Điều gì đang xảy ra trên thị trường tài chính? hàng rào thuế quan có phải mục đích thật sự của ông trump?

Mấy tuần nay, thế giới đang ồn ào và hỗn loạn bởi chính sách thuế quan của cụ Trump. Cụ cho rằng thương mại không công bằng khiến nhiều quốc gia trục lợi nước Mỹ, cướp công ăn việc làm của người dân Mỹ và làm thâm hụt cán cân thương mại . Cụ muốn đánh thuế thật nặng để đảo ngược điều đó. Tuy nhiên, hãy nhìn lại:

I. Bối cảnh lịch sử

Sau thế chiến 2, thế giới được tái lập với 5 trật tự mới, trong đó có trật tự vệ hệ thống tiền tệ và kinh tế thương mại.

  1. Trật tự tiền tệ:

a. Hình thành trên nền tảng hiệp định Bretton Woods năm 1944, do Mỹ dẫn dắt và tạo ra luật chơi. Đặt nền móng cho đồng USD trở thành bá chủ tiền tệ. Cùng với đó, Mỹ cho ra đời các thực thể World Bank (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tất cả đặt trụ sở tại Washington D.C. Mọi cơ chế giám sát kinh tế toàn cầu đều vận hành theo đồng USD.

b. Vì sao Mỹ áp đặt được vai trò trung tâm của USD? Thời điểm đó Mỹ nắm giữ 2/3 lượng vàng toàn cầu, trong khi các quốc gia đồng minh khác bị tàn phá nặng nề. Sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ vượt trội, chiếm hơn 55% GDP thời điểm đó. Các nước khác phải dựa vào tài lực của Mỹ để tái thiết kinh tế (kế hoạch Marshall).

c. Sau khi trật tự Bretton Woods sụp đổ năm 1971 vì những “rủi ro chính sách in tiền và chi tiêu thâm hụt” quá lớn, tưởng rằng đồng USD sẽ mất đi vị thế bá quyền này, thay vì bị suy yếu, đồng USD chuyển sang giai đoạn bá chủ tiền tệ kiểu mới do kinh tế Mỹ vẫn mạnh, thị trường tài chính Mỹ phát triển sâu rộng, thanh khoản lớn. Đặc biệt là Petrodollar System – Hệ thống đồng đô la dầu mỏ năm 1974. Điểm ràng buộc của hệ thống này là: Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Ả rập Xê Út và khối OPEC phải bán dầu bằng USD. Bắt buộc phải giữ USD làm đồng tiền dự trữ và tái đầu tư tiền lời vào thị trường tài chính Mỹ, mua trái phiếu Chính phủ Mỹ. Đổi lại, Mỹ bảo kê về an ninh quốc gia, cung cấp vũ khí quân sự và hợp tác phát triển trong lĩnh vực công nghệ. Cho nên, dù không còn gắn với vàng như Bretton Woods, đồng USD vẫn là đồng tiền không thể thay thế trong lĩnh vực năng lượng, từ đó cố định vai trò bá chủ tiền tệ toàn cầu.

  1. Trật tự kinh tế, thương mại

a. Năm 1947, Mỹ và phương tây dựng lên :Hiệp định Chung về Thuế quan và Thương mại – General Agreement on Tariffs and Trade (GATT) nhằm giảm thuế quan, thúc đẩy tự do hóa thương mại. Tuy nhiên, GATT có quá nhiều nhược điểm dẫn đến sự ra đời của WTO sau này, năm 1995.

b. Đẩy nhanh toàn cầu hoá (Mỹ hoá), Mỹ là nước thu lợi lớn nhất: mở rộng thị trường toàn cầu cho các công ty đa quốc gia của Mỹ. Xuất khẩu vốn (bơm USD ra ngoài), dịch vụ và công nghệ tăng vọt. Duy trì vị thế tài chính toàn cầu, kiểm soát chuỗi giá trị.

c. Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh và quy mô nền kinh tế không quốc gia nào sánh kịp, bởi 3 động lực, Công nghiệp hoá – nâng cao năng suất lao động; Tái cơ cấu kinh tế -hình thành các chuỗi cung ứng; Toàn cầu hoá giúp tự do thương mại. Đây cũng là yếu tố giúp đồng USD ngày càng củng cố được sức mạnh độc tôn của nó.

II. Hệ quả và tác động của việc USD là bá chủ tiền tệ.

  1. Hệ quả thâm hụt thương mại tất yếu xảy ra.

Để đồng USD là bá chủ, trở thành đồng tiền dự trữ chính trong quỹ trự trữ ngoại hối của các quốc gia, là đồng tiền chủ chốt trong thanh toán quốc tế và duy trì thanh khoản toàn cầu, Mỹ phải cung cấp USD ra toàn thế giới. Vì vậy, Mỹ cần phải nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu để bơm USD ra ngoài. Một kiểu thâm hụt chủ động. Xuất khẩu “USD” đổi lấy hàng hoá, dịch vụ,…Đây được cho là nguyên nhân chính làm cho Mỹ không bao giờ cân bằng được cán cân thương mại, hay nói cách khác là “mãi mãi thâm hụt”.

