## Năm 2023, trong bối cảnh nhiều thách thức từ nền kinh tế vĩ mô và dựa trên cơ sở giá dầu trung bình là 70 USD/thùng, BSRdự báo lợi nhuận sẽ giảm 89% so với mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2022.
Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc BSR đang báo cáo kết quả sản xuất năm 2022. (Ảnh: Minh Hằng).
Sáng 13/4, CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (Mã: BSR) tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2023 tại TP HCM với 92 người, đại diện cho hơn 2 tỷ cổ phần, chiếm 92,98% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Nhìn lại năm 2022, Ông Bùi Ngọc Dương, Tổng Giám đốc BSR chia sẻ công ty gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó thị trường dầu thô và sản phẩm tiếp tục diễn biến phức tạp và khó tiên đoán, nhất là giai đoạn quý III và quý IV/2022 giá dầu rớt mạnh. Việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khiến các chi phí sản xuất kinh doanh của công ty bị đội lên,…
Dẫu vậy, BSR đã ghi nhận một năm kinh doanh với lợi nhuận đạt kỷ lục với lợi nhuận trước thuế hơn 15.586 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 19.000 tỷ đồng. Hao hụt dầu thô giảm kỷ lục, lần đầu đạt mức 0,16%. Đây cũng là năm đầu tiên công ty sản xuất thành công và xuất bán các sản phẩm quan trọng cho quốc phòng,…
Dự báo lợi nhuận giảm 89% năm 2023
Năm 2023, BSR đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất gần 95.645 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.628,4 tỷ, lần lượt giảm 43% và giảm 89% so với kết quả kiểm toán năm 2022 mới công bố. Công ty dự kiến nộp ngân sách nhà nước hơn 9.825 tỷ đồng. Kế hoạch này dựa trên dự báo giá dầu thô là 70 USD/thùng.
Năm 2023, BSR đặt kế hoạch lãi sau thuế chỉ 1.628 tỷ đồng, bằng 11% so với kết quả kỷ lục của năm 2022. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của công ty).
Năm 2023, BSR sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Thứ nhất, thuế nhập khẩu xăng giảm từ 8% xuống còn 5% mức thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp tăng từ 5% lên 10% dẫn đến lợi nhuận của BSR sẽ giảm.
Bên cạnh đó, lạm phát đang tăng sẽ kéo theo chi phí hoạt động của BSR trong năm 2023 đi lên. Song song đó, khi mua dầu thô trong nước, BSR phải tham gia chào mua cạnh tranh với các người mua khác nên có rủi ro không mua được lô dầu để thu xếp đủ nguồn dầu thô cho Nhà máy lọc dầu (NMLD) Dung Quất.
Giá cơ sở và phụ phí (Premium) có thể gây tác động bất lợi đến hiệu quả kinh doanh của BSR trong năm 2023.
Ngoài ra, BSR còn chịu sự cạnh tranh với xăng dầu nhập khẩu từ các nước Việt Nam tham gia hiệp định thương mại tự do và xăng dầu được sản xuất từ NMLD Nghi Sơn (NSRP). Đặc biệt là sản phẩm PP dự kiến sẽ gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với sản phẩm của các nhà máy trong nước như Hyosung Vina, NSRP, LSP,… và hàng nhập khẩu từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc.
Hội đồng quản trị (HĐQT) trình cổ đông phương án chia cổ tức năm 2022 bằng tiền với tỷ lệ 7% (700 đồng/cp). Với khoảng hơn 3,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ chi khoảng 2.170 tỷ đồng để thanh toán cổ tức.
Đề xuất dùng gần 15.500 tỷ đồng vốn tự có để nâng cấp NMLD Dung Quất
BSR ước tính tổng nhu cầu vốn đầu tư trong năm 2023 này hơn 1.622 tỷ đồng, trong đó gần 955 tỷ đồng cho dự án Nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất, còn lại là dành cho các dự án khác và mua sắm trang thiết bị.
Kế hoạch vốn đầu tư năm 2023 của BSR. (Nguồn: Tài liệu ĐHĐCĐ).
Theo kế hoạch, BSR sẽ thực hiện nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất với tổng mức đầu tư hơn 1,81 tỷ USD.
Tuy nhiên trong quá trình triển khai, dự án gặp nhiều khó khăn nên người đại diện phần vốn của Petrovietnam tại BSR đang thực hiện các trình tự thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư với tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án là 1,2 tỷ USD, trong đó phương án thu xếp vốn cơ sở gồm 40% vốn chủ sở hữu và 60% từ nguồn vốn vay.
Phương án thu xếp vốn có thể phải thay đổi từ 40% vốn chủ sở hữu, 60% nguồn vốn vay thành 60% vốn chủ sở hữu, 40% nguồn vốn vay. Lúc đó, vốn chủ sở hữu cần thu xếp khoảng 15.485 tỷ đồng.
Ngoài ra, theo kế hoạch 5 năm 2021 - 2025, nhu cầu vốn chủ sở hữu đầu tư cho các dự án khác và mua sắm tài sản cố định là 2.921 tỷ đồng.
Do đó, tổng nhu cầu vốn chủ sở hữu cho dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu và các dự án khác giai đoạn 2021 - 2025 có thể lên đến 18.406 tỷ đồng.
Với nhu cầu vốn cho hoạt động đầu tư trong những năm tiếp theo như trên, dự án nâng cấp nhà máy lọc dầu là rất cấp thiết, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và đáp ứng nhu cầu thị trường, BSR nhận định.
Tiếp tục cập nhật…