Không chỉ là khu công nghiệp đầu tiên, Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) còn là nơi đầu tiên phải thực hiện di dời, chuyển công năng vì ô nhiễm. Chưa có tiền lệ, chưa có chính sách đã dẫn tới quá nhiều thách thức cho cuộc “đại phẫu lịch sử” này. Giải được bài toán sẽ tạo nền tảng cho các khu công nghiệp khác, đồng thời giúp cơ quan chức năng nhìn lại “tầm nhìn” khi quy hoạch đô thị, kinh tế.
Bài 3: Nan giải bài toán an sinh với hơn 21.400 lao động
Nhiều khả năng, hơn 21.400 lao động đang làm việc tại Khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 1 sẽ mất việc khi doanh nghiệp phải di dời đến địa điểm khác. Chuyển đến nơi làm mới, lo nhà cửa, học hành của con cái? Làm lại từ đầu khi tuổi đã cao, nghề cũ đã “chín”?... Đó là những câu hỏi lớn cho bài toán nhân sinh.
Nỗi lo tương lai bất định
Những ngày này, người lao động làm việc trong các công ty ở KCN Biên Hòa 1 đâu đâu cũng bàn tán về tương lai của mình sẽ ra sao khi doanh nghiệp phải di dời đến địa điểm khác trong thời gian ngắn tới đây. Tác động dễ nhận thấy nhất là xáo trộn việc làm của người lao động khi nhà máy di dời.
Hơn 20 năm gắn bó với Nhà máy sữa Dielac ở KCN Biên Hòa 1, khi hay tin KCN này phải di dời trong thời gian tới, ông Lê Đặng Quỳnh Anh (44 tuổi) không khỏi lo lắng về tương lai. Hiện nay, ông là lao động trụ cột của gia đình, là nguồn thu nhập chính để nuôi cả gia đình 5 miệng ăn. Nếu KCN di dời, ông buộc phải di chuyển đến nơi làm mới, trong khi gia đình đang sinh sống tại TP. Biên Hòa. Ông sẽ khó khăn hơn trong việc chăm sóc, cũng như quán xuyến việc học tập của con cái. Còn chọn việc khác để gần nhà, thì vấn đề tuổi tác cũng là trở ngại lớn. “Tôi lớn tuổi rồi. Khi nhà máy chuyển đi thì không biết xin việc ở đâu. Với tuổi như vậy, liệu có công ty nào nhận không?”, ông Quỳnh Anh băn khoăn.
Trong tâm trạng mông lung, nhiều công nhân không biết khi nào có thông tin cụ thể về thời gian di dời, các công ty cũng chưa đưa ra thông báo nào. Anh Cao Hữu Long, công nhân đang làm việc tại đây cho biết, anh và nhiều đồng nghiệp không biết rồi đây công ty sẽ đi đến địa điểm nào; đa số mọi người có gia đình và cuộc sống ổn định tại Biên Hòa. “Nếu trong trường hợp không thể theo công ty đến nơi mới, thì cũng mong được nhận một khoản trợ cấp nào đó để có thể xoay xở trong thời gian chờ tìm việc mới”, anh Long đề xuất.
Cũng giống như ông Quỳnh Anh và anh Hữu Long, nhiều công nhân không thể di dời đến chỗ mới, nên thay đổi này ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống hiện tại của họ.
Lo lắng của người lao động là điều dễ hiểu, bởi đa phần công nhân tại KCN Biên Hòa 1 đang sống ổn định tại đây.
Ăn vội bữa cơm trưa tại một quán cơm ngay cổng một xưởng cơ khí ở KCN Biên Hòa 1, anh Phan Tài, công nhân cơ khí nói trong tâm trạng lo lắng rằng, cả hai vợ chồng anh cùng làm việc ở KCN Biên Hòa 1, khi nhà máy chuyển đi và nếu cả hai cùng nghỉ việc thì không biết lấy gì nuôi sống 4 người trong gia đình.
Chia sẻ với phóng viên, anh Tài cho biết, chưa bao giờ anh rơi vào tình huống như thế này, nhưng phương án di dời công ty là điều bắt buộc. “Tôi bàn với vợ là có thể tôi sẽ theo công ty chuyển đến địa điểm mới để đảm bảo có nguồn thu nhập ổn định, còn vợ sẽ nghỉ việc và tìm việc mới ở các KCN lân cận để ở gần nhà và tiện chăm sóc con cái”, anh Tài chia sẻ.
Sản xuất tại Công ty Proconco trong KCN Biên Hòa 1 Ảnh: L.T |
Có chính sách hỗ trợ, nhưng vẫn trong quá trình xây dựng
Đề án Di dời, chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 của UBND tỉnh Đồng Nai cũng đã cho thấy rõ những khó khăn liên quan người lao động.