  1. Các nguyên nhân khác góp phần vào thâm hụt thương mại

a. Với việc thúc đẩy thương mại tự do và tạo ra chuỗi cung ứng, Mỹ tập trung vào tài chính, công nghệ tạo ra GDP sạch, giá trị gia tăng cao, còn đẩy sản xuất sang bọn “nghèo, đói, bẩn nhưng cần” ở châu Á như Trung Quốc,…dẫn đến nhập siêu hàng hoá tăng mạnh.

b. Cấu trúc tiêu dùng nội địa cao của dân Mỹ dẫn đến tiết kiệm rất ít mà nhập khẩu nhiều. (Không phải sính đồ ngoại như Việt Nam đâu). Song song với đó, sự giàu lên của Trung Quốc và Nhật Bản với cấu trúc tiết kiệm cao, khiến nhu cầu mua các tài sản Mỹ ngày càng lớn, càng gây sức ép cho thâm hụt này.

c. Chính sách tài khoá mở rộng: Chi tiêu cho lĩnh vực quốc phòng quá cao để duy trì sức mạnh quân sự “không đối thủ” ở khắp mọi nơi trên thế giới. Tham gia nhiều cuộc chiến tranh, gây ra sự thâm hụt dai dẳng.

  1. Lợi ích của việc thâm hụt thương mại

a. Duy trì được vai trò lãnh đạo tài chính toàn cầu, được “xuất khẩu USD” đổi lấy hàng hoá. Làm gì có quốc gia nào được đặc quyền như trên ngoài Mỹ. Vậy mà cụ Trump còn kêu với chả than, đã ăn cắp còn la làng. Lại còn dám bảo “những thằng nghèo đói” trục lợi thương mại với “bọn nhà giàu”.

b. Các quốc gia có thặng dư thương mại cao, dự trữ bằng USD lớn và tạo ra cầu đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, dẫn đến lãi suất thấp, Mỹ vay tiền rẻ. Hoặc/và hồi lưu dòng tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán Mỹ, tạo vị thế vững chắc cho thị trường tài chính và các công ty hàng đầu của Mỹ.

c. Do tập trung vào dịch vụ tài chính và công nghệ, nên Mỹ không phải đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng GDP. Nước thải, chất thải của rất nhiều ngành công nghiệp độc hại đã được các quốc gia khác “tình nguyện” hứng hết mình. Nhà anh Trump luôn sạch sẽ, không khí đạt chất lượng cao, còn sự ô nhiễm môi trường, thì anh Tập và các bạn hàng anh ấy “nhận” hết.

  1. Chừng nào, đồng USD vẫn là đồng tiền trung tâm trong giao dịch quốc tế, chiếm tỷ lệ dự trữ cao trong dự trữ ngoại tệ của các quốc gia, thì Mỹ vẫn sẽ khống chế được thị trường tài chính thế giới. Tất nhiên, họ sẽ làm bằng mọi cách để USD bá quyền. Kể cả những cách gây đau đớn nhất cho nền kinh tế toàn cầu hay làm rung chuyển thị trường tài chính thế giới. Tiền bao nhiêu chả là ít, với người in được. Và hiện tại vẫn chỉ có Mỹ đang làm được điều đó. Nên đừng có nghe “cụ Trump bảo tao không muốn làm vậy đâu”.

  2. Cuộc đời vẫn đẹp sao bất chợt có những gợn gợn.

a. Sau vài thập kỷ chịu đựng ô nhiễm môi trường, bán tài nguyên và nhân công giá rẻ, nhịn nhục chờ thời, và cũng phải công nhận rằng người Trung Quốc họ giỏi, đã đạt được mục đích của mình, và trở nên giàu mạnh về mọi mặt. Nhờ tích cực xuất khẩu hàng hoá và liên doanh, chuyển giao, học tập, thậm chí ăn cắp công nghệ, Trung Quốc đã có thực lực mạnh mẽ để cạnh tranh sòng phẳng với Mỹ trên rất nhiều mặt trận và đe doạ đến vị trí siêu cường số 1 thế giới của Mỹ. Nên việc chống Trung Quốc hay bất kỳ quốc gia nào đe doạ tiềm tàng đến Mỹ đều sẽ là mục tiêu của các đời tổng thống Mỹ, không phải chỉ mỗi cụ Trump. Chỉ có điều, mỗi thời mỗi chính sách, mỗi cách làm khác nhau. Họ chống Trung Quốc vì họ, chả vì ai cả!

