Giá nguyên vật liệu hạ nhiệt, giá bán Tesliner và Medium có thể tăng giúp tăng biên lợi nhuận của Công ty cổ phần Đông Hải Bến Tre (mã DHC). Nguyên vật liệu trong sản xuất sản phẩm giấy Kraft chiếm tỷ trọng lên tới 70% trong cấu thành giá vốn, trong đó thành phần chính là nguyên liệu giấy phế liệu OCC. Do vậy, biến động giá OCC sẽ ảnh hưởng lớn tới biên lợi nhuận của DHC.
Từ quý IV/2022, giá OCC đã giảm khá sâu, OCC châu Âu giảm từ 233 USD tại quý II/2022 về 163 USD (giảm 30,4%) trong quý IV/2022. Giá OCC có xu hướng đi ngang ổn định trong năm 2023 quanh 150 USD. Giá bán Tesliner và Medium cũng được dự báo khởi sắc trở lại bắt đầu từ giai đoạn tháng 10/2023. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp DHC sẽ cải thiện về mức 19% trong năm 2024 nhờ nhu cầu giấy tăng trở lại và chi phí nguyên vật liệu ổn định.
Trong dài hạn, nhu cầu về giấy tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng trên 2 chữ số đạt từ 14-18% trong 5-10 năm tới. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn còn thấp (42% tính đến tháng 9/2023), còn cách khá xa tỷ lệ đô thị hóa mục tiêu đạt 50% vào năm 2030. Đồng thời kỳ vọng từ sự phục hồi của các doanh nghiệp xuất khẩu, dòng vốn FDI tiếp tục đổ bộ vào Việt Nam. Từ đó, nhu cầu về giấy bao bì cũng sẽ tăng cao trở lại.
DHC vẫn còn khả năng gia tăng công suất và phát triển sản phẩm Kraftliner nhờ dự án Giao Long 3. Mặc dù thị trường giấy Kraft cạnh tranh khá gay gắt, công suất dư thừa đến 2 triệu tấn, song Đông Hải Bến Tre vẫn khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường. DHC chiếm đến 6% thị phần, các nhà máy giấy của DHC cũng hoạt động vượt công suất. Thị trường đang dư thừa công suất tuy nhiên những sản phẩm Kraftliner chất lượng cao vẫn phải nhập khẩu. Dự án Đông Hải Bến Tre ưu tiên hướng đến sản xuất những sản phẩm giấy Kraft chất lượng cao.
Tuy nhiên, rủi ro biến động giá nguyên vật liệu ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận doanh nghiệp.
Thêm vào đó là rủi ro về cạnh tranh. Ngành giấy bao bì là một trong những ngành có sự cạnh tranh rất lớn do rào cản tham gia thị trường thấp. Đồng thời, doanh nghiệp trong nước còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực Đông Nam Á khi Malaysia dư thừa 3 triệu tấn mỗi năm, Indonesia dư thừa 2 triệu tấn. Điều đó dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt trong ngành tại thị trường Việt Nam, đặc biệt tới từ những doanh nghiệp Trung Quốc khi nước này dịch chuyển các nhà máy sản xuất giấy tái chế sang các nước lân cận.
Chúng tôi đưa ra khuyến nghị mua đối với cổ phiếu DHC. Theo đó, sử dụng 2 phương pháp so sánh FCFF và P/E với tỷ lệ lần lượt là 60% và 40%, chúng tôi đánh giá giá trị hợp lý của cổ phiếu DHC ở mức 56,300 đồng/cổ phiếu tại thời điểm cuối năm 2024.