Việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương phía Bắc còn lúng túng; tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn...
Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024. Ảnh: VGP/PT
Thông tin được bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội đưa ra tại Hội nghị ngành Công Thương 28 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc lần thứ X, năm 2024 ngày hôm nay 17/5.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2024 mặc dù bối cảnh cho phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất công nghiệp của 28 địa phương khu vực phía Bắc có nhiều chuyển biến tích cực, duy trì đà tăng trưởng khá.
25 địa phương có IIP tăng trưởng dương
25/28 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng trưởng dương so với cùng kỳ; 11/28 địa phương có mức tăng trưởng từ 10% trở lên. Một số trung tâm công nghiệp khu vực phía Bắc đã khôi phục đà tăng trưởng công nghiệp như: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Nội…
Song song với công nghiệp, thương mại trong và ngoài nước của các địa phương trong khu vực cũng đạt được kết quả đáng ghi nhận với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của 28 tỉnh, thành khu vực phía Bắc ước đạt 1.404 nghìn tỷ đồng, tăng 12,3% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của khu vực ước đạt 120,7 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ. 24/28 địa phương trong vùng có kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng dương. Các địa phương đạt tổng kim ngạch xuất khẩu ở mức cao và chiếm tỷ trọng lớn trong toàn khu vực đều có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ: Hải Phòng đạt 16 tỷ USD, chiếm 13,3%, tăng 21%; Thái Nguyên đạt 17,8 tỷ USD, chiếm 14,7%, tăng 34%; Bắc Giang đạt 16,5 tỷ USD, chiếm 13,7%, tăng 22%...
Còn 'lúng túng' trong phát triển công nghiệp xanh
Đóng góp ý kiến tại Hội nghị, bà Trần Thị Phương Lan, quyền Giám đốc Sở Công Thương TP. Hà Nội nhận định: Khu vực công nghiệp - xây dựng duy trì tốc độ tăng trưởng và đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của thành phố Hà Nội. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò quan trọng, duy trì tỷ trọng khoảng 87% trong cơ cấu toàn ngành công nghiệp của thành phố.
Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội. Ảnh: Báo Công Thương
Tuy nhiên, theo bà Lan, việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng, chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được. Tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp của một số tỉnh, thành phố còn chậm; thu hút đầu tư mới còn khó khăn, một số dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp đã được cấp giấy phép đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc đã khởi công xây dựng nhưng chưa đi vào hoạt động.
"Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh/thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logistics... còn hạn chế; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng…," bà Trần Thị Phương Lan nêu vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hải Phòng cho hay pháp luật liên quan đến quản lý cụm công nghiệp còn nhiều nội dung chồng chéo, mâu thuẫn; nhiều nội dung phát sinh trong thực tiễn chưa có quy định để giải quyết, trong đó thủ tục thành lập cụm công nghiệp vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định của pháp luật về đầu tư và quy định của pháp luật về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Mặt khác, một số cụm công nghiệp hình thành trước khi có Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg, hiện không có chủ đầu tư dẫn đến công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, một số cụm công nghiệp chưa có công trình xử lý nước thải theo quy định, chất lượng các dịch vụ công cộng, tiện ích trong cụm công nghiệp nhìn chung là thấp.
Để đạt được mục tiêu phát triển cụm công nghiệp theo Quy hoạch TP. Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ xem xét, ban hành Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Công nghiệp hỗ trợ và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp.
Có cơ chế hỗ trợ đối với các cụm công nghiệp hiện trạng không thể chuyển giao chủ đầu tư sang cho doanh nghiệp để hoàn thiện, nâng cấp cơ sở hạ tầng và duy trì hoạt động của cụm công nghiệp...
Trong khi đó, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, đại diện tỉnh Lạng Sơn kiến nghị cơ quan chức năng tập trung đầu tư cho ngành dịch vụ logistics trên địa bàn đồng thời nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; thu hút đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu, tập trung vào các cặp cửa khẩu trọng điểm, đang được phía Trung Quốc quan tâm đầu tư như cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị-Hữu Nghị Quan…
Kiến nghị làm rõ quy định về kinh doanh xăng dầu
Kiến nghị tới hội nghị, Sở Công Thương tỉnh Hải Dương và Quảng Ninh đề nghị Bộ Công Thương tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 83/2014/NĐ-CP, Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo hướng đề nghị xem xét, sửa đổi quy định để đại lý được mua của nhiều nguồn, nhằm tránh đứt gãy nguồn cung, tăng tính cạnh tranh lành mạnh trong kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho đại lý và người tiêu dùng;
Đồng thời, 2 Sở Công Thương này cũng kiến nghị Bộ Công Thương bỏ quy định về logo, chỉ quy định về biển hiệu của thương nhân kinh doanh tại cửa hàng đó; Xem xét quy định giao cho thương nhân đầu mối chịu trách nhiệm tính toán, cân đối đề xuất mức giá bán buôn, giá bán lẻ, định mức chiết khấu cho toàn hệ thống phân phối - đăng ký mức giá bán và thời điểm áp dụng với liên bộ Công Thương - Tài Chính theo quy định tại Luật giá.