b. Các quốc gia lâu nay vẫn đang duy trì tỷ lệ dự trữ ngoại hối cao bằng đồng USD và các tài sản Mỹ nhờ thặng dư thương mại lớn. Điều này có được cũng nhờ ràng buộc đôi bên. Tuy nhiên, quốc gia nào cũng hiểu rằng, điều đó luôn là bất lợi và nguy cơ rủi ro sau: Phụ thuộc xuất khẩu vào thị trường Mỹ, bây giờ chẳng hạn. Cụ Trump mà siết nhập khẩu là toang ngay. Hay việc tham gia vào các hiệp định, tổ chức tài chính tiền tệ, hệ thống thanh toán quốc tế do Mỹ kiểm soát là có nguy cơ bị “bóp cổ, tắt thở” bất cứ lúc nào. Hay chuyện làm việc quần quật bao năm, tích cóp được chút “ngoại tệ USD,…” bị Mỹ đóng băng, phong toả trong trường hợp “trở mặt” với nhau thì coi như ăn cám. Vì thế, các quốc gia đó, trong đó có Trung Quốc, Nga, kể cả đồng minh như Nhật Bản, EU…luôn luôn tìm mọi cách để giảm thiểu các rủi ro này, bằng mọi giá, đã từ lâu chứ không phải bây giờ.

c. Đột nhiên, xu hướng này thay đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn kể từ khi chiến tranh Nga-Uca nổ ra. Số là, Cụ Biden và các đồng minh bao vây, cấm vận, cắt đứt hệ thống thanh toán, phong toả, đóng băng dự trữ ngoại hối của NHTW Nga sau đó. Thời điểm đó, ước tính dự trữ ngoại hối của NHTW Nga khoảng 640 tỷ USD quy đổi. Cụ và các đồng minh đã phong toả tài khoản họ với ước tính số lượng chiếm 55-60% dự trữ ngoại hối, khoảng 380 tỷ. Vậy là bao nhiêu khí đốt, dầu mỏ đem đi xuất khẩu hàng chục năm trời bị người ta “cướp” mất. Đau không? Trung Quốc họ cũng phải “chuẩn bị” kịch bản như Nga cho mình chứ, tấm gương của 1 chân kiềng vừa mới bị đốn như vậy làm sao mà không lo được.

d. Trung Quốc và nhiều quốc gia khác đã và đang mạnh tay giảm bớt sự tích trữ đồng USD và Trái phiếu chính phủ Mỹ. Đa dạng hoá quỹ dự trữ ngoại hối bằng các tài sản khác như Vàng, ngoại tệ mạnh khác,… Điều này tác động như thế nào đến Mỹ và chính phủ cụ Trump?

=> Làm giảm nhu cầu đầu tư trái phiếu chính phủ Mỹ dẫn đến chi phí vay vốn của Mỹ cao hơn, khó phát hành hơn. Tăng áp lực đến trần nợ công của Mỹ và ảnh hưởng đến vai trò hoạt động của chính phủ Mỹ trong dài hạn. Đây có lẽ là điều cụ Trump đang lo nhất, chứ không phải việc thâm hụt cán cân thương mại. Thâm hụt thương mại là nguy cơ, rủi ro bất ổn với bất kỳ quốc gia nào, trừ nước có quyền “in tiền toàn cầu” như Mỹ. Chứ không thì các đời tổng thống trước đã phải làm giảm thâm hụt rồi, chứ không phải bây giờ mới làm.

=> Giảm đầu tư vào thị trường tài chính, TTCK Mỹ, thúc đẩy hình thành lên các trung tâm tài chính mới trong tương lai. Như Trung Quốc đã từng làm với Thượng Hải. Mà thị trường tài chính mạnh là một điều kiện rất quan trọng để duy trì vị thế một siêu cường. Nhiều quốc gia có nền kinh tế rất lớn, nhưng không thể xây dựng được thị trường tài chính lớn mạnh là vì thế.

e. Mặc dù chưa thể đánh đổ được bá quyền của đồng USD, vài chục năm nữa cũng còn khó, nhưng Trung Quốc vẫn đang từng ngày chút một, tìm cách, kiên trì, chờ đợi để làm được điều đó. Nó là mục tiêu với giấc mộng Trung Hoa. Có nhà lãnh đạo nào mà không muốn đồng tiền của quốc gia mình là bá chủ tiền tệ. Khi đó, chỉ việc ngồi chơi xơi nước là có ăn. Trung Quốc cũng vậy, họ cũng mơ ước một ngày nào đó được “xuất khẩu RMB” ra toàn thế giới, các quốc gia khác làm cu li đưa hàng về Trung Quốc để họ tiêu dùng.

Vậy lá bài thuế quan có tác dụng gì? Tại sao ông Trump lại lựa chọn để đánh đúng vào điểm mạnh của Trung Quốc? Trung Quốc dường như đang chơi tới bến với Mỹ.

Tất nhiên, bọn le ve cò con như VN, …chỉ là tốt nhỏ, lấy cớ để đàm phán đòi lợi ích khác mà thôi…Mình tin đàm phán sẽ được ở chỗ sáng, nhưng sẽ mất nhiều ở chỗ tối. Hãy nhìn hành động ông Tập đích thân sang Việt Nam gấp gáp như vậy giữa tháng này.