Nguồn vốn là cốt yếu với doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh. Để giải bài toán này, ngoài sự hỗ trợ từ các cấp quản lý, doanh nghiệp cũng cần chủ động chuyển đổi.
Nỗ lực khơi thông dòng vốn tín dụng xanh
Việc triển khai các giải pháp từ ngành ngân hàng sẽ góp phần định hướng dòng vốn tín dụng đầu tư vào các dự án xanh, thân thiện với môi trường, từ đó góp phần thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững của quốc gia.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong thời gian qua, NHNN đã chủ động, linh hoạt trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ngân hàng nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tín dụng cho các ngành sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần hỗ trợ tăng trưởng kinh tế...
Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Đồng thời, NHNN cũng đã chủ động lồng ghép, xây dựng các Đề án, Chương trình tín dụng góp phần tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án góp phần bảo vệ môi trường, hỗ trợ tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN).
TS.Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cũng chỉ ra, chuyển đổi xanh tại Việt Nam hiện nay đã có chuyển động nhất định về khuôn khổ pháp lý như những Thông tư, Nghị định ban hành của NHNN, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước liên quan đến xanh.
Gần đây nhất có Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, có chiến lược về chương trình hành động tăng trưởng xanh, xanh hoá sản xuất, đầu tư, xanh hoá tiêu dùng, lối sống, thậm chí xanh hóa khuôn khổ pháp lý, chính sách.
Chia sẻ về nguồn vốn quốc tế cho tín dụng xanh hiện nay, bà Tùng cho biết: “Về phía ngành ngân hàng, sau khi Thủ tướng cam kết, phía NHNN đã gặp rất nhiều đối tác có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Họ tìm hiểu về các dự án xanh, có những tổ chức tài chính, ngân hàng đã đưa ra cam kết cụ thể để đầu tư”.
Song, TS. Võ Trí Thành cho rằng, không chỉ vốn mà tiêu chí, hỗ trợ như thế nào, ưu tiên, ưu đãi nguồn lực thế nào cũng là vấn đề quan trọng. Đơn cử, hiện nay có Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn nhưng để triển khai thành chương trình, có những sandbox thí điểm cho doanh nghiệp, từng bước như thế nào cũng là một bài toán khó.
Chuyển đổi xanh là chuyện sống còn của doanh nghiệp
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai các giải pháp nhằm thúc đẩy tín dụng xanh, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, hiện nay còn thiếu danh mục phân loại xanh là căn cứ để NHNN đánh giá được hiệu quả của các chính sách, giải pháp trong chính sách tín dụng góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh quốc gia;
Là cơ sở quan trọng để các tổ chức tín dụng (TCTD) xác định định mức, quy mô đầu tư, xây dựng và triển khai các chính sách, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng phù hợp.
Mặc dù, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực ASEAN xây dựng được một hướng dẫn thống kê về tín dụng theo phân loại xanh.
Tuy nhiên hướng dẫn về 12 ngành xanh do NHNN ban hành từ năm 2017, chưa phải là danh mục phân loại xanh quốc gia và chưa có sự thống nhất về việc phân loại lĩnh vực xanh của các bộ, ngành khác, chưa đảm bảo xác định, thống kê đầy đủ nguồn lực tín dụng xanh của ngành ngân hàng cho nền kinh tế nên tỉ trọng tín dụng xanh mới chiếm 4,5% dư nợ nền kinh tế.
Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả nhằm mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng còn cần sự phối, kết hợp từ nhiều phía, đặc biệt là từ phía doanh nghiệp.
Doanh nghiệp cần nỗ lực trong hành trình chuyển đổi xanh.
Bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết, thời gian vừa qua, NHNN đã đưa ra rất nhiều giải pháp hỗ trợ cho nền kinh tế như giảm lãi suất, cơ cấu nợ. Đối với lĩnh vực xanh, đã có rất nhiều chính sách như Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định 08 của Chính phủ hỗ trợ khoa học kỹ thuật, thuế phí…
Liên quan tín dụng, trong danh mục 12 ngành xanh, một số lĩnh vực nằm trong chương trình hỗ trợ, hưởng cơ chế ưu đãi, trần lãi suất ưu đãi, cơ chế nợ xử lý rủi ro.
Tuy nhiên, theo bà Tùng, bản thân doanh nghiệp cần tự ý thức để chuyển đổi xanh. Sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là giải pháp thêm.
“Doanh nghiệp muốn được nhận ưu đãi trong khi bản thân doanh nghiệp còn chưa thực hiện đúng quá trình chuyển đổi xanh thì làm sao để ưu đãi?”, bà Tùng nêu quan điểm.
Đồng quan điểm với bà Tùng, ông TS. Võ Trí Thành cho rằng, chuyển đổi xanh cần sự nỗ lực của doanh nghiệp. “Đó không chỉ là câu chuyện cam kết chính trị mà là chiến lược, câu chuyện thị trường, câu chuyện sống còn của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp không xanh thì rất khó bán được hàng do đòi hỏi của nền tiêu dùng, những cam kết, tiêu chuẩn, nhất là về xuất nhập khẩu. Do đó doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi xanh, đó là câu chuyện rất đời”, ông Thành nhấn mạnh.
Dù vậy, chuyển đổi xanh là một quá trình không đơn giản, bởi chi phí chuyển đổi lớn, đòi hỏi công nghệ, vốn, kĩ năng. Chính vì vậy, vai trò của chính sách Nhà nước rất quan trọng.
Cần làm thế nào để hỗ trợ hạ tầng, đào tạo, nghiên cứu triển khai, đổi mới sáng tạo và có những cách hỗ trợ vừa thị trường, vừa đúng cam kết lại vừa khéo cho doanh nghiệp, để doanh nghiệp Việt có thể dần bứt lên được .
https://www.nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-chu-dong-chuyen-doi-de-don-nguon-von-xanh-a660967.html