ĐHĐCĐ Nhựa Bình Minh: Chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 126%, kỳ vọng quý II bù đắp sự hao hụt lợi nhuận trong quý I

Chủ tịch HĐQT Nhựa Bình Minh Sakchai Patiparnpreechavud chia sẻ: "Quý I kết quả kinh doanh đang thấp hơn so với kế hoạch. Quý II công ty sẽ nỗ lực bù đắp về doanh thu và lợi nhuận".

Sáng 29/4, CTCP Nhựa Bình Minh (Mã: BMP) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 tại trụ sở công ty (đường Hậu Giang, Quận 6, TP HCM).

Nhựa Bình Minh tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024. (Ảnh: X.N).

Thay mặt ban lãnh đạo, ông Chaowalit Treejak, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng Giám đốc trình kế hoạch kinh doanh 2024 với doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Chỉ tiêu lãi trước và lãi sau thuế lần lượt là 1.290 tỷ đồng và 1.030 tỷ đồng, giảm 1% so với mức nền cao kỷ lục năm trước. Kế hoạch đầu tư là 141 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho biết định hướng trong năm 2024 tiếp tục dẫn đầu thị phần ngành nhựa, đa dạng hóa sản phẩm để mở rộng tập khách hàng, xây dựng ủy ban ESG và ủy ban Quản lý rủi ro...

Năm 2023, doanh thu giảm 11% so với 2022 về gần 5.200 tỷ đồng, thực hiện khoảng 82% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt kỷ lục 1.041 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2022 và vượt xa kế hoạch.

Kế hoạch LNST năm 2024. (Nguồn: X.N tổng hợp từ BCTC).

Với kết quả khả quan, ban lãnh đạo dự kiến dùng 99% lợi nhuận sau thuế năm 2023 để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông (tương ứng với 1.031 tỷ đồng) và còn lại trích quỹ khen thưởng. Tổng tỷ lệ chi trả cổ tức là 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng).

Nhựa Bình Minh đã tạm ứng cổ tức đợt 1 tỷ lệ 65% vào cuối năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp còn một đợt chia cổ tức với tỷ lệ 61%, tương ứng số tiền gần 500 tỷ đồng.

Năm 2024, Nhựa Bình Minh dự kiến tỷ lệ cổ tức tối thiểu 50% trên lợi nhuận sau thuế.

Về mặt nhân sự, đại hội bầu bổ sung ông Krit Bunnag, do cổ đông lớn NPI (sở hữu 54,99% vốn) đề cử, vào thành viên HĐQT. Ông Krit Bunnag có quốc tịch Thái Lan, hiện là Giám đốc tại NPI.

Ban chủ tọa đại hội (từ trái qua: Ông Nguyễn Hoàng Ngân, ông Sakchai Patiparnpreechavud, ông Chaowalit Treejak). (Ảnh: X.N).

Phiên thảo luận

Dự báo kết quả năm 2024 liệu sẽ tốt hơn 2023?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Năm nay ngành nhựa có tương quan với ngành bất động sản. Điều đó cũng có thể ảnh hưởng đến kỳ vọng của công ty. Hiện ngành bất động sản vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc đáng kể, nhu cầu chưa lớn, còn chịu ảnh hưởng các chính sách của Nhà nước, ảnh hưởng đến thanh khoản. Tôi cho rằng năm nay thị trường bất động sản sẽ không xuất hiện sự sụp đổ hay tăng trưởng nóng.

Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Chaowalit Treejak: Năm nay chúng ta chứng kiến nhiều hoạt động ở lĩnh vực đầu tư hạ tầng, điều này kết nối với hoạt động của công ty. Đây là dấu hiệu tốt. Có thể sẽ chưa nhìn thấy sự khởi sắc trong nửa đầu năm, mà vào trong nửa cuối năm.

Vì sao hiệu quả kinh doanh quý I giảm đáng kể? Công ty có đảm bảo kế hoạch kinh doanh đến cuối năm 2024?

CEO Chaowalit Treejak: Quý I kết quả kinh doanh không như kỳ vọng do ảnh hưởng kỳ nghỉ lễ tết kéo dài, cộng thêm một số yếu tố khác. Đội ngũ nhân sự bán hàng vẫn đang duy trì thị phần khá tốt. Ngắn và dài hạn công ty vẫn có chiến lược duy trì thị phần này.

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Quý I kết quả kinh doanh đang thấp hơn so với kế hoạch. Quý II sẽ nỗ lực bù đắp về doanh thu và lợi nhuận.

Dự báo diễn biến giá nguyên vật liệu đầu vào năm 2024 như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Năm nay thị trường PVC khá yếu, như đã chứng kiến trong quý I. Tôi dự báo diễn biến giá PVC quý II cũng tiếp diễn như vậy. Cả năm giá có thể cũng không quá biến động.

