Dịch vụ L/C có tính chất tín dụng phù hợp pháp luật thì sao phải bị truy thu thuế!

Các ngân hàng cho rằng họ sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động L/C kể từ 1-1-2011 nếu việc truy thu thuế này được thực hiện. Nhưng vấn đề là ở chỗ L/C vừa là hoạt động tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán được các ngân hàng cung cấp trong thời gian này hoàn toàn phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng.

Men in formal attire illustration in black and white

Trong bối cảnh việc L/C vừa là hoạt động cấp tín dụng, vừa là dịch vụ thanh toán đã được luật hóa bởi quy định của Luật các tổ chức tín dụng 2024 (Luật các TCTD 2024), cũng như tại Thông tư 22/2019/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng xác định cam kết phát hành, một trong những nghiệp vụ của L/C theo UCP 600, là hoạt động cấp tín dụng, thì cơ sở pháp lý của việc truy thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với phí giao dịch L/C nên được xem xét lại, vì những lý do sau:

Tín dụng chứng từ là tập quán thương mại quốc tế đã được pháp luật Việt Nam công nhận và được tất cả các ngân hàng tại Việt Nam tham chiếu, áp dụng từ những năm 1990

Bộ Quy tắc thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ – Uniform Custom and Pratice for Documentary Credits (UCP) được phòng Thương mại Quốc tế (ICC) soạn thảo và ban hành lần đầu vào năm 1933 được xem là tập quán thương mại quốc tế(1) quan trọng và thông dụng nhất liên quan đến L/C. Qua nhiều lần sửa đổi, năm 2007, ICC đã ban hành phiên bản UCP mới nhất là UCP 600.

Điểm a khoản 4 điều 3 Luật các TCTD năm 2010 quy định rõ tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành”; và khoản 1 điều 3 Luật các TCTD 2024 cũng khẳng định lại điều này.

Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật liên quan đến L/C trước khi có Luật các TCTD 2024 đều không phủ nhận tính chất tín dụng của L/C (xem thêm bài Bản chất tín dụng của thư tín dụng đăng trên KTSG số ra ngày 18-4-2024).

Việc truy thu thuế GTGT đối với phí giao dịch L/C không phù hợp với quy định pháp luật liên quan

Khoản 14 điều 4 Luật các TCTD 2010 quy định “Cấp tín dụng là việc thỏa thuận để tổ chức, cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ cấp tín dụng khác”.

Mặc dù Luật các TCTD 2010 không quy định và định nghĩa rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán cho đến khi NHNN ban hành Thông tư 22, nhưng tại khoản 4 điều 3 Luật các TCTD 2010 quy định tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ngân hàng được quyền thỏa thuận áp dụng “tập quán thương mại quốc tế do Phòng thương mại quốc tế ban hành”.

Thực tế, căn cứ quy định này và quy định trước đó tại khoản 2 điều 3 Luật các TCTD 1997 và các quyết định của NHNN ban hành quy chế mở thư tín dụng nhập hàng trả chậm, các ngân hàng được phép đã cung cấp các nghiệp vụ của L/C theo UCP (phiên bản 500 và 600) và các nghiệp vụ có tính chất tín dụng liên quan đến L/C như: ký quỹ 100% tiền gửi thanh toán để đảm bảo thanh toán L/C, thẩm định và ký thỏa thuận vay vốn (cho vay theo món hoặc hạn mức) để cho vay bắt buộc (nếu không có hoặc không đủ tiền gửi thanh toán) trước khi phát hành L/C…

Đồng thời, hầu hết các ngân hàng đã ban hành quy trình mở và thanh toán L/C kèm với quy trình phê duyệt và cấp tín dụng liên quan đến L/C làm cơ sở cho việc thực hiện các nghiệp vụ L/C tại ngân hàng mình. Hơn nữa, quan trọng hơn, cho đến nay, theo chúng tôi được biết, không có bất kỳ văn bản, quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận rằng các nghiệp vụ liên quan đến L/C mà các ngân hàng đã và đang triển khai trên là không phù hợp với quy định pháp luật.

