trở lại.

Chưa dừng lại ở đó, nỗi lo lắng lạm phát bao trùm lên toàn bộ thế giới như một hệ lụy của Covid-19 và chiến tranh Nga – Ukraina cuối tháng 2/2022 khiến giá năng lượng, dầu mỏ tăng cao, buộc FED phải liên tục tăng lãi suất và hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Điều này đã khiến tỷ giá USD/VND tăng cao nhất trong lịch sự, có thời điểm đã áp sát mốc 25.000 VND đổi 1 USD.

Biên lợi nhuận gộp giảm nhanh chóng từ đỉnh 23% còn 13% ở Q3/2022, EPS cũng ở mức thấp nhất kể từ Q4/2019.

Tăng trưởng Doanh thu liên tục giảm tốc.

Lợi nhuận sau thuế tăng trưởng âm so với năm 2021

Quý 3 năm 2022, DHC ghi nhận doanh thu đạt 971 tỷ đồng (+2% YoY) phần lớn đến từ sản xuất giấy cuộn chiếm 89% tổng doanh thu (trong đó giấy Testliner đóng góp 75%), còn lại là doanh thu từ bao bì. LNST đạt 64.5 tỷ (-26% YoY) giảm mạnh sao với cùng kỳ năm 2021. Nguyên nhân của sự sụt giảm đến từ (1) chi phí tài chính tăng 325% YoY trong đó lỗ chênh lệch tỷ giá đạt 9 tỷ (+3,174% YoY); (2) NM Giao Long 2 không còn được miễn thuế TNDN. Với mục tiêu đạt 3,900 tỷ doanh thu và 450 tỷ LNST, tính đến hết quý 3 DHC đã hoàn thành trên 50% kế hoạch cụ thể hoàn thành 77% kế hoạch về doanh thu và 66% kế hoạch về LNST công ty đặt ra.

Kỳ vọng gì cho tương lai

Chúng ta có thể đặt niềm tin vào DHC? Có. Nhưng chúng ta có thể đặt niềm tin khi các yếu tố từ vĩ mô không ủng hộ?

Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, có một vài điểm tích cực của ngành như sau:

Sản lượng tiêu thụ giấy cuộn của Việt Nam trong năm 2022 dự kiến đạt 6 triệu tấn và tăng trưởng 10% trong giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt sau dịch, các ngành hàng sử dụng bao bì carton như điện tử, hải sản, … tiếp tục tăng trưởng, đẩy mạnh xuất khẩu. Theo VPPA, các yếu tố tích cực tác động đến sự tăng trưởng của giấy bao bì tại Việt Nam, như sau:

  • Tiêu dùng và bán lẻ trong nước hồi phục mạnh mẽ trở lại ở mức trên 10%/ năm.
  • Tăng trưởng của ngành giấy tỷ lệ thuận với mức tăng trưởng GDP và tốc độ đô thị hóa. Mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam trên 6%, tốc độ đô thị hóa trong nước ước đạt 40% trong năm 2022.
  • Tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, RCEF, … các ngành hàng sử dụng nhiều bao bì giấy đẩy mạnh xuất khẩu và đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu đạt cao trên 12%.
  • Các chính sách bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa được khuyến khích sử dụng bao bì giấy thay thế cho túi nilon

Nhu cầu tiêu thụ giấy cuộn trên thế giới đã phục hồi nhưng chưa thể về mức trước đại dịch. Lũy kế 9T2022, tiêu thụ giấy cuộn trên thế giới giảm 3% YoY. Mức tiêu thụ toàn cầu thấp do quốc gia tiêu thụ giấy lớn nhất là Trung Quốc đóng cửa vì dịch bệnh

Tuy nhiên, kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ giấy cuộn trên thế giới sẽ hồi phục trở lại sau khi Trung Quốc nới lỏng lệnh giãn cách xã hội

  • Điểm tích cực thì đã có, mức giá cổ phiếu DHC cũng đã ở vùng giá rẻ với P/E khoảng 6.8 lần, đây sẽ là cơ hội tốt cho những nhà đầu tư giá trị và dài hạn.

Hiện nay, các nhà máy sản xuất của DHC đều hoạt động ổn định và vượt công suất đặt ra. Tỷ lệ sản xuất giấy testliner/ medium của Giao long 1 và Giao Long 2 lần lượt là 45%/ 55% và 80%/20%, có thể thấy DHC đang chú trọng sản xuất giấy testliner (giá bán cao hơn medium từ 5-7%).

  • Các dự án sắp triển khai:

  • Nâng công suất Công ty TNHH MTV Bao Bì Bến Tre: Tiếp tục xây lắp và hoàn thiện kỳ vọng vào sản xuất tối đa vào cuối năm 2023, đầu năm 2024.

  • Dự án Giao Long 3: với vốn đầu tư 1,800 tỷ bắt đầu xây dựng vào năm 2023 và kỳ vọng đưa vào hoạt động vào năm 2025

  • Công ty CP Giấy mới (máy 3): Kỳ vọng hoàn thành và đưa vào vận hành vào năm 2026 giúp DHC gấp đôi công suất sản xuất giấy

Trước mắt, thị trường giấy còn nhiều khó khăn và vĩ mô thế giới còn nhiều điều khó dự đoán trước, nhưng những kỳ vọng là khả thi để ta có thể chờ đợi một cơ hội, thời cơ để cho DHC có thể tiếp tục bứt phá và viết tiếp câu chuyện còn dang dở.

3 Likes

Có gì sai sót các bác cứ đóng góp cho e nhé

1 Likes

Nay gặm phải gây này thì đúng là hết chuyện luôn bác ạ

chào bạn, mình viết bài này để lưu câu chuyện ở đây thôi ha, chứ không khuyến nghị trading

Tự nhiên ăn quả sát sàn hôm qua nghĩ nó chán

Thời điểm hiện tại vẫn chỉ là chờ đợi thôi bác, ko kỳ vọng gì nhiều.
Đã đầu tư với thị trường thì kiên nhẫn thôi, xem ai lỳ hơn ai.
Nếu cảm xúc của mình chịu không được thì nên có người đồng hành với bác.

Bài phân tích hay quá. Mình cũng đang đầu tư DHC nên có thông tin gì nhờ bạn cập nhật thêm nhé. Cám ơn bạn nhiều

1 Likes

DHC nay là phiên break, vol lớn. Giá hướng tới vùng 45.

1 Likes