Trả lời kiến nghị này, Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để gửi các tổ chức, cá nhân có liên quan để lấy ý kiến góp ý.
"Kiến nghị nêu trên của Sở Công Thương tỉnh Hải Dương sẽ được ban soạn thảo xây dựng Nghị định nghiên cứu, tiếp thu và có ý kiến giải trình cụ thể trước khi trình", Bộ Công Thương cho biết.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân - Ảnh: Báo Công Thương
Liên kết vùng hạn chế
Mặc dù ghi nhận kết quả khả quan, song, lãnh đạo Bộ Công Thương nhìn nhận: Ngành Công Thương khu vực phía Bắc vẫn tồn tại những hạn chế. Trong đó, một số các tỉnh, thành phố chỉ tiêu được giao còn đạt thấp, có chỉ tiêu còn tăng trưởng âm (công nghiệp, xuất nhập khẩu). Việc xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp ưu tiên, phát triển mô hình nhà máy thông minh, phát triển công nghiệp xanh… của một số địa phương còn lúng túng chưa xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện được.
Hệ thống kết cấu hạ tầng thương mại tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng xét về tổng thể một số tỉnh vẫn còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, tính kết nối chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; chưa hình thành được hệ thống các chợ đầu mối, trung tâm phân phối hàng hóa lớn.
Công tác liên kết kết nối vùng, khu vực (nhất là các tỉnh, thành phố có địa bàn giáp danh) để phát triển đồng bộ các lĩnh vực của ngành (quy hoạch hạ tầng công nghiệp, thương mại, năng lượng, logictic...) còn hạn chế, cơ chế chính sách của các địa phương cũng có sự khác nhau, việc phối hợp liên kết chưa thường xuyên và thiếu chiều sâu; chưa xây dựng được quy chế hợp tác phát triển giữa các thành viên trong vùng... ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển chung ngành Công Thương khu vực và cả nước.
Việc phối hợp các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư như diễn đàn đầu tư, hội chợ triển lãm, trưng bày giới thiệu sản phẩm của các địa phương trong khu vực chưa được tiến hành thường xuyên và hiệu quả chưa cao. Lĩnh vực thương mại điện tử phát triển chưa đồng đều ở các địa phương nhất là các địa phương khu vực miền núi…
Không tái diễn tình trạng thiếu hụt nguồn cung
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị các địa phương, đặc biệt là các Sở Công Thương quan tâm triển khai một số nội dung trọng tâm gồm:
Các địa phương bám sát chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ, Chương trình hành động của ngành Công Thương thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP, để triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả. Đặc biệt là chủ trương liên quan đến quy hoạch quốc gia, vùng, ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh. Các địa phương cần chú ý tới tính tương thích và đồng bộ giữa các quy hoạch.
Các địa phương tập trung triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn từ nay đến năm 2030, tầm nhìn 2045 nhằm tạo ra dư địa và xung lực mới cho các địa phương phát triển.
"Chủ động cung cấp nguyên liệu đầu vào cho hoạt động sản xuất, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Chú trọng thực hiện tốt cung ứng xăng dầu, điện cho sản xuất và đời sống với phương châm 'Trong bất kỳ tình huống nào cũng không để xảy ra đứt gãy nguồn cung'. Bộ Công Thương quyết tâm trong thời gian tới không để tái diễn tình trạng thiếu hụt nguồn cung", Thứ trưởng nói.
Đối với Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch triển khai quy hoạch, Thứ trưởng Tân đề nghị các địa phương trong khu vực cùng phối hợp triển khai, trong đó bao gồm cả triển khai phát triển hệ thống điện ở khu vực biên giới, hải đảo, phấn đấu phủ điện 100% ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, triển khai mạnh mẽ phong trào tiết kiệm năng lượng bởi yếu tố này liên quan chặt chẽ đến ngành sản xuất công nghiệp.
Với các hoạt động khác liên quan đến hạ tầng thương mại, xuất nhập khẩu khu vực biên giới…đã được các địa phương kiến nghị, Thứ trưởng khẳng định, Bộ Công Thương lắng nghe, tiếp thu các kiến nghị và sẽ nghiên cứu hướng dẫn xử lý. Riêng với thủ tục hành chính, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung đấu tranh với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng… trên cả kênh thương mại truyền thống và kênh thương mại điện tử.
Theo Phan Trang
Báo Chính phủ