Biên lợi nhuận EBITDA (lợi nhuận trước lãi suất, thuế, khấu hao) năm 2024 dự kiến như thế nào? Nếu giá nguyên liệu đầu vào PVC tăng thì biên lợi nhuận công ty ảnh hưởng như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Năm 2024 nếu giá dầu thô tăng đột biến, là yếu tố ngoài tầm kiểm soát. Nếu mọi chuyện vẫn bình thường, giá đầu vào bình thường như hiện này thì biên lợi nhuận EBITDA vẫn ổn định. Theo tôi, nếu giữ biên EBITDA được như 2023 đã là thành công.

Nếu giá PVC giữ nguyên như hiện tại, sẽ ổn định. Nếu tăng, chi phí sẽ bị tăng cao. Chúng ta phải điều chỉnh giá. Năm nào cũng vậy, đó là cơ chế giá đầu vào tăng thì giá đầu ra phải điều chỉnh. Tất nhiên công ty kỳ vọng giá đầu vào ổn định.

Với lượng tiền đang nắm giữ, liệu công ty có thực hiện M&A trong thời gian tới không?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Hiện công ty chưa có kế hoạch M&A nào.

Ban lãnh đạo đánh giá rủi ro về tỷ giá hối đoái như thế nào?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Công ty không chịu nhiều ảnh hưởng trước biến động của tỷ giá.

Ban lãnh đạo có duy trì hoạt động tổ chức cho phía các cửa hàng (ngoài các nhà phân phối lớn) 2 năm 1 lần đi hội nghị trong nước hoặc nước ngoài như trước đây không?

Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoàng Ngân: Công ty thường tổ chức các hội nghị cho hệ thống phân phối cấp 1 hằng năm và cấp 2 là 2 năm một lần. Tuy nhiên gần đây cấp 2 không có hoạt động đó, dẫn đến thắc mắc của cổ đông. Về chính sách, ban điều hành không có bất kỳ ý kiến thay đổi gì về chính sách hiện tại. Tuy nhiên, chính sách này không nằm trong cam kết của công ty. Chúng tôi luôn muốn tổ chức những hội nghị như vậy để gắn bó với đối tác, khách hàng. Tùy thuộc tình hình thực tế, công ty sẽ tính toán thời điểm và địa điểm cho phù hợp.

Ông Nguyễn Hoàng Ngân. (Ảnh: X.N).

Vì sao từ đầu năm đến nay, một số lượng cán bộ nhân viên rời khỏi công ty? Có rủi ro bí mật kinh doanh, công nghệ của công ty có bị tiết lộ? Công ty có chính sách gì để giữ chân nhân sự trong tương lai?

CEO Chaowalit Treejak: Việc nhân viên nghỉ việc là bình thường. Theo tôi công ty đã có quy trình, chính sách rất tốt về mặt nhân sự. Công ty vẫn đang hoàn thiện quy trình để duy trì kết quả kinh doanh tốt nhất có thể. Chúng tôi cũng đã có cơ cấu về nhân sự, kỳ vọng từ đó công ty sẽ phát triển về trung dài hạn.

Yếu tố thông tin, hiện công ty đã có hệ thống bảo mật thông tin khá tốt, khó có việc bị tiết lộ thông tin ra bên ngoài.

Ống nhựa của công ty có lợi thế cạnh tranh như thế nào? Theo cổ đông biết, Nhựa Bình Minh đã giảm thị bớt thị phần năm 2023? Với dự báo thị trường bất động sản phục hồi từ cuối năm nay, công ty có chiến lược nào về giá bán?

Chủ tịch HĐQT Sakchai Patiparnpreechavud: Về lợi thế cạnh tranh, đầu tiên, năm 2023 Bình Minh tập trung vào sản suất. Sản phẩm đầu ra có sự tăng trưởng về năng suất, chất lượng nhờ đầu tư vào hệ thống, robot, nhân sự... Lợi thế thứ hai, Bình Minh là công ty duy nhất có ống nhựa không chứa chì tại Việt Nam, khách hàng sẽ thấy sản phẩm của BMP có độ bền hơn. Cùng với đó, công ty liên tục tung ra các sản phẩm mới mỗi năm, phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Năm 2023, thị trường bất động sản khó khăn, dẫn đến tiêu thụ nhựa giảm. Thị phần Bình Minh thu hẹp hơn do tiêu thụ giảm. Công ty đã và đang đưa ra sản phẩm mới, và đi vào phân khúc thị trường khác.

Đại hội bỏ phiếu. (Ảnh: X.N).

Cuộc họp kết thúc thúc với thông qua tất cả tờ trình.

Xuân Nghĩa

https://vietnambiz.vn/dhdcd-nhua-binh-minh-chia-co-tuc-tien-mat-ty-le-126-ky-vong-quy-ii-bu-dap-su-hao-hut-loi-nhuan-trong-quy-i-202442914393957.htm