ĐHĐCĐ ACB: Lợi nhuận quý 1 dự kiến 4,900 tỷ đồng

Trực tuyến

Sáng ngày 04/04/2024, Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) dự kiến trình ĐHĐCĐ thường niên 2024 kế hoạch kinh doanh, phương án tăng vốn điều lệ, chia cổ tức bằng cổ phiếu và tiền mặt.

ĐHĐCĐ thường niên 2024 của ACB được tổ chức sáng ngày 04/04/2024.

Kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 đạt 22,000 tỷ đồng, tăng 10%

ACB định hướng năm 2024, tăng trưởng tín dụng cả năm với mức được Ngân hàng Nhà nước giao, cải thiện tỷ trọng thu nhập từ phí trên doanh thu, phát triển tệp khách hàng theo hướng cho phép khách hàng có thể thực hiện trên môi trường số và gia tăng số lượng giao dịch qua kênh số.

Kế hoạch đến cuối năm 2024, tổng tài sản sẽ đạt 805,050 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 593,779 tỷ đồng, tăng 11%; cho vay khách hàng đạt 555,866 tỷ đồng, tăng 14%. Kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 được ACB đề ra là 22,000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Nguồn: VietstockFinance

Tăng vốn điều lệ, chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu tổng tỷ lệ 25%

Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ACB dự kiến chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Lợi nhuận có thể sử dụng để chia cổ tức năm 2023 là 19,886 tỷ đồng. Dự kiến sau khi dùng 9,710 tỷ đồng để chia cổ tức năm 2023, lợi nhuận còn lại của ACB là 10,176 tỷ đồng.

Cụ thể, về phương án tăng vốn điều lệ thông qua chia cổ tức, ACB dự kiến phát hành thêm hơn 582.6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 15% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được nhận thêm 15 cp). Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 38,840 tỷ đồng lên 44,666 tỷ đồng.

Nguồn vốn thực hiện là lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận trước còn lại chưa chia tính đến 31/12/2023, số tiền chia cổ tức bằng cổ phiếu tương đương 5,826 tỷ đồng.

Cổ phiếu phổ thông phát hành để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu sẽ được phân phối theo phương thức thực hiện quyền. Thời gian thực hiện tăng vốn điều lệ dự kiến trong quý 3/2024.

Theo ACB, việc tăng vốn điều lệ là hết sức cần thiết nhằm tăng thêm nguồn vốn trung dài hạn cho các hoạt động cấp tín dụng, đầu tư trái phiếu chính phủ, thêm vốn để đầu tư cơ sở vật chất, các dự án chiến lược của ngân hàng và nâng cao năng lực tài chính.

Phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 cũng được Ngân hàng dự kiến tương tự năm 2023.

Nguồn: VietstockFinance

Mức thù lao dành cho HĐQT và BKS năm 2023 được dự kiến trình với tỷ lệ 0.6%/lợi nhuận sau thuế, tương đương 80.99 tỷ đồng. Thù lao cho HĐQT và BKS trong năm 2024 dự kiến trình cũng là 0.6%/lợi nhuận sau thuế.

Thảo luận :

Lợi nhuận quý 1 dự kiến 4,900 tỷ đồng

Kết quả kinh doanh quý 1/2024?

Ông Từ Tiến Phát – Tổng Giám đốc: Kinh tế Việt Nam quý 1 khởi sắc, đặc biệt lãi suất ổn định ở mức thấp. Nhưng có yếu tố không thuận lợi như tỷ giá tăng trên 2%, tăng trưởng tín dụng toàn ngành không tích cực, thị trường bất động sản chưa có khởi sắc.

Tín dụng quý 1 tăng 3.7% so với đầu năm. Huy động tăng 2.1%, trong đó CASA tốt hơn với 6.4%, tỷ lệ CASA cải thiện từ 22% lên 23%.

Lợi nhuận quý 1 dự kiến 4,900 tỷ đồng, mức này có giảm nhẹ, lý do là do trích lập dự phòng. Và quý 1/2023 có khoản thu bất thường từ xử lý nợ.

Mặt bằng lãi suất có thể tăng lại không? Nếu có thì ảnh hưởng kết quả kinh doanh thế nào?

Lãi suất huy động tiếp tục ổn định mức thấp đến cuối năm, có thể tăng nhưng tăng nhẹ.

Lãi suất cho vay duy trì ở mức khá thấp. Ví dụ như doanh nghiệp ở 4.6%, khách hàng cá nhân (KHCN) từ 6-8%, đã hỗ trợ cho khách hàng duy trì kinh doanh.

Cho vay bất động sản, mua nhà sửa nhà?

ACB không tập trung cho vay dự án bất động sản, dư nợ của các nhà phát triển bất động sản tại ACB dưới 2%, không có nợ xấu. Cho vay người mua nhà chiếm 22%, nợ xấu thấp hơn bình quân chung quanh 1%.

Doanh thu Bancassurance?

Năm 2023, doanh số Banca có sụt giảm so với năm trước nhưng ACB vẫn là 1 trong những ngân hàng có vị thế về Banca. Năm 2024 lập kế hoạch Banca bằng với 2023. Khó khăn thời gian tới sẽ đi qua, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển lại thúc đẩy tăng trưởng Banca trong các năm tiếp theo.

ACB có ý định tham gia TPDN không?

ACB không đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) và thời gian tới cũng chưa có ý định mở danh mục. Dù trong TPDN có khoản đầu tư trái phiếu ngắn hạn là hoạt động kinh doanh bình thường tại ACBS nhưng không góp tỷ trọng đáng kể vào ACB.

Chiến lược kinh doanh 3 năm tới?

Ông Trần Hùng Huy – Chủ tịch HĐQT: Tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường, đặc biệt là doanh nghiệp SME, do đó chiến lược ACB là tập trung về chất và lượng, các mảng thế mạnh là KHCN và SME.

Song song đó, đẩy mạnh khách hàng lớn, cân bằng các mảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung cho mảng ngân hàng số. Là những trụ cột phát triển trong những năm tới.

Về quản trị, áp dụng chuẩn mực quốc tế đã làm trong những năm qua.

...Tiếp tục cập nhật

Cát Lam

FILI

https://vietstock.vn/2024/04/dhdcd-acb-loi-nhuan-quy-1-du-kien-4900-ty-dong-737-1173300.htm