Do đó, cho dù Luật các TCTD 2010 không quy định rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng song dựa vào các căn cứ trên có thể thấy L/C là hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán.

Điều quan trọng hơn là cho đến nay không có bất kỳ văn bản, quyết định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền kết luận rằng các nghiệp vụ liên quan đến L/C mà các ngân hàng đã và đang triển khai là không phù hợp với quy định pháp luật.

Trong khi đó, theo quy định tại điểm a khoản 8 điều 5 Luật Thuế GTGT 2008 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2016, các đối tượng không phải chịu thuế GTGT bao gồm dịch vụ cấp tín dụng, trong đó có nghiệp vụ cho vay; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và các giấy tờ có giá khác; bảo lãnh; cho thuê tài chính; phát hành thẻ tín dụng; bao thanh toán trong nước; bao thanh toán quốc tế; hình thức cấp tín dụng khác theo quy định của pháp luật. Và để quy định rõ tính chất tín dụng của hoạt động L/C, Thông tư 22, tại khoản 11 điều 3, định nghĩa cam kết phát hành dưới hình thức L/C là một trong những hình thức cấp tín dụng.

Do đó, cho dù Thông tư 22 chỉ định nghĩa cam kết phát hành dưới hình thức L/C là một trong những hình thức cấp tín dụng, nhưng cũng không phủ nhận các nghiệp vụ khác liên quan đến L/C đã và đang được các ngân hàng triển khai là phù hợp với quy định của pháp luật và phải được pháp luật bảo vệ.

Ngoài ra, khoản 2 điều 3 Luật các TCTD 2010 quy định “Trường hợp có quy định khác nhau giữa luật này và các luật khác có liên quan về thành lập, tổ chức, hoạt động, kiểm soát đặc biệt, tổ chức lại, giải thể TCTD; việc thành lập, tổ chức, hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của TCTD nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng thì áp dụng theo quy định của luật này”. Do đó, nếu thực sự có sự khác nhau về quy định hoạt động L/C giữa Luật các TCTD 2010 và Luật thuế GTGT, quy định về L/C của Luật các TCTD 2010 được ưu tiên áp dụng.

Hơn nữa, trong suốt một thời gian dài, các ngân hàng đều xử lý việc kê khai, nộp thuế GTGT đối với L/C như là một đối tượng không chịu thuế GTGT theo hướng dẫn của Bộ Tài chính tại Công văn 11754/BTC-CST ngày 6-9-2010. Mặc dù Công văn 11754 được ban hành trước khi Luật các TCTD 2010 có hiệu lực (1-1-2011), nhưng suốt thời gian từ đó cho đến những năm gần đây, Bộ Tài chính cũng không có hướng dẫn nào khác đối với việc thu thuế GTGT đối với L/C để thay thế Công văn 11754. Chính vì vậy, tính chất cấp tín dụng của L/C là một sự thật được công nhận một cách rõ ràng, thống nhất và ổn định trên thực tế.

Tóm lại, mặc dù Luật các TCTD 2010 không quy định và định nghĩa rõ L/C là một trong những hoạt động cấp tín dụng bên cạnh dịch vụ thanh toán, song căn cứ (i) các quy định pháp luật có liên quan, (ii) việc cung cấp hợp pháp các nghiệp vụ liên quan đến L/C của các ngân hàng được phép và (iii) việc quản lý, giám sát việc kê khai, đóng thuế GTGT của các ngân hàng của cơ quan thuế có thể nhận định L/C là hoạt động cấp tín dụng và việc truy thu thuế GTGT đối với phí giao dịch L/C từ ngày 1-1-2011 là chưa phù hợp và cần được xem xét tránh để các ngân hàng gặp khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc kê khai và nộp thuế GTGT.

Link gốc

https://thesaigontimes.vn/dich-vu-l-c-co-tinh-chat-tin-dung-phu-hop-phap-luat-thi-sao-phai-bi-truy-thu-thue/