Cụ thể, theo cơ quan chức năng, KCN Biên Hòa 1 có 21.448 lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đa phần người lao động làm việc tại KCN này có độ tuổi từ 30 tuổi trở lên và làm việc lâu năm, cuộc sống đang ổn định tại TP. Biên Hòa hoặc khu vực lân cận. Do đó, khi các doanh nghiệp di dời đến địa điểm mới, thường xa KCN Biên Hòa 1, người lao động đa số không thể đi theo vì khó khăn về đi lại, nơi ở. Trong trường hợp nghỉ việc, những lao động này cũng khó có thể tìm được việc làm mới do đã lớn tuổi.
Đề án xác định rõ, doanh nghiệp gặp khó khăn về chi phí tuyển dụng, đào tạo người lao động mới, do công nhân cũ nghỉ việc vì không thể di chuyển đến nơi mới. Doanh nghiệp phải trả thêm một khoản trợ cấp thôi việc khi công nhân không tiếp tục làm việc và trả thêm tiền lương ngừng việc trong quá trình di dời…
Thế nên, theo báo cáo mới đây của UBND tỉnh Đồng Nai, khi các nhà máy phải di dời, tỉnh sẽ phải chi 1.270 tỷ đồng để hỗ trợ chi phí ổn định đời sống cho người lao động và chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp sau khi di dời. Số tiền này được lấy từ chính việc đấu giá đất KCN Biên Hòa 1.
Tuy nhiên, đến nay, các cơ quan của tỉnh Đồng Nai vẫn đang trong quá trình xây dựng chính sách hỗ trợ, nên cả người lao động và doanh nghiệp đều đang chờ.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Đồng Nai cho biết, khi xây dựng Đề án, các chính sách hỗ trợ người lao động sẽ được thực hiện đầy đủ. Ngoài ra, tỉnh sẽ vận dụng thêm các chính sách ưu đãi cho người lao động khi đến nơi làm việc mới dù lao động làm việc với doanh nghiệp cũ hay doanh nghiệp mới đều nhận được hỗ trợ. Đối với những lao động nghỉ việc không đi theo công ty đến địa điểm mới thì sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo chuyển đổi nghề.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư, một số nhà máy di dời khỏi KCN Biên Hòa 1 trước đây đã hỗ trợ công nhân tiền trợ cấp thôi việc, tiền lương ngừng việc trong thời gian di dời. Với lao động đi theo công ty đến địa điểm mới, doanh nghiệp hỗ trợ nhà ở, bố trí xe đưa đón.
Dù vậy, những người đi theo công ty cũng tỏ ra mệt mỏi, vì mỗi ngày phải mất hàng giờ di chuyển từ Biên Hòa đến địa điểm mới.
Bà Lê Thị Thu Vân, nhân viên Công ty Everpia cho biết, Công ty đã di dời từ KCN Biên Hòa 1 về KCN Giang Điền (huyện Trảng Bom). Hằng ngày có xe của Công ty đưa đón nhân viên, nhưng phải mất khoảng 1 giờ di chuyển để đến được địa điểm mới. “Hàng ngày, cứ đều đặn làm việc 8 giờ, cộng với 2 giờ di chuyển cho cả đi và về, nếu kẹt xe thì còn lâu hơn, nên người lao động cảm thấy khá mệt vì phải đi xa”, bà Vân than thở.
Cần thời gian nghiên cứu vì… quá mới
Trước câu hỏi của hàng loạt doanh nghiệp và người lao động về chính sách hỗ trợ khi di dời KCN Biên Hòa 1, tại hội nghị đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai diễn ra cuối tháng 3/2024, ông Trần Vũ Hoài Hạ, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai cho biết, sau khi UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch di dời, các sở, ngành mới bắt tay xây dựng chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động. Cơ chế, chính sách hỗ trợ không chỉ phục vụ doanh nghiệp trong nước, mà cả doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hiện nay, một số doanh nghiệp FDI có cam kết bảo hộ đầu tư, nên cần phải thương thảo để tránh xung đột với các cam kết đã ký.
“Việc di dời KCN là rất mới, chưa có tiền lệ, các chính sách, cơ chế hỗ trợ đi kèm cũng mới, có thể phải xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, nên tiến độ xây dựng cơ chế, chính sách có thể chậm. Nhưng chắc chắn rằng, khi di dời, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và đảm bảo kế hoạch di dời khả thi”, ông Hạ thông tin.
(Còn tiếp)