## Trong 7 tháng đầu năm 2023, cả nước chỉ có 36 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ với khối lượng 62,3 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022. Kinh tế khó khăn khiến sức hấp thụ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) kém hơn so với trước kia. Chưa kể, số TPDN phải đảo nợ cũng đang “đè” gánh nặng nên nhiều doanh nghiệp đã quyết tâm mua lại một phần lớn trái phiếu đã bán ra.**
Phát hành mới giảm gần 78%
Bộ Tài chính cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, có 36 doanh nghiệp phát hành riêng lẻ với khối lượng 62.300 tỷ đồng TPDN, giảm 77,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, doanh nghiệp (DN) bất động sản phát hành chiếm 54,2% trái phiếu được phát hành; tổ chức tín dụng phát hành chiếm 31,6%. Có hơn 60% TPDN phát hành có tài sản đảm bảo.
Lý giải về việc thị trường TPDN giảm mạnh, Bộ Tài chính cho rằng, do kinh tế khó khăn nên nhu cầu vốn của DN giảm. Nhà đầu tư cá nhân thận trọng sau vụ việc về trái phiếu doanh nghiệp liên quan đến việc ngân hàng thương mại phân phối trái phiếu trong thời gian qua đang được cơ quan chức năng xử lý. Doanh nghiệp và tổ chức cung cấp dịch vụ quan ngại về vi phạm nên hạn chế việc phát hành mới.
Ngoài ra, cầu đầu tư TPDN giảm do theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, DN bảo hiểm từ năm 2023 không được đầu tư một số sản phẩm trái phiếu.
Một trong những nguyên nhân khiến lượng phát hành TPDN giảm thời gian qua là niềm tin của nhà đầu tư chưa phục hồi. Anh Nguyễn Long (Hà Nội) đang sở hữu số TPDN Quang Thuận, An Đông với trị giá hơn 1 tỷ đồng. Sau khi Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gặp sự cố, nhiều tháng nay anh Long không nhận được tiền lãi.
Thị trường TPDN vẫn khó chồng khó (ảnh minh họa)
“Tôi cùng nhiều nhà đầu tư gửi đơn cầu cứu khắp nơi nhưng đến nay chỉ có thể nhìn tờ trái phiếu vô dụng. Khi chào mời, đơn vị môi giới cho biết, sẽ mua lại bất cứ khi nào nhưng đến nay doanh nghiệp phát hành gặp khó, đơn vị môi giới “phủi tay” khiến nhà đầu tư bơ vơ. Nhiều người thân, quen của tôi nghe tới TPDN lắc đầu từ chối”, anh Long chia sẻ.
Bộ Tài chính cho biết, đến cuối tháng 7/2023, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ khoảng 1,02 triệu tỷ đồng chiếm 10,8% GDP năm 2022, bằng 8,2% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, do kinh tế khó khăn, tình trạng DN chậm trả lãi, gốc TPDN cũng khiến niềm tin của nhà đầu tư lung lay. Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, đến cuối tháng 6/2023, gần 60 DN chậm thanh toán lãi, nợ gốc TPDN.
Công ty Chứng khoán VNDirect cũng vừa tung ra dự báo, hoạt động đàm phán gia hạn kỳ hạn trái phiếu sẽ tiếp tục gia tăng trong 2 quý cuối năm 2023. Trong bối cảnh nhiều tổ chức phát hành vẫn còn khó khăn trong hoạt động kinh doanh và khó khăn về dòng tiền, việc có thể đàm phán để gia hạn thời hạn TPDN đến hạn.
“Quý III/2023 sẽ có khoảng 75.900 tỷ đồng TPDN đáo hạn (tăng 14,9% so với quý II/2023). Trong đó, DN bất động sản chiếm gần 43%, tiếp theo nhóm tài chính - ngân hàng chiếm 30% tổng giá trị trái phiếu đáo hạn”, Công ty cổ phần chứng khoán VNDIRECT nhận định.
Đua nhau mua lại hàng đã bán ra
Số lượng TPDN phát hành mới giảm nhưng nhiều DN chủ động mua lại TPDN trước hạn để tái cơ cấu nguồn vốn. Tổng khối lượng TPDN mua lại trước hạn đạt 135.300 tỷ đồng, tăng 56,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Nhiều DN đàm phán với các chủ sở hữu trái phiếu để cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Nhiều tổ chức phát hành trong lĩnh vực bất động sản đã đạt được thỏa thuận gia hạn thanh toán trái phiếu như Novaland, Hưng Thịnh Land…
“Việc các doanh nghiệp chủ động đàm phán với chủ sở hữu trái phiếu đã góp phần ổn định tâm lý của nhà đầu tư; đồng thời tạo điều kiện để doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh, qua đó có dòng tiền để trả nợ khi trái phiếu đến hạn sau quá trình tái cơ cấu”, Bộ Tài chính cho biết.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, có nhiều lí do để DN mua lại trái phiếu trước hạn. Việc mua lại TPDN trước hạn có thể do dự án của DN không còn khả thi nên muốn tất toán để giảm chi phí tài chính. Bên cạnh đó, DN có thể tiếp cận nguồn vốn khác với lãi suất thấp hơn nên mua lại TPDN.
“Nghị định 65 cho phép DN mua lại TPDN trước hạn. Trong khi đó, trước đây có thể một số đợt phát hành trái phiếu chưa chuẩn về quy định như mục đích sử dụng vốn. Vì vậy, DN có thể lựa chọn mua lại trái phiếu nhằm tránh rủi ro pháp lý tiềm ẩn”, ông Hiếu nhận định.
Cùng quan điểm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, việc mua lại TPDN là nhu cầu bình thường của DN. Theo ông Thịnh, mỗi DN có chiến lược kinh doanh riêng, việc phát hành và mua lại TPDN nằm trong chiến lược đó. Tuy nhiên, việc mua lại TPDN trước hạn cũng cho thấy, tình hình của DN nhiều bất lợi khi nền kinh tế còn đang vượt khó khăn.
Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục giải pháp ổn định và phát triển thị trường công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển. Hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, đồng bộ giải pháp về hoàn thiện chính sách theo hướng tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nâng cao chất lượng hàng hóa, cải thiện chất lượng của các tổ chức cung cấp dịch vụ.