Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong bức tranh tăng trưởng kinh tế

Thu hút đầu tư nước ngoài là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý 1/2024, khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chế biến - chế tạo dẫn đầu thu hút đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,66%. Đối chiếu với kịch bản của Nghị quyết 01, mục tiêu tăng trưởng năm 2024 đạt từ 6 - 6,5%, quý 1 tăng trưởng từ 5,2% - 5,6%, nhìn tổng thể bức tranh kinh tế, kết quả tăng trưởng quý 1 đạt 5,66% là sát với kịch bản cao.

Quý 1/2024, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng tốt hơn cùng kỳ năm trước, đạt 6,28% (riêng công nghiệp tăng 6,18%), cao hơn nhiều so với kịch bản cao 5,5% đề ra tại Nghị quyết 01. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng lần lượt là 2,98% và 6,12%, thấp hơn mức tăng của cả 2 kịch bản tăng trưởng.

Trong bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đang trở thành điểm sáng nổi bật với hơn 4,77 tỷ USD vốn FDI đăng ký cấp mới, tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2023 (tương ứng tăng 57,9% và 23,4% về số vốn và số dự án).

Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong bức tranh tăng trưởng kinh tế

Tổng vốn đăng ký điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà ĐTNN giảm 42,2% so với cùng kỳ 2023, nhưng mức giảm này đã cải thiện khi quý 1/2023 giảm 57,4% so với cùng kỳ 2022. Số liệu này cho thấy thu hút FDI là một trong các điểm sáng đóng góp vào kết quả tích cực của kinh tế quý 1/2024, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 17 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 3,93 tỷ USD, chiếm gần 63,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tuy nhiên, mức đầu tư này đã giảm nhẹ 1,3% so với cùng kỳ.

Xếp vị trí thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư hơn 1,58 tỷ USD, chiếm 25,6% tổng vốn đầu tư đăng ký, gấp gần 2,1 lần so với cùng kỳ.

Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt hơn 224,8 triệu USD và gần 190,2 triệu USD.

Xét về số lượng dự án, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 37,7%) và điều chỉnh vốn (chiếm 61,7%). Ngành bán buôn, bán lẻ dẫn đầu về số lượt giao dịch góp vốn mua cổ phần cao nhất, với 42,5%.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, vốn FDI thực hiện trong 3 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4,63 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua.

Cần hơn nữa các dự án trong các lĩnh vực công nghệ cao

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện nay, Việt Nam đang tập trung vào các đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, với chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.

Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cộng đồng quốc tế đánh giá tích cực, nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt là các tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghệ, điện tử, bán dẫn đã và đang nghiên cứu, thành lập cứ điểm sản xuất tại Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đang đào tạo 100 nghìn kỹ sư chất lượng cao, trong đó 50 nghìn kỹ sư chất lượng chất lượng cao trong ngành bán dẫn để sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận những cơ hội, dự án phát triển ngành, lĩnh vực chiến lược, nhất là các dự án FDI lớn.

Điểm sáng thu hút đầu tư nước ngoài trong bức tranh tăng trưởng kinh tế

Theo các chuyên gia, Việt Nam đứng trước cơ hội đón nhận làn sóng FDI lần thứ tư. Làn sóng FDI lần này có thể tập trung vào lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và năng lượng tái tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch nền kinh tế sang các ngành có giá trị gia tăng cao, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Nhìn nhận xoay quanh vấn đề đã nêu, GS.TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, để đẩy mạnh thu hút FDI, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, ưu tiên hàng đầu vẫn là hoàn thiện thể chế, luật pháp; nâng cao tiềm lực nội sinh để khu vực kinh tế FDI có tác động lan tỏa với doanh nghiệp trong nước thông qua chuyển giao công nghệ, phương thức quản trị doanh nghiệp… hoàn thành việc chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thích ứng với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh phát triển khu vực tư nhân trong nước…

Cùng với đó là hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng năng lượng sạch đáp ứng đòi hỏi của mục tiêu Net Zero. Đi cùng với đó là đầu tư đồng bộ để hiện đại hóa hạ tầng số, nhất là hạ tầng thông tin và truyền thông, hạ tầng cho Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.

Và cuối cùng là thúc đẩy, cải cách nền hành chính quốc gia. Tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, hoàn thiện thể chế, chính sách về một nền công vụ minh bạch, trách nhiệm công bằng và liêm chính…

Không ít chuyên gia cũng cho rằng, Việt Nam là một quốc gia thu hút FDI dồi dào, tuy nhiên, chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu còn tương đối mới, chiến lược tăng trưởng xanh cũng chỉ mới được áp dụng.

Do vậy, trong thời gian tới cần có chính sách về ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như chính sách về phân loại xanh, ưu đãi xanh, gói đầu tư xanh… xây dựng hệ sinh thái xanh, tạo điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho dự án xanh.

Ngoài ra, chú trọng phát triển nguồn nhân lực để đáp ứng với công nghệ xanh, chuyển giao tri thức xanh, xây dựng cụm ngành xanh trong khu vực như hydrogen xanh, sản xuất chế tạo linh kiện xanh để tận dụng lợi thế sẵn có.

Trung Anh

https://thuongtruong.com.vn/news/diem-sang-thu-hut-dau-tu-nuoc-ngoai-trong-buc-tranh-tang-truong-kinh-te-119171.html