ĐHĐCĐ GDT: Đơn hàng đã kín tới tháng 8, sắp hoàn tất mua nhà máy 158 tỷ đồng ở Bình Dương

Sáng ngày 18/05, ĐHĐCĐ năm 2024 của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) được tổ chức trong bối cảnh ngành gỗ đón nhiều thông tin tích cực về đơn hàng.

ĐHĐCĐ GDT: Đơn hàng đã kín tới tháng 8, sắp hoàn tất mua nhà máy 158 tỷ đồng ở Bình Dương

Sáng ngày 18/05, ĐHĐCĐ năm 2024 của CTCP Chế biến Gỗ Đức Thành (HOSE: GDT) được tổ chức trong bối cảnh ngành gỗ đón nhiều thông tin tích cực về đơn hàng.

Nhìn lại, Chủ tịch Lê Hải Liễu đánh giá năm 2023 là giai đoạn nhiều biến cố với biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, lạm phát, và sự hồi phục chậm chạp của nhu cầu. “Trong bối cảnh khó khăn, người dân dè dặt trong tiêu dùng, đơn đặt hàng ít lại. Tuy nhiên, chúng tôi không mất khách hàng và quan trọng là không lỗ”, bà Liễu chia sẻ.

Giữa cảnh khó khăn, GDT đã tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành bằng cách sáp nhập các nhà máy về nhà máy 3 ở Bình Dương, lắp đặt hệ thống điện mặt trời, và tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới tại các hội chợ quốc tế.

Tuy vậy, GDT vẫn ghi nhận bước lùi trong hoạt động kinh doanh, với doanh thu giảm 22% và lãi ròng giảm 47%. Chủ tịch Liễu cho biết, con số không cao, nhưng cũng giúp GDT thiết lập kỷ lục có lãi 32 năm liên tiếp.

Chủ tịch Lê Hải Liễu phát biểu mở màn ĐHĐCĐ thường niên 2024 của GDT. Ảnh: VH

Lạc quan trong những tháng đầu năm

Bước sang năm 2024, GDT đã nhận thấy nhiều tín hiệu lạc quan, với đơn hàng phục hồi và hoạt động sản xuất nhộn nhịp trở lại.

“Qua biết bao cuộc khủng hoảng, quy luật hình sin vẫn rất đúng. Ngành gỗ đã chạm đáy của hình sin. Hiện các nhà nhập khẩu đã sử dụng hết lượng hàng trong kho và phải đặt hàng, thậm chí đặt gấp dù tình hình kinh tế chưa phải lạc quan trong năm 2024”, Chủ tịch Liễu chia sẻ.

“Khi khách hàng đặt gấp, những người luôn trong tư thế sẵn sàng mới có thể tiếp nhận và đó là GDT. Chúng tôi không sa thải nhân sự, nguyên liệu luôn dồi dào và sẵn sàng mặt bằng nhà xưởng. Có thể thấy GDT đã rất chắc trong khâu chuẩn bị”.

Theo chia sẻ của Chủ tịch Liễu, tính tới thời điểm này, đơn hàng của GDT đã kín tới cuối tháng 8. “Nếu trước đây GDT đơn hàng nào cũng nhận, thì giờ là lúc chọn lọc đơn hàng, chỉ làm những đơn hàng tốt, có biên lợi nhuận cao”, bà chia sẻ.

Tính đến cuối quý 1/2024, số nhân viên của GDT tăng gần 100 người lên 768 người so với cuối năm 2023.

Để đảm bảo tiến độ giao hàng, GDT đã tuyển dụng thêm lao động và mua thêm máy móc. Tuy vậy, Chủ tịch Liễu nhấn mạnh công ty sẽ không tuyển dụng ồ ạt khi chưa quá chắc chắn về đơn hàng trong tương lai. Trong trường hợp đơn hàng quá nhiều, GDT sẽ tính tới chuyện đặt hàng những nhà thầu phụ, chứ chưa tính đến chuyện mở rộng nhà máy. Giải pháp này chủ yếu để “không đẩy khách hàng đi quá xa GDT”.

Nhìn về phía trước, ban điều hành nhận thấy tình hình thế giới vẫn còn bất ổn và tỏ ra thận trọng khi lên kế hoạch năm 2024.

