Điểm nhấn về nguồn lực tài chính ở cường quốc hàng đầu châu Á

Bắt đầu từ giữa những năm 2000 sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại hối, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các chính sách chú trọng vào phân phối hơn là tăng trưởng.

Theo báo cáo “Phân bổ nguồn lực tài chính quốc gia theo lĩnh vực 1948~2021”, dưới thời của Tổng thống Kim Dae-jung vào năm 1990 tỷ lệ nguồn lực tài chính được phân bổ cho lĩnh vực y tế và phúc lợi vốn thường ít hơn tương đối so với lĩnh vực kinh tế tuy nhiên cho tới thời chính quyền Moon Jae-in y tế phúc lợi đã vươn lên thành lĩnh vực nhận được nhiều nguồn lực tài chính nhất.

Mô hình phân bổ nguồn lực tài chính của quốc gia theo lĩnh vực phản ánh định hướng và ưu tiên chính sách của chính phủ ở quốc gia đó, đồng thời có tác động đến nền kinh tế quốc dân cũng như sự chất lượng cuộc sống của người dân

Tạp chí 'Nghiên cứu hành chính công Hàn Quốc” do Viện Hành chính Công Hàn Quốc vừa công bố số liệu cho biết kể từ khi Chính phủ Hàn Quốc được thành lập cho đến giữa những năm 1950, tỷ trọng chi cho những lĩnh vực liên quan đến kinh tế cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Tình trạng này tiếp tục diễn ra trong thời kỳ công nghiệp hóa nhanh chóng vào những năm 1970 cho đến giữa những năm 2000.

Tỷ trọng phân bổ nguồn lực tài chính cho kinh tế, vốn được duy trì ở mức 20-30%, đã giảm đáng kể từ giữa những năm 2000, xuống mức 10%, nhường mức tỷ trọng lớn nhất cho lĩnh vực y tế và phúc lợi, với sự gia tăng nhanh chóng bắt đầu vào cuối những năm 1970.

Tỷ trọng phân bổ tài chính cho lĩnh vực y tế và phúc lợi duy trì quy mô tương tự như lĩnh vực kinh tế cho đến đầu thời kỳ chính quyền Roh Moo-hyun, nhưng từ cuối chính quyền Roh Moo-hyun, nó đã đạt gần 30% và bắt đầu vượt qua tỷ trọng kinh tế.

Dưới thời chính quyền Tổng thống Lee Myung-bak, chỉ riêng lĩnh vực phúc lợi trong số y tế và phúc lợi đã tăng lên mức tương đương với tỷ trọng nguồn lực kinh tế, và dưới thời chính quyền Tổng thống Park Geun-hye và Moon Jae-in, con số này đã tăng lên hơn 20%, củng cố vị trí dẫn đầu.

Dưới thời chính quyền Moon Jae-in, tầm quan trọng của ngành y tế cũng tăng lên, đến mức độ có thể phải cạnh tranh với nền kinh tế và giáo dục để giành vị trí thứ hai.

Báo cáo cho biết ở giai đoạn hình thành nhà nước và công nghiệp hóa ở một quốc gia, các ưu tiên được điều chỉnh theo trình tự hội nhập xã hội, bao gồm duy trì hệ thống, tăng trưởng kinh tế, phúc lợi và giáo dục. Một khi đất nước được hình thành và cơ cấu công nghiệp được nâng cấp, sự ưu tiên cho phúc lợi và giáo dục ngày một tăng lên. Bắt đầu từ giữa những năm 2000 sau khi vượt qua cuộc khủng hoảng ngoại hối, Chính phủ Hàn Quốc bắt đầu thực hiện các chính sách chú trọng vào phân phối hơn là tăng trưởng.

Chi tiêu cho giáo dục tăng nhanh cho đến năm 1970, nhưng không có thay đổi đáng kể sau khi giảm xuống khoảng trên dưới 15% vào những năm 2000. Tuy nhiên, so với các lĩnh vực khác, tỷ trọng tài chính giáo dục trong tổng ngân sách vẫn tương đối lớn.

Báo cáo cho biết nghiên cứu tập trung vào việc mô tả trung thực sự phân bổ thực tế các nguồn tài chính của Hàn Quốc theo lĩnh vực trong 70 năm qua. Từ đó cố gắng đưa ra dự đoán về khả năng thay đổi trong phân bổ nguồn lực tài chính của đất nước theo biến đổi của tình hình chung và môi trường xã hội trong tương lai.

Khánh Vân (P/v TTXVN tại Seoul)

https://bnews.vn/diem-nhan-ve-nguon-luc-tai-chinh-o-cuong-quoc-hang-dau-chau-a/331617.html