Thời gian qua, các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã tạo nhiều cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều rào cản kỹ thuật đang được các quốc gia sử dụng triệt để nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Điều này đang tạo nên không ít rào cản cho nông sản Việt Nam trong tiếp cận các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường EU và Hoa Kỳ.
Xuất khẩu nông sản còn nhiều khó khăn
Năm 2023, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và thị trường thương mại nhóm hàng nông – lâm – thủy sản nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do chịu tác động từ động thái chính sách của các thị trường lớn, biến động địa chính trị, lạm phát, giá nguyên liệu sản xuất leo thang,… Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm nông – lâm - thủy sản trong năm 2023 đã vượt qua khó khăn, tiếp tục duy trì tốt hoạt động xuất khẩu ở những mặt hàng chủ lực.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông – lâm – thủy sản đạt 45.92 tỷ USD , giảm 1.9% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm khoảng 12.9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Theo đó, hoạt động xuất khẩu nhóm nông – lâm – thuỷ sản trong năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng khá tích cực so với cùng kỳ năm 2022 ở 4/10 mặt hàng chủ lực, trong đó: rau quả đạt 5.6 tỷ USD , tăng 66.7%; gạo đạt 8.1 triệu tấn, kim ngạch đạt 4.67 tỷ USD , tăng 14.4% về lượng và tăng 35.3% về trị giá; hạt điều đạt 644 nghìn tấn, trị giá 3.6 tỷ USD , tăng 24% về lượng và tăng 18% về trị giá; cà phê đạt 1.6 triệu tấn, kim ngạch đạt hơn 4.2 tỷ USD , giảm 8.7% về lượng nhưng tăng 4.6% về trị giá.
Tuy nhiên, do nhiều tác động từ thị trường nên kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng còn lại chưa đạt tăng trưởng trong năm 2023, cụ thể: gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 13.5 tỷ USD , giảm 15.9% so với cùng kỳ năm 2022; thủy sản đạt 8.97 tỷ USD , giảm 17.8%; cao su đạt 2.14 triệu tấn, trị giá 2.9 tỷ USD , giảm 0.1% về lượng và giảm 12.8% về trị giá; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 2.9 triệu tấn, trị giá 1.3 tỷ USD , giảm 9.1% về lượng và giảm 7.3% về trị giá; hạt tiêu đạt 266 nghìn tấn, trị giá 910 triệu USD , tăng 16.3% về lượng nhưng giảm 6.2% về trị giá; chè đạt 120 nghìn tấn, trị giá 208 triệu USD , giảm 18% về lượng và giảm 12% về trị giá.
Như vậy, theo số liệu thống kê về kết quả xuất khẩu trong thời gian qua cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu tận dụng được ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do, hàng hoá nông sản Việt Nam đã dần khẳng định vai trò trong chuỗi cung ứng tiêu dùng tại các thị trường trên thế giới.
Tuy nhiên, dù đã đạt được kết quả xuất khẩu khá khả quan nhưng theo Cục Quản lý xuất nhập khẩu – Bộ Công thương, thì hoạt động xuất khẩu thời gian tới vẫn sẽ chịu nhiều tác động, ảnh hưởng tiêu cực như: (i) Nhu cầu nhập khẩu của các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, đang có xu hướng giảm do tình trạng lạm phát tăng cao ở hầu hết các quốc gia, tỷ lệ thất nghiệp tăng, kinh tế vĩ mô nhiều nước còn bất ổn. (ii) Người tiêu dùng tại các thị trường ngày càng quan tâm không chỉ tới nguồn gốc, chất lượng thực phẩm mà còn quan tâm đến cách thức làm ra sản phẩm, hay cách doanh nghiệp đối xử với người lao động, đối xử với môi trường, đối xử với xã hội. (iii) Những bất ổn liên quan đến căng thẳng địa chính trị khu vực và toàn cầu tiếp tục diễn biến phức tạp; giá đầu vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang ở mức cao. (iv) Sản phẩm nông sản Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là hàng đông lạnh, nguyên liệu thô hoặc sơ chế , sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao vẫn còn ít. (v) Cạnh tranh giữa các thị trường xuất khẩu có thể gia tăng khi nhiều quốc gia quan tâm tới việc ký kết, gia nhập các Hiệp định thương mại tự do.
Rào cản kỹ thuật đối với nông sản tại thị trường EU và Mỹ
Thời gian qua, các hiệp định thương mại tự do được ký kết đã tạo cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, đây cũng là lúc nhiều rào cản kỹ thuật đang được các quốc gia sử dụng triệt để như một biện pháp nhằm bảo vệ nền sản xuất nông nghiệp và người nông dân trong nước. Điều này đang tạo nên không ít rào cản cho nông sản Việt tiếp cận các thị trường khác trên thế giới, đặc biệt là những thị trường “khó tính” như EU và Mỹ:
Đối với thị trường EU, đây là một thị trường khó tính với những quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu và đặc biệt nghiêm ngặt với các mặt hàng nông sản thực phẩm với mục đích để bảo vệ sức khoẻ người dân, điển hình như các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (quy định dư lượng thuốc bảo vệ thực vật - MRL, tạp chất, vi sinh vật), kiểm dịch thực vật, yêu cầu về đóng gói, dán nhãn; công cụ phòng vệ thương mại được áp dụng thường xuyên. Hệ thống MRL của EU được thống nhất áp dụng chung cho tất cả các nước thành viên EU. Theo đó, EU đưa ra một danh sách các loại thuốc bảo vệ thực vật được phép áp dụng và mức tồn dư tối đa được phép trên thực phẩm. Với các loại thuốc bảo vệ thực vật không thuộc danh sách này (mà thường được sử dụng bởi các nước ngoài EU), EU áp dụng một mức MRL cực thấp (0,01mg/kg).
Bên cạnh đó, các quy định nhập khẩu của EU đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm cũng rất khắt khe, không dễ đáp ứng. Hơn nữa, các quy định nhập khẩu chi tiết của EU có thể thay đổi khá thường xuyên, đòi hỏi các nhà sản xuất, xuất khẩu phải cập nhật liên tục. Trong khi đó, các chế tài xử phạt vi phạm về an toàn thực phẩm và an toàn sinh học của EU rất nghiêm khắc. Nếu hàng hoá bị phát hiện vi phạm các yêu cầu nhập khẩu bắt buộc của EU sẽ có nguy cơ bị buộc trả về hoặc phải tiêu huỷ tại chỗ. Đặc biệt, trong một số trường hợp, nếu tần suất vi phạm cao (một vài lần trong một khoảng thời gian nhất định), EU có thể áp dụng biện pháp kiểm soát chặt hoặc xử lý nghiêm khắc (tăng tần suất, tỷ lệ kiểm tra, cấm nhập khẩu vào EU một thời gian..).
Ngoài ra, đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm, vấn đề truy xuất nguồn gốc được đặc biệt quan tâm và chứng nhận GlobalGAP là điều kiện tiên quyết. Ngay cả trong khối EU, ngoài các quy định chung, một số quốc gia thành viên còn có tiêu chí đối với hàng nhập khẩu thậm chí khắt khe hơn, điển hình như khu vực thị trường Bắc Âu, không những yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao, các nước Bắc Âu còn quan tâm đến cả quy trình tạo ra sản phẩm từ “nông trại đến bàn ăn”.
Đối với thị trường Hoa Kỳ, hàng rào kỹ thuật của nước này bao gồm các quy định yêu cầu về phân tích nguy cơ dịch hại, thực hiện kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và yêu cầu xử lý kiểm dịch thực vật (chiếu xạ) đối với các lô hàng trái cây tươi xuất khẩu của Việt Nam. Đặc biệt, Hoa Kỳ còn thường cử chuyên gia sang giám sát quá trình xử lý từng lô hàng xuất khẩu, nhất là giám sát quá trình chiếu xạ.
Tương tự EU, trong những rào cản kỹ thuật, rào cản mà doanh nghiệp cần quan tâm nhất khi xuất khẩu nông sản sang thị trường Hoa Kỳ là mức giới hạn tối đa dư lượng (MRL). Theo đó, trong thời gian qua, đã có nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam bị cảnh báo ở các thị trường Hoa Kỳ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật như gạo, thanh long, xoài, hồ tiêu, chè, rau… Do đó, trong quá trình sản xuất, nông dân và doanh nghiệp cần nắm vững dịch hại chính trên cây trồng và biện pháp phòng trừ hợp lý; nắm được danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng, chọn loại thuốc thích hợp có hiệu lực tốt, thời gian cách ly ngắn; khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần thực hiện theo tiêu chuẩn GAP, và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP...
Doanh nghiệp xuất khẩu cần làm gì?
Trong thời gian tới, để tận dụng tốt lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do, các cơ hội từ các khu vực thị trường tiềm năng, dần khắc phục các rào cản hiện có, ngoài vai trò của các cơ quan quản lý ở trung ương và địa phương, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản cần tăng cường cập nhật thông tin thị trường, chính sách; chủ động hơn nữa trong nắm bắt thông tin về các FTA và đặc biệt là các cam kết liên quan đến ngành hàng để tận dụng triệt để các cơ hội và hạn chế các thách thức, giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp cần tham khảo thông tin được cập nhật trên trang website Cổng thông tin Bộ Công Thương, Hệ thống thương vụ Việt Nam hay Bản tin thị trường nông lâm thủy sản được Bộ Công Thương xuất bản định kỳ hàng tuần.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ toàn bộ quy trình sản xuất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường. Quy hoạch, xây dựng vùng trồng an toàn, bền vững theo tiêu chuẩn GlobalGAP… nhằm tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định về số lượng, đồng đều về chất lượng.
Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, phát triển các hệ thống sản xuất, chế biến hiện đại, tăng cường chế biến sâu, từ đó tối ưu hóa quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho sản phẩm, tiến dần tới các tiêu chuẩn quốc tế và tạo lợi thế cạnh tranh.
Đặc biệt, cần phối hợp chặt chẽ với Tham tán thương mại Việt Nam ở các quốc gia, khu vực thị trường trên thế giới trong đẩy mạnh hoạt động marketing và xúc tiến xuất khẩu trên cơ sở nghiên cứu phân khúc thị trường, xác định thị trường trọng điểm và tiềm năng. Tăng cường giao dịch điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong công tác thị trường và xúc tiến thương mại, quảng cáo trên website, email... để nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến xuất khẩu; tham gia trực tiếp vào kênh phân phối tại thị trường.