Công ty đặt mục tiêu doanh thu gần 366 tỷ đồng và lãi sau thuế 60 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng lần lượt 18% và 65% so với năm trước. “Mức tăng trưởng kỳ vọng có vẻ cao, nhưng thực tế là do so với mức nền thấp năm 2023”, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết.

Nguồn: VietstockFinance

Tiền nhàn rỗi để làm gì?

Ở cuộc họp lần này, bài toán sử dụng lượng tiền nhàn rỗi cũng được ban lãnh đạo và cổ đông bàn luận sôi nổi.

Chủ tịch Liễu đánh giá lãi suất ở Việt Nam đang quá thấp và do đó gửi tiền sẽ hiệu quả không cao. Thay vào đó, bà hướng mắt tới các bất động sản “đang ngộp” của các công ty khác. Tiêu chí đặt ra là bất động sản đã có sẵn nhà máy và hợp đồng thuê.

“Nhiều doanh nghiệp và chủ đầu tư đang mệt về tài chính, tại sao chúng ta không tận dụng lãi suất thấp của giai đoạn này để mua tài sản nào người ta đang rất cần bán. Tình hình tài chính của GDT rất tốt nên cũng dễ dàng vay”, nữ Chủ tịch chia sẻ. Với bà, việc mua bất động sản lúc này không chỉ mang lại nguồn thu cho thuê ổn định và cũng có khả năng sinh lời rất lớn nếu chuyển nhượng trong tương lai.

“Rất may, chúng tôi đã tìm được một nhà máy ở phường Tân Hiệp, thành phố Tân Uyên, tinh Bình Dương và cũng gần nhà máy 3 của Công ty. Nhà máy này đã có sẵn một hợp đồng thuê với tỷ suất lợi nhuận từ việc cho thuê ổn định khoảng 10% và sau mỗi năm có thể tăng giá thuê”, bà cho hay.

Theo đó, GDT có thể phải chi ra 158 tỷ đồng để mua lại nhà máy này, trong đó công ty bỏ ra 68 tỷ đồng vốn tự có và 90 tỷ còn lại sẽ đi vay ngân hàng BIDV. Theo Chủ tịch Liễu, thương vụ này “dự kiến hoàn tất trong vài tuần tới” và khoản vay 90 tỷ đồng không “phải là vấn đề với GDT”.

Bên cạnh đó, do dồn hết máy móc và thiết bị về nhà máy 3, hiện GDT đã dừng hoạt động ở nhà máy 2 ở Gò Vấp và nhà máy 5 ở Đồng Nai.

Với nhà máy 2 ở Gò Vấp, công ty đã tìm được khách thuê ổn định với giá cho thuê tốt. “Mỗi tháng, việc cho thuê lại nhà xưởng này mang về gần 800 triệu đồng, tương đương một năm khoảng 10 tỷ”, bà cho biết. Trong khi đó, nhà máy 5 đang tìm khách thuê.

Bà Liễu ước tính, việc cho thuê nhà máy 2 và nhà máy sắp mua ở Bình Dương dự kiến mang về 25 tỷ đồng mỗi năm, trong khi chỉ tốn chi phí duy trì bảo dưỡng. “Chính hành động này giúp công ty tạo thêm 1 nguồn lợi nhuận, đồng tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả vận hành sản xuất. Với việc chỉ hoạt động ở nhà máy 3, GDT đã tập trung cải tạo nhà máy thành nơi rất khang trang và đẹp đẽ”, nữ Chủ tịch chia sẻ.

Tuy nhiên, "nữ tướng" của GDT cũng không loại trừ khả năng sẽ bán lại các nhà máy không dùng đến hoặc giữ lại để làm nơi tăng công suất nếu cơ hội đến. Bà lưu ý vị trí của nhà máy 3, 4 và nhà máy mới đều rất gần nhau và do đó cũng thuận tiện nếu phải mở rộng công suất.

FILI


Vũ Hạo

https://fili.vn/2024/05/dhdcd-gdt-don-hang-da-kin-toi-thang-8-sap-hoan-tat-mua-nha-may-158-ty-dong-o-binh-duong-737-1